Đồng minh xung khắc

Chuyện 'cơm không lành, canh chẳng ngọt' giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) gần đây xảy ra như cơm bữa. Mới đây nhất, EU lại có một hành động được xem là 'vuốt mặt chẳng nể mũi' đối với người đồng minh thân thiết bên kia bờ Đại Tây Dương.

Ngày 23-8, EU nhất trí hỗ trợ Tehran 18 triệu euro (20,6 triệu USD) cho các dự án phát triển kinh tế và xã hội bền vững tại Iran. Đây là một phần trong gói hỗ trợ mở rộng trị giá 50 triệu euro được dành riêng cho Iran trong ngân sách EU. “Sự hợp tác được phát triển trong nhiều lĩnh vực từ khi mối quan hệ giữa Iran và EU tái khởi động sau khi đạt thỏa thuận về hạt nhân Iran, hay gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA)”, đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của EU Federica Mogherini nhấn mạnh. Bà Federica Mogherini còn nêu rõ, trong khuôn khổ gói hỗ trợ trị giá 18 triệu euro trên, EU dành 8 triệu euro tài trợ về kỹ thuật để đối phó với các thách thức môi trường và hai triệu euro nhằm tăng cường các biện pháp phòng ngừa, giảm các vấn đề do sử dụng ma túy gây ra. Trước đó, EU lên kế hoạch mở các tài khoản ngân hàng cho Iran để tạo điều kiện giao dịch trực tiếp với nước này và không phụ thuộc vào hệ thống tài chính của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) và Chủ tịch Ủy ban Châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker. Ảnh: AP

Hành động này chẳng khác nào cú vỗ mặt đối với Mỹ, bởi lẽ các lệnh trừng phạt mà Washington áp dụng với Tehran đang bắt đầu phát huy tác dụng. Nhiều công ty nước ngoài, trong đó có các doanh nghiệp châu Âu, đang lên kế hoạch rút khỏi Iran nhằm bảo vệ lợi ích của mình do lo ngại khả năng bị Mỹ trừng phạt. Mới đây nhất, ngày 20-8, tập đoàn năng lượng Total của Pháp chính thức rút khỏi dự án khai thác mỏ khí đốt South Pars 11 (SP11) trị giá hàng tỷ USD ở quốc gia Trung Đông này sau hai tháng hãng công bố kế hoạch nói trên. Trong khi đó, các hãng hàng không như Air France (Pháp), KLM (Hà Lan) hay British Airways (Anh) cũng tuyên bố sẽ ngừng khai thác các chuyến bay thẳng tới Tehran vào tháng 9 tới với muôn kiểu lý do, nào là hoạt động kinh doanh kém hiệu quả, nào là không còn khả thi về mặt thương mại. Không chỉ vậy, đòn trừng phạt của Washington cũng đang làm chao đảo nền kinh tế Iran, khiến lạm phát tăng cao, đồng riyal mất giá, kéo theo các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối chính phủ…

Thế nên, dù số tiền tài trợ của EU cho Iran không phải quá lớn, song nó lại có ý nghĩa rất quan trọng đối với Tehran, nhất là trong thời điểm “nước sôi lửa bỏng” như hiện nay. Hơn nữa, “món quà quý” của EU dành cho Iran còn gửi đi thông điệp khác, trả lời câu hỏi của Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton đưa ra khi ông có chuyến công du tới Israel ngày 22-8. Theo ông John Bolton, Mỹ đang chờ đợi các chính phủ châu Âu hành động như những doanh nghiệp của châu lục này, đó là đưa ra lựa chọn rất đơn giản giữa làm ăn với Iran hay với Mỹ.

Quyết định đứng về phía Iran của EU càng bộc lộ rõ mối bất hòa ngày càng sâu sắc giữa Brussels và Washington. Nhân chuyện trên, nhiều người mới thấy xuất hiện ngày càng nhiều xung khắc giữa hai đồng minh chí cốt một thời. Từ chuyện Washington rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hay Thỏa thuận hạt nhân Iran, cho đến chuyện chiến tranh thuế thép và nhôm hiện nay, Mỹ và EU vênh nhau nhiều lắm. EU ngày càng bất bình với cách “đối nhân xử thế” của Mỹ, trong khi Washington dường như chẳng thèm để ý đến sự khó chịu của ông bạn đồng minh.

Xem ra, mối bất hòa giữa hai đồng minh khó có thể giải quyết trong một sớm một chiều!

LINH OANH

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/dong-minh-xung-khac-547852