Động cơ và UAV khiến Nga khó hoàn thiện MiG-37

Chiếc MiG-37 mặc dù được Nga quảng cáo rất 'hoành tráng' nhưng nhiều ý kiến lo ngại rằng nó liệu có giống như những dự án siêu chiến hạm trước kia?

Hiện tại chương trình nghiên cứu chế tạo tiêm kích tàng hình thế hệ 5 của Không quân Nga đang gặp phải nhiều khó khăn do tiến độ hoàn thiện chiếc Su-57 bị phàn nàn là quá chậm chạp.

Nhận được rất nhiều kỳ vọng cũng như ca ngợi bằng những lời có cánh, tuy nhiên rất nhiều nhược điểm của chiếc Su-57 đã được chỉ ra từ đối tác được tiếp cận nó gần nhất, chính là Ấn Độ.

Nhược điểm đầu tiên của Su-57 đó là diện tích phản xạ radar còn cao, lớn hơn hẳn so với F-22 hay F-35 của Mỹ, tuy rằng người Nga quảng cáo rằng điều này sẽ được khắc phục với "công nghệ tàng hình Plasma" nhưng điều đó đã được chứng minh chỉ là nói quá.

Ngoài ra công việc sản xuất động cơ chuẩn thế hệ 5 mang tên Izdeliye 30 cho chiếc Su-57 cũng chưa hoàn thành, lô sản xuất loạt đầu tiên vẫn phải dùng động cơ AL-41F1S của Su-35S.

Mô hình tiêm kích thế hệ 6 MiG-37 của Nga

Tổng hợp những điều trên, chiếc Su-57 bị đánh giá thực chất chỉ là một tiêm kích thế hệ 4++ .

Chính vì vậy ngay trong nội bộ nước Nga đã có nhiều ý kiến cho rằng hãy mạnh dạn bỏ qua chiếc Su-57 để tiến thẳng lên chế tạo tiêm kích thế hệ 6 như cách mà người Anh đang làm.

Việc truyền hình Nga "vô tình" để lộ mô hình một chiếc máy bay lạ và sau đó đã được Văn phòng thiết kế Mikoyan xác nhận là chiến đấu cơ MiG-37 có thể xem như lời khẳng định của Nga với tham vọng trên.

Theo kỳ vọng của Nga, chiếc MiG-37 sẽ có vận tốc Mach 5 - 6, khả năng hoạt động hoàn toàn như một máy bay không người lái và có mức độ tàng hình cao.

MiG-37 liệu có giống như những mô hình siêu chiến hạm được Nga đưa ra trong thời gian qua

Đầu tiên có thể thấy rằng về hình dáng khí động học, chiếc MiG-37 có sức cản không khí khá lớn do nó hơi to bè cả phần mũi lẫn thân chứ không hề thuôn gọn như nhiều chiến đấu cơ thế hệ cũ của Nga.

Điều này tất yếu dẫn tới động cơ của nó phải cực khỏe mới đẩy nổi vận tốc lên tới Mach 2 chứ chưa nói là Mach 6. Nhưng trong khi đó động cơ Izdeliye 30 mà Nga chế tạo cho Su-57 hiện vẫn chưa có dấu hiệu hoàn thành, việc gặp khó đối với trái tim "chuẩn thế hệ 5" khiến giới quan sát khó tin Nga sẽ tiến thẳng lên thế hệ 6 trót lọt.

Chưa dừng lại đó, công nghệ máy bay không người lái hiện vẫn là điểm yếu của Nga. Thời gian gần đây Moskva thậm chí phải liên hệ với Israel và Trung Quốc để mua công nghệ chế tạo UAV của họ, trong khi đó tiêm kích thế hệ 6 lại yêu cầu tự động hoàn toàn.

Thực tế đã chỉ ra MiG-37 vẫn còn buồng lái có người ngồi, cho thấy máy bay chỉ có khả năng hoạt động ở chế độ UAV bằng cách điều khiển từ xa như Mỹ đang thực hiện với QF-16 chứ chưa được tích hợp trí thông minh nhân tạo để tự xử lý mọi tình huống phát sinh.

Chí Linh

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/binh-luan-quan-su/dong-co-va-uav-khien-nga-kho-hoan-thien-mig-37-3369526/