Dòng sông mang tên người phụ nữ miệt vườn

Trong 18 con sông tiêu biểu của Việt Nam như sông Hồng, sông Mã, sông Bạch Đằng… được tôn vinh trên Cửu Đỉnh, duy chỉ có một con sông mang tên người, một người phụ nữ miệt vườn Nam bộ, bà là Châu Thị Vĩnh Tế. Số phận bà gắn liền với con sông đào lớn nhất triều Nguyễn.

Hình khắc kênh Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Hà) trên Cao Đỉnh.

Bà Châu Thị Vĩnh Tế, sinh năm 1766, mất năm 1826, thọ 60 tuổi. Bà là người miền Tây Nam bộ, sinh trưởng ở Cù Lao Dài (còn gọi là Cù Lao Năm Thôn), thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long. Đây là bãi nổi nằm giữa sông Cổ Chiên, một nhánh của sông Tiền.

Thế nhưng sự nghiệp của bà lại gắn với mảnh đất An Giang, nơi có con sông Hậu chảy xuyên qua và một số núi sông, làng xóm mang chính danh tên bà: Sông đào (mà người miền Tây quen gọi là kênh) Vĩnh Tế, núi Vĩnh Tế (Vĩnh Tế Sơn, vốn tên trước đó là Núi Sam) và một số làng xóm bên bờ kênh Vĩnh Tế mở đầu bằng chữ Vĩnh như Vĩnh Ngươn, Vĩnh Điều, Vĩnh Gia, Vĩnh Thông và Vĩnh Tế. Chính Hoàng đế Minh Mạng đã đặt lại tên núi, tên sông theo tên bà.

Bà có công cùng chồng tổ chức đào một con kênh nổi tiếng nhất thời Nguyễn nối liền Châu Đốc và Hà Tiên. Chồng bà cũng là người nổi tiếng đánh giặc giỏi mà… đào kênh cũng tài. Ông là Nguyễn Văn Thoại, dân miền Tây vẫn quen gọi là Thoại Ngọc Hầu. Trước khi đào kênh Vĩnh Tế, ông đã chỉ huy đào thành công con kênh vào năm 1818, dài hơn 30km nối rạch Đông Xuyên (Long Xuyên) với rạch Giá Khê (Rạch Giá).

Hoàng đế Gia Long khi ấy đã ban thưởng cho ông bằng cách đặt tên con kênh là Thoại Hà, tên núi là Thoại Sơn (mà dân đã gọi là Núi Sập). Xã Thoại Giang ngày nay vẫn nằm bên bờ con kênh ông đào năm xưa. Nay thì Thoại Sơn lại còn là tên một huyện của tỉnh An Giang, nơi có di chỉ khảo cổ học Óc Eo nổi tiếng của Vương quốc Phù Nam.

Bà Vĩnh Tế nổi tiếng đến nhường vậy là… nhờ chồng. Quả là dân gian có câu "của chồng, công vợ". Thoại Ngọc Hầu đánh giặc phương xa, đào kênh vất vả. Bà cũng chu đáo chăm sóc chồng, đốc thúc dân binh đào kênh. Vua Minh Mạng cũng phong tước cho bà là "Nhất Phẩm Phu Nhân". Khi bà qua đời lại được phong làm "Nhàn Tĩnh Phu Nhân" vào năm Bính Tuất (1826). Chín năm sau khi mất, tên bà lại được khắc vào Cao Đỉnh với dòng chữ "Vĩnh Tế Hà" (sông Vĩnh Tế). Đây là chiếc đỉnh lấy miếu hiệu của Hoàng đế đầu triều là Gia Long, to nhất và đẹp nhất trong số 9 cái đỉnh đồng.

Không phải ngẫu nhiên mà bà Vĩnh Tế được vinh danh tột đỉnh như vậy. Người đời sau sẽ không hiểu được, nếu như không biết về tầm quan trọng của con kênh mang tên bà. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi lại: "Sông đào dài 105 dặm rưỡi, tiếp với sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, cộng 205 dặm rưỡi. Từ đấy đường sông mới thông, việc biên phòng và việc buôn bán đều được hưởng mối lợi vô cùng".

Người đầu tiên có ý tưởng đào kênh Vĩnh Tế là vua Gia Long. Vào năm 1816, khi thành Châu Đốc được đắp xong, vua xem địa đồ liền truyền: "Xứ này nếu mở đường thủy thông với Hà Tiên, thì hai đàng nông thương đều lợi. Trong tương lai, dân đến ở làng đông, đất mở càng rộng, sẽ thành một trấn to vậy".

Quả đây là tầm nhìn chiến lược, nhà Nguyễn đã sớm thấy tiềm năng đất miền Tây Nam bộ từ khi còn là vùng mới được mở mang, bùn lầy, chua mặn. Ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Mão (1819), bắt đầu khởi công đào kênh. Nhà Nguyễn rất chú trọng đến biên phòng, cần đến một con sông làm lá chắn vùng biên giới Tây Nam, ngăn chặn quân Xiêm từ phía Tây kéo sang thông qua ngả Chân Lạp (Cam-pu-chia ngày nay).

Sách "Quốc triều chánh biên toát yếu" còn chép lại: "Nghĩ trấn Vĩnh Thanh, trấn Hà Tiên gần nước Chân Lạp mà không có đàng thủy, qua lại không tiện. Lúc ấy có quan Chiêu thùy Chân Lạp là Đông Phòng sang chầu, Ngài (vua Gia Long) đòi vào hỏi việc đào sông, (viên quan ấy) tâu rằng: "Nếu đào sông ấy thời ích lợi cho dân Chân Lạp lắm". Ngài vui lòng, liền truyền dụ dân Vĩnh Thanh rằng: "Công trình đào sông ấy rất khó, việc Nhà nước và cách phòng giữ bờ cõi quan hệ rất lớn. Các ngươi tuy khó nhọc một lần, mà ích lợi cho muôn đời ngày sau; dân ngươi phải báo cho nhau biết chớ nên sợ nhọc".

Lật giở sách "Gia Định thành thông chí" của danh tướng Trịnh Hoài Đức mới thấy, việc chỉ huy đào kênh giao cho Thoại Ngọc Hầu. Phần việc nặng đào bùn đất khô cứng giao cho dân binh người Việt, phần đất bùn nhão dễ đào hơn giao cho người được cấp Cao Miên, mỗi người được cấp 6 quan tiền và 1 vuông gạo. Đến năm 1820 mới đào xong, nối tiếp sông cũ đến cửa biển Hà Tiên, tổng cộng dài 205 dặm rưỡi mà đường sông đi lại rất thông. Từ đó, kế hoạch quốc gia về biên giới cũng như sự buôn bán của nhân dân đều tiện lợi vô cùng.

Kênh Vĩnh Tế có chiều dài 87km, rộng 30m, độ sâu trung bình 2,55m. Trừ đoạn sông đã đào từ trước, thì phần đào mới khoảng 37km. Việc đào kênh kéo dài trong 5 năm, nhiều lúc phải ngưng lại. Trong quá trình thi công đã huy động đến hơn 9 vạn dân binh, gần 3 triệu rưỡi ngày công, khối lượng đất đào lên đến hơn 2 triệu 8 trăm ngàn mét khối. Khi đó, miền Tây còn nhiều sơn lam chướng khí, việc ăn uống và thuốc men thiếu thốn, người chết nhiều vì bệnh tật, thú dữ và lao lực.

Kênh Vĩnh Tế làm xong đã chứng tỏ tầm nhìn xa rộng của vị Hoàng đế đầu triều Nguyễn. Khi đó, nước Việt đang củng cố miền đất mới phía Tây Nam của Tổ quốc, cần ổn định đường biên giới với Chân Lạp. Kênh Vĩnh Tế nằm trên đất Việt và song song với đường biên giới quốc gia hiện tại. Đây chính là một con hào vĩ đại vừa phòng thủ, vừa tiến công lợi hại chống ngoại xâm. Đây là con đường nước chuyển quân tiếp viện nhanh chóng từ Châu Đốc đến Hà Tiên. Kênh Vĩnh Tế đã góp phần không nhỏ trong cuộc đánh đuổi quân Xiêm năm 1834.

Về mặt kinh tế, kênh Vĩnh Tế đã đưa nước ngọt từ sông Tiền Giang để góp phần "thau chua, rửa mặn" vùng đồng bằng Thất Sơn, vùng Tứ giác Long Xuyên, lại chuyển tải bao phù sa màu mỡ, góp cho một vùng châu thổ Cửu Long trở thành một vựa lúa từ bấy giờ. Kênh còn góp phần ổn định đất đai vùng biên, giao thương giữa ta và nước bạn.

Sau khi đào xong kênh, Thoại Ngọc Hầu đã làm một công việc có nhiều ý nghĩa, đó là cho quy tập các ngôi mộ dân binh vào một khu và ông đọc một bài tế rất cảm động: "Thừa Đế lệnh, tế cô hồn Vĩnh Tế tân kinh" (thừa lệnh Hoàng đế Minh Mạng, tế cô hồn ở kênh Vĩnh Tế). Sau đó, những ngôi mộ cô hồn được chôn chung một khu bên cạnh lăng Thoại Ngọc Hầu và bà Vĩnh Tế tại triền núi mang tên bà (Vĩnh Tế Sơn) ở Châu Đốc.

Theo một đoàn du lịch dọc kênh Vĩnh Tế lên Châu Đốc mới thấy, hàng hóa đường sông lên cửa khẩu Tịnh Biên chở qua con kênh này chủ yếu, mới thấy tầm nhìn nhiều thế kỷ của các vua đầu triều Nguyễn. Lại ngắm làng xóm đông đúc và những cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay ven kênh, không còn ngập mặn mà ngậm ngùi nhớ đến công lao của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu - Vĩnh Tế và bao dân binh bỏ mạng năm nào.

PGS.TS. Trịnh Sinh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/dong-song-mang-ten-nguoi-phu-nu-miet-vuon/