'Dự án treo' - Bao giờ thôi nhức nhối? (Bài 2): Những giải pháp quyết liệt

Hiện, trên địa bàn tỉnh có 341 dự án thực hiện đầu tư chậm tiến độ, trong đó có 167 dự án triển khai chậm so với tiến độ đầu tư được phê duyệt nhưng chưa chậm quá 24 tháng, chưa vi phạm pháp luật đất đai; 174 dự án chậm tiến độ (18 dự án không được sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục, 156 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng) vi phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013, khiến nguồn tài nguyên đất đai bị lãng phí và ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người dân và sự phát triển của tỉnh.

Căn nhà của bà Trịnh Thị Chí, ở phố Lai Thành, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa có cơ sập đổ bất cứ lúc nào. Ảnh: Tiến Đông

Hàng trăm “dự án treo”

Theo quy định của pháp luật, đối với dự án đã được giao đất, sau 24 tháng nếu chủ đầu tư không triển khai thì cơ quan quản lý Nhà nước sẽ thu hồi hoặc phải gia hạn với một số điều kiện kèm theo. Nhưng trên thực tế, sau khi “ôm” được đất “vàng”, nhiều chủ đầu tư vẫn không triển khai. Vì vậy, trong các kỳ họp HĐND tỉnh đều “nóng” vấn đề “quy hoạch treo”, “dự án treo”. Và người dân, cũng không biết làm gì ngoài việc gửi đơn, kiến nghị và mòn mỏi chờ đợi.

Mới đây, tại Kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh XVIII diễn ra từ ngày 10 đến 12-7-2023, đồng chí Lê Sỹ Nghiêm, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, thông tin: Từ tháng 7-2014 đến ngày 31-7-2023, trên địa bàn tỉnh có 341 dự án thực hiện đầu tư chậm tiến độ, trong đó có 167 dự án triển khai chậm so với tiến độ đầu tư được phê duyệt nhưng chưa chậm quá 24 tháng, chưa vi phạm pháp luật đất đai; 174 dự án chậm tiến độ (18 dự án không được sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục, 156 dự án chậm tiến độ quá 24 tháng) vi phạm quy định tại điểm i khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013 (trong đó riêng địa bàn TP Thanh Hóa là 29 dự án; thị xã Nghi Sơn 33 dự án).

Là một trong những địa phương được “điểm danh” có nhiều dự án chậm tiến độ, trong đó có một số “dự án treo” xuyên thập kỷ, đã để lại nhiều hệ lụy, bức xúc cho Nhân dân, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 đã được UBND tỉnh phê duyệt, tính đến ngày 5-9-2023, TP Thanh Hóa đã và đang triển khai thực hiện 256 dự án, trong đó có 38 dự án, với diện tích khoảng 65 ha đã được UBND tỉnh giao đất, cho thuê đất; 218 dự án còn lại đang hoàn thiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB); hoàn thiện hồ sơ giao đất để đề nghị UBND tỉnh cho phép chuyển mục đích, giao đất trong năm 2023.

Đến thời điểm hiện tại, TP Thanh Hóa đã hoàn thành một số dự án như: Khu tái định cư đường nối từ trung tâm thành phố đi đường Nghi Sơn - Cảng Hàng không Thọ Xuân; Khu dân cư Thanh Kiên, phường Quảng Tâm; Cải tạo, nâng cấp đường giao thông từ Quốc lộ 1A đến Nghĩa trang Chợ Nhàng; cải tạo nâng cấp đường Duy Tân, phường Nam Ngạn, đoạn từ cầu Bốn Voi đến đê Sông Mã; Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt TP Thanh Hóa và vùng phụ cận - giai đoạn 1: Công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh - ô chôn lấp số 6...

Bên cạnh các dự án đầu tư xây dựng đã hoàn thành, thành phố vẫn còn những dự án tồn đọng kéo dài, đến nay vẫn chưa hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra như: Khu dân cư phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa (MBQH số 2788/QĐ-UBND, ngày 7-4-2020 điều chỉnh MBQH số 35/XD-UB, ngày 22-3-2004); Dự án Nâng cấp, mở rộng đường giao thông Đông - Định - Đức qua Công sở xã Quảng Đông, TP Thanh Hóa; Dự án Xử lý ngập úng khu Phú Thọ 3, phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa...

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến chậm tiến độ là do công tác quy hoạch xây dựng các dự án còn nhiều bất cập; các khó khăn do sự thay đổi trong cơ chế, chính sách bồi thường GPMB; do sự biến động bất thường của đơn giá vật liệu xây dựng, có những thời điểm khan hiếm vật liệu chủ yếu như cát, đất, xăng dầu... nhất là trong các năm 2021, 2022; sự thiếu quyết tâm, quyết liệt trong thực hiện nhiệm vụ của một số chủ đầu tư được giao thực hiện dự án; một số nhà thầu gặp khó khăn về huy động vốn để thực hiện dự án đầu tư do sự thắt chặt của các tổ chức tín dụng...

Còn đối với Dự án xây dựng Khu đô thị mới ven sông Hạc, trao đổi với phóng viên, Phó Chủ tịch UBND TP Thanh Hóa Lê Mai Khanh, cho biết: Hiện nay, thành phố đã tổng hợp các khó khăn vướng mắc của dự án, báo cáo tỉnh và các sở, ban, ngành sớm có phương án giải quyết. Vì, quỹ đất bố trí tái định cư cho các hộ dân bị tăng lên sau kiểm kê; đơn giá xây dựng trải qua thời gian dài đã có sự thay đổi. Đặc biệt, giá đất bố trí tái định cư nơi đến đã tăng gấp hai lần so với giá đất nơi đi được phê duyệt từ thời kỳ trước... Hiện, thành phố đang chờ xin ý kiến của tỉnh để có giải pháp cụ thể về dự án trên.

Kiên quyết xử lý dự án vi phạm

Trước thực trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo” nêu trên, ngày 31-5-2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Công văn số 7586/UBND-THKH về việc giao xử lý các dự án vi phạm quy định của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng trên địa bàn tỉnh. Thực hiện công văn, Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố, tổ chức làm việc trực tiếp với các nhà đầu tư để xác minh, làm rõ tình hình triển khai thực hiện hồ sơ, thủ tục của 26 dự án chậm tiến độ do UBND các huyện, thị xã, thành phố đề xuất không gia hạn. Trên cơ sở kết quả làm việc với các đơn vị liên quan, căn cứ quy định của pháp luật, UBND tỉnh ban hành Công văn số 11654/UBND-THKH, ngày 11-8-2023 về việc xử lý đối với 26 dự án chưa hoàn thành hồ sơ thuê đất nhưng đã hết hạn theo đề xuất của UBND các huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, Chủ tịch UBND chỉ đạo không gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ thuê đất đối với 20 dự án trên địa bàn TP Thanh Hóa và các huyện: Vĩnh Lộc, Thọ Xuân, Hậu Lộc, Hoằng Hóa, Quảng Xương, Nông Cống, Ngọc Lặc, Thạch Thành, Bá Thước, Cẩm Thủy, Mường Lát.

Người dân phố Thành Công, phường Đông Thọ, TP Thanh Hóa phản ánh về Dự án xây dựng khu đô thị mới ven sông Hạc chậm tiến độ với phóng viên. Ảnh: Tiến Đông

Lý do, 20 dự án không được gia hạn thời gian hoàn thành hồ sơ thuê đất là thuộc trường hợp nhà đầu tư không tích cực phối hợp với cơ quan nhà nước để triển khai công tác GPMB và thực hiện các hồ sơ, thủ tục đầu tư của dự án; không còn phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng của địa phương; đã bị thu hồi đất để Nhà nước đầu tư xây dựng đường giao thông, diện tích còn lại không đảm bảo để thực hiện dự án; nhà đầu tư không còn kế hoạch tiếp tục thực hiện.

Cụ thể như, Khu tổ hợp thương mại TP Thanh Hóa tại phường Quảng Thịnh, có thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục là năm 2020, lý do không gia hạn là nhà đầu tư chưa tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và chưa hoàn thiện hồ sơ thẩm định trình cấp có thẩm quyền; Nhà máy may xuất khẩu Thọ Hải tại xã Thọ Hải (Thọ Xuân) có thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục là năm 2021, lý do không gia hạn là UBND huyện đã nhiều lần đấu mối với nhà đầu tư làm việc, tuy nhiên nhà đầu tư không phối hợp thực hiện; Cửa hàng xăng dầu và khu thương mại dịch vụ Hoằng Hải tại xã Hoằng Hải (Hoằng Hóa), có thời gian hoàn thành hồ sơ, thủ tục là năm 2018 lý do không gia hạn là nhà đầu tư không tích cực triển khai thực hiện dự án theo đúng quy định, không thực hiện GPMB. Dự án không còn phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng, không có trong kế hoạch sử dụng đất năm 2023...

Tập trung tháo gỡ “nút thắt”

Đối với các dự án chậm triển khai thực hiện, đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống của một bộ phận người dân trên địa bàn TP Thanh Hóa, ngày 12-9-2023, Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành Công văn số 13404/UBND-KTTC về việc thực hiện bồi thường, GPMB tại Dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc (TP Thanh Hóa).

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND TP Thanh Hóa theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao, tập trung cao độ nhân lực thực hiện các công việc theo đúng chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại các văn bản đã ban hành, trong đó trước mắt khẩn trương thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân khu phố Thành Công, phường Đông Thọ đang sinh sống ven sông Hạc, đảm bảo hoàn thành trong tháng 12-2023; quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc, UBND TP Thanh Hóa chủ động báo cáo Ban Thường vụ Thành ủy TP Thanh Hóa để xin ý kiến chỉ đạo, đồng thời tham vấn (hoặc tổ chức hội nghị) với các sở, ngành có liên quan để được hướng dẫn giải quyết theo thẩm quyền.

Đề nghị Thành ủy TP Thanh Hóa tập trung lãnh đạo, chỉ đạo UBND TP Thanh Hóa đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho các hộ dân tại dự án Khu đô thị mới ven sông Hạc; kịp thời chỉ đạo giải quyết các vướng mắc phát sinh (nếu có)... Thanh tra tỉnh và các sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tư pháp, Công an tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ được giao, căn cứ quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh đã ban hành, phối hợp chặt chẽ với UBND TP Thanh Hóa trong quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tồn đọng liên quan đến dự án theo quy định.

Đối với Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa, qua tìm hiểu chúng tôi được biết, ngày 22-12-2021, Chủ tịch UBND tỉnh đã có Văn bản số 20273/UBND-CN về việc dừng triển khai thực hiện Dự án Hạ tầng kỹ thuật khu Trung tâm văn hóa tỉnh Thanh Hóa đến điểm dừng kỹ thuật; giao Sở Xây dựng (khẩn trương) quyết toán dự án; sau khi dự án được phê duyệt quyết toán, giao UBND TP Thanh Hóa căn cứ khả năng cân đối nguồn vốn ngân sách TP Thanh Hóa và các nguồn huy động hợp pháp khác, chủ động tổ chức lập dự án và tiếp tục đầu tư hạ tầng và GPMB khu Công viên Văn hóa xứ Thanh và khu vực lân cận, thuộc phường Đông Hương (TP Thanh Hóa).

Về công tác bồi thường GPMB, tái định cư đối với phần diện tích còn lại của dự án, UBND tỉnh đã xây dựng phương án cụ thể, theo đó sẽ bố trí 500 lô đất để thực hiện tái định cư cho 268 hộ dân phải bố trí đất ở (gồm 324 lô tại MBQH số 3241/QĐ-UBND ngày 7-6-2013 và 176 lô tại các mặt bằng khác trên địa bàn TP Thanh Hóa); bồi thường, giải quyết dứt điểm các tồn đọng còn lại (nếu có) đối với các hộ có đất nông nghiệp; bồi thường và di chuyển mồ mả xuống Nghĩa trang Chợ Nhàng. Tổng kinh phí thực hiện bồi thường GPMB, tái định cư là 528,34 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành công tác bồi thường GPMB, tái định cư xong trước ngày 31-12-2023.

Đây có thể nói là một trong những giải pháp quyết liệt trong chỉ đạo điều hành của UBND tỉnh đối với các dự án chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Thanh Hóa nói riêng. Hy vọng rằng, với sự chỉ đạo cụ thể cùng với việc gắn trách nhiệm của các cơ quan chức năng, địa phương có dự án chậm tiến độ, những vướng mắc, tồn đọng của các dự án sẽ được giải quyết, mang lại niềm tin cho Nhân dân vào cấp ủy, chính quyền địa phương.

Tô Dung - Mai Phương

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/doi-song-xa-hoi/du-an-treo-bao-gio-thoi-nhuc-nhoi-bai-2-nhung-giai-phap-quyet-liet/197143.htm