Đua xe F1 chính thức đến Việt Nam: Nâng tầm vị thế!

Đua xe F1, giải thể thao tốc độ danh giá và mạo hiểm, lẫn tốn kém nhất thế giới đã chính thức đến với mảnh đất hình chữ S bằng buổi ra mắt hoành tráng vào ngày 7/11 vừa qua tại Hà Nội. Thêm một lần nữa, hình ảnh và vị thế của Việt Nam lại được nâng tầm thông qua thể thao.

Đường đua của quá khứ và hiện tại

Để đăng cai tổ chức một vòng đua F1, theo báo chí nước ngoài, số tiền mà nước chủ nhà phải chi ra là vài tỷ USD. Trong đó, chỉ riêng tiền bản quyền phải trả đã lên tới 50-60 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, ngay cả khi có tiền, thậm chí là rất nhiều tiền, thì không phải là quốc gia nào cũng hội tụ đủ những yếu tố mà theo Giám đốc điều hành của giải đua xe Công thức 1, ông Chase Carey - người vừa có mặt tại Việt Nam - khẳng định, tổ chức này rất quan tâm tới việc tạo nên một sự kiện đặc biệt, thu hút sự chú ý và trí tưởng tượng của người dân. Đó cũng chính là yếu tố làm nên thương hiệu của giải thể thao số 1 hàng tinh có doanh thu lên đến gần 1,8 tỷ USD lợi nhuận mỗi năm này.

Vậy nên, việc F1 đến Hà Nội với chặng đua chính thức vào năm 2020, Việt Nam đã thực sự ghi danh vào bản đồ thể thao thế giới với vị thế mới - Là quốc gia thứ 22 đăng cai giải đua này và là quốc gia, vùng lãnh thổ thứ 7 tại châu Á.

F1 lần đầu tổ chức tại Việt Nam, nhưng nó đã quá quen thuộc với làng thể thao thế giới. Vietnam Grand Prix diễn ra trong 10 năm, kể từ 2020 theo hợp đồng đã ký giữa Hà Nội và BTC giải đua xe Công thức 1 có gì mới, có gì khác biệt so với đường đua thế giới?

Câu trả lời là sự kết hợp giữa các yếu tố văn hóa, lịch sử và cả tương lai hiện đại mà F1 vốn là đại diện. Cụ thể, bên cạnh các vòng đua Monaco Grand Prix, Singapore Grand Prix và Azerbaijan Grand Prix, Việt Nam sẽ là chặng đua trên phố thứ 4 trong hệ thống giải F1 với địa điểm được chọn là khu vực sân vận động quốc gia Mỹ Đình.

Nhưng điểm nhấn đặc biệt nằm ở chỗ, Vietnam Grand Prix có sự kết hợp giữa đường đua trên phố với đường đua được xây mới dài 5,565km có 22 góc cua cùng 1 đoạn thẳng dài 1,5km. Điều này không chỉ thách thức khả năng điều khiển xe mà cả tốc độ được đẩy lên tối đa của các tay đua. Sự hấp dẫn mang tính riêng biệt, nhưng vẫn không làm mất đi nét hấp dẫn của môn thể thao tốc độ này.

Vẫn còn nhiều việc để làm

Hợp đồng ghi nhớ đã được ký và cũng trong buổi lễ công bố, lãnh đạo Hà Nội cũng cho biết, thành phố đã giao cho tập đoàn Vingroup triển khai tổ chức. Hiện tại, tập đoàn này đã thành lập công ty con mang tên Grand Prix Việt Nam để đứng ra tổ chức độc quyền và chịu trách nhiệm phối hợp với các đơn vị thiết kế, thi công, cũng như từ chính F1, để xây dựng đường đua cho mùa giải 2020 tới đây.

Đơn vị tổ chức sẽ phải chi trả toàn bộ kinh phí cho BTC F1 chứ không sử dụng ngân sách từ thành phố. Nguồn thu dự kiến của giải đua này sẽ bao gồm doanh thu từ việc bán vé, dịch vụ cung cấp cho các đội đua F1, doanh thu từ quảng cáo và từ các nhà tài trợ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Tất nhiên, công việc chuẩn bị trong 2 năm tới là cực nhiều, từ thiết kết đến thi công đường đua mới và phải được phê chuẩn kỹ thuật để vận hành, rồi đến chuẩn bị cơ sở vật chất, hạ tầng ở mức... 5 sao để phục vụ giải đua. Và không chỉ có đua xe, F1 còn là 1 sự kiện lớn với rất nhiều những hoạt động liên quan khác, cũng lần đầu Việt Nam tổ chức. Nhưng câu hỏi mà báo chí đặt ra lúc này là làm sao để Vietnam Grand Prix có lãi suất khi mà số tiền phải chi là quá lớn?

Đây rõ ràng là câu hỏi khó bởi dù F1 là phi vụ kinh doanh tầm quốc tế, không phải ai cũng làm được, nhưng không phải ai cũng có lãi từ đó. Nâng tầm, quảng bá, phát triển du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, đó là những điều đương nhiên, trong buổi lễ công bố, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vingroup tuyên bố, tập đoàn sẽ không đặt lợi nhuận là mục tiêu hàng đầu, dù: "Thông qua giải đua F1, chúng tôi cũng sẽ quảng bá hình ảnh VinFast, thương hiệu ôtô Việt đẳng cấp quốc tế đến với công chúng thế giới".

Còn theo Giám đốc điều Chase Carey: "Tổ chức F1 cũng mang tới những giá trị rất khó đong đếm, rất khó để cân nhắc xem đó là thành công hay thất bại"

Tóm lại vẫn còn phải chờ!

Ngọc Minh

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dua-xe-f1-chinh-thuc-den-viet-nam-nang-tam-vi-the.aspx