Đừng tính chuyện thay đổi thế giới, chỉ cần vứt rác đúng chỗ từ hôm nay

Gần đây, cộng đồng đang dậy sóng với những câu chuyện nghề xúc động của những công nhân vệ sinh. Họ là những con người thầm lặng đang ngày ngày làm việc để thành phố không chìm trong biển rác, nhưng đến khi họ được lên tiếng, người ta mới giật mình nhìn lại. Chúng ta vẫn hô hào kêu gọi bảo vệ môi trường, chống biến đổi khí hậu hay sự nóng lên của trái đất,… cần chi mấy điều vĩ mô xa xôi đó; 2018 rồi, có chăng điều đơn giản đầu tiên nên làm là hãy vứt rác đúng chỗ!

Đa phần chúng ta vẫn mang một tâm lý chung: môi trường ô nhiễm, khí hậu thay đổi thì liên quan gì đến bản thân, đến bữa cơm hàng ngày, đến tâm trạng vui buồn hôm đó? Suy nghĩ tự xem mình vô can ấy đã vô tình khiến mọi thứ đã tệ nay càng tệ hơn. Cha chung không ai khóc, đường phố ô nhiễm đâu phải mình tôi mang họa, một cái vỏ kẹo xả ra chắc cũng không hề gì, hay mình tôi vứt rác đúng chỗ thì cũng thay đổi được gì đâu… Cứ thế, người ta ít tự giác hơn, ít mang tâm lý trách nhiệm hơn, rác nhà tôi tôi quét, còn lại đó là việc của xã hội.

Trong khi cả thế giới đang vận hành vì một cuộc sống xanh, trong khi công dân toàn cầu đã dần chuyển sang dùng túi giấy hay vật liệu dễ phân hủy thì Việt Nam vẫn trung thành với bao ny lông. Dạo một vòng các siêu thị và chợ, người người xách túi, nhà nhà xách túi, một người hai ba túi là chuyện bình thường. Vì sao, vì chúng tiện lợi, vì chúng bền chắc. Nhưng hãy thử tưởng tượng, số lượng túi ny lông khổng lồ này cần bao nhiêu lâu để phân hủy hoặc tái chế? Hiểu đơn giản, nếu bạn không vứt đi mà cứ giữ trong nhà, chẳng mấy chốc đống “rác” ấy sẽ nhấn chìm nhà bạn; đó cũng chính là cách chúng ta đang tự nhấn chìm môi trường sống của mình.

Việc dùng túi vải hay túi giấy thay thế mới chỉ là một trào lưu chớm nở, không ai bắt ép, không ai cấm cản, nên không chắc trào lưu này sẽ vận hành được bao lâu. Chai nhựa, ly nhựa, ống hút,… những vật dụng hàng ngày quen thuộc đến độ người ta quên mất chúng cũng sẽ gây hại ra sao, cứ thế vô tư sử dụng.

Hàng trăm cảnh báo đã được đưa ra mỗi ngày, ai cũng từng nghe, ai cũng biết nhưng chẳng ai để tâm. Vì trì hoãn một ngày cũng không sao, hậu quả chưa đến ngay được. Cứ thế, ý thức bị trì hoãn, vấn đề bị trì hoãn còn hệ quả thì cứ tăng dần mức độ nghiêm trọng theo tỉ lệ thuận.

Chưa cần bàn đến chuyện phải biết phân loại rác, phải biết hạn chế những loại vật liệu khó phân hủy hay tái chế sử dụng rác thải, những hành động ấy nghe có vẻ vẫn khá “xa xỉ”. Không cần quan tâm quá nhiều đến việc rác sẽ được xử lý như thế nào, quy trình ra sao,… chỉ cần hiểu được bước đầu tiên: hãy cho rác vào đúng chỗ của nó. Nhưng hành động này khó khăn đến vậy sao? Nhiều người vẫn tiện tay quăng luôn chai nước vừa uống xong vào cống, rõ ràng trên nắp cống chẳng đề biển “thùng rác” bao giờ, ấy vậy mà cứ xả, cứ thải.

Cứ mỗi lần mưa xuống, ta lại thấy công nhân vệ sinh hì hục đi thông cống, dọn dẹp rác thải sinh hoạt, rác thải xây dựng,… nghe họ tâm sự về nghề mới biết hóa ra vẫn còn quá nhiều người vô ý thức đến thế. Bỏ rác đúng nơi vốn rất dễ dàng, chỉ có thay đổi ý thức mới là vấn đề khó khăn vô hạn.

Ra công viên dạo chơi rồi sẵn tiện để đống rác ở lại, không phải vì không tìm được thùng rác mà vì tâm lý để đấy khắc có công nhân vệ sinh dọn dẹp cho. Ỷ lại, vô tâm không phải hiếm, nhưng nhiều hơn thế, chính là thói vô trách nhiệm với hành động của chính bản thân.

Sài Gòn vẫn đang đau đầu giải quyết vấn đề đường ngập, cứ mùa mưa hay triều cường lên là đường phố lại chìm trong biển nước. Một trong những lý do chính là vì cống nghẹt khiến nước không kịp thoát. Lúc này, người ta lại bắt đầu đổ lỗi, lỗi tại chính quyền, tại cơ sở vật chất không đảm bảo,… nhưng có ai tự hỏi lại: Liệu có phải do chai nước mình vừa quăng xuống cống không? Chuyện tưởng chẳng hề liên quan, nhưng giờ không thể cứ mãi tự xem mình vô can được nữa.

Những tấm áp phích hô hào bảo vệ môi trường giờ đây trở nên vô nghĩa khi mà họ không có thói quen vốn phải được giáo dục ngay từ đầu. Người Nhật vốn nổi tiếng với sự sạch sẽ, ngăn nắp của mình, họ đi đến đâu cũng để lại sự ngưỡng mộ vì thói quen tốt đẹp đó. Hành động nhặt rác trên sân World Cup vừa qua đã khiến cả thế giới kinh ngạc, họ không thắng trong bóng đá, họ thắng vì phẩm chất tuyệt vời.

Để làm được điều đó, là nhờ hệ thống giáo dục ngay từ khi sinh ra của người Nhật. Họ buộc con em mình phải có trách nhiệm với cộng đồng và bản thân, những học sinh Nhật Bản ngay từ tiểu học đã phải tự lau dọn, biết vứt rác đúng nơi trước cả khi biết chữ.

Hình ảnh người Nhật nhặt rác cũng đã tạo nên một làn sóng mạnh mẽ, khiến cổ động viên của các nước khác bắt đầu làm theo. Đây chính là một bài học đắt giá, thói quen phải được xây dựng từ hành động, không phải từ những lời tuyên truyền vô nghĩa. Phải có hành động, dù chỉ một cá nhân, nhưng chúng có sức mạnh lan truyền hơn cả trăm lời cảnh báo. Bạn không thể ngăn cản người khác xả rác, nhưng biết đâu vì hành động tốt đẹp của bạn có thể thay đổi ý thức của những người chứng kiến.

Không chỉ từ giáo dục, mà vì những người đang trực tiếp chịu trách nhiệm với việc bảo vệ môi trường ở Việt Nam vẫn chưa được hưởng đúng lợi ích cho công việc họ làm. Công nhân vệ sinh, những người quan trọng nhưng lại chưa được đánh giá đúng tầm. Họ ít được quan tâm, thù lao ít ỏi, điều kiện lao động khó khăn khiến nhiều người không thể tiếp tục với công việc.

Tuyển lao động cho ngành nghề này cũng ngày càng khó khăn hơn. Hãy thử tưởng tượng nếu một ngày không còn những công nhân vệ sinh trên đường phố, liệu tình trạng “cha chung không ai khóc” có còn tiếp diễn?

Thay vì hô hào bảo vệ môi trường, hãy hô hào bảo vệ cho chính những con người lao động lương thiện kia. Môi trường có thể khá trừu tượng, nhưng những con người ấy thì không. Họ cũng giống chúng ta, cùng sống và lao động, hãy làm cho công việc tốt đẹp của họ bớt đi một phần cực nhọc. Đánh vào tâm lý và sự thương cảm sẽ có hiệu quả hơn là chỉ nói những lời sáo rỗng về những hậu quả chưa thể nhìn thấy. Đừng bắt người khác phải “dọn dẹp” cho “ý thức” của bạn.

Chúng ta không phải là nhà khoa học, chưa thể nghĩ ra loại vật liệu dễ hủy mà vẫn bền chắc để khuyến khích người dân sử dụng; chúng ta cũng không phải nhà sinh học có thể trồng hàng ngàn cây xanh làm sạch không khí, giảm sự nóng lên của Trái Đất. Nhưng vứt rác đúng chỗ, hạn chế đồ nhựa,… hoàn toàn là những chuyện nằm trong bàn tay. Hậu quả chưa đến ngay, nhưng thế hệ con cháu sẽ là người đón nhận chúng.

Người ta bỏ ra rất nhiều tiền để đi du lịch hay các chuyến nghĩ dưỡng, đến những vùng đất hoang vắng, hòa mình cùng thiên nhiên để tận hưởng không khí trong lành và sạch sẽ. Vậy mà lại ngại tự tạo điều này cho chính nơi mình sinh sống. Đừng mãi giữ lối tư duy cũ, hãy sống xanh, sống sạch, không chỉ cho mỗi bản thân mà còn cho cả cộng đồng.

Nói dễ khó làm, không ít lần bạn nghĩ mình sẽ sống thật ý thức, thế nhưng mọi thứ chẳng thể duy trì được lâu nếu không thường xuyên thực hiện. Đừng mãi tự cho mình cái quyền “nốt lần này rồi thôi”. Đừng giữ lối sống cá nhân, bởi đơn giản bạn không tồn tại một mình trên trái đất. Khi làm một việc gì đó không nên chỉ vì sự thuận tiện của bản thân, bạn vứt một túi rác đồng nghĩa với việc người khác phải bỏ ra thời gian để dọn dẹp chúng.

Trước khi vẽ ra kế hoạch thay đổi thế giới và trở thành một người vĩ đại, chỉ cần sống một cách thực tế, nhìn vào hiện tại cuộc sống. Học cách sống có ích chỉ đơn giản bằng việc “vứt rác đúng chỗ”!

Bài viết: Anna
Minh họa: Đan Độc Đáo
Thiết kế: Phan

Anna

Nguồn Thế Giới Trẻ: http://thegioitre.vn/tin-tuc/xa-hoi/dung-tinh-chuyen-thay-doi-the-gioi-chi-can-vut-rac-dung-cho-tu-hom-nay-52912.html