Đồng bằng sông Cửu Long chủ động ứng phó mưa lũ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, mực nước sông Cửu Long đang dao động ở mức đỉnh; dự báo mực nước xuống chậm, sau đó sẽ lên lại theo triều vào ngày 4/10.

Mưa lũ tại đồng bằng sông Cửu Long ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân. Ảnh: CN

Mực nước đo được lúc 7h00 ngày 26/9 trên sông Tiền tại Tân Châu là 3,87m (dưới báo động II 0,13m); trên sông Hậu tại Châu Đốc 3,51m (trên báo động II 0,01m).

Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo nguy cơ cao xảy ra ngập lụt ở các vùng trũng thấp và mất an toàn đê bao tại các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đặc biệt là các tỉnh Kiên Giang, An Giang, Đồng Tháp, Long An.

Nước lũ lên đã kéo theo tình hình sạt lở ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng. Chỉ tính từ đầu mùa mưa đến nay, tại Cần Thơ, Hậu Giang... đã có gần 20 vụ sạt lở lớn nhỏ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm hộ dân.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, mưa lớn, triều cường và sạt lở đã gây hư hỏng 264 căn nhà; thiệt hại về nông nghiệp hơn 480ha; thiệt hại về thủy sản là 1,12ha; thiệt hại về thủy lợi là 3,68km; xảy ra 171 điểm sạt lở, làm 2 người chết và 2 người bị thương. Ước tính tổng thiệt hại hơn 20,4 tỷ đồng.

Tại Đồng Tháp, tình hình sạt lở mùa lũ năm 2018 đã xảy ra tại 20 xã, phường, thị trấn của 7 huyện, thị xã, thành phố, với tổng chiều dài sạt lở trên 25km, diện tích sạt lở hơn 4,7ha; ước tính thiệt hại trên 11 tỷ đồng. Sạt lở cũng xảy ra nhiều ở một số sông, kênh rạch nội đồng, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân tại 22 xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh...

Để tăng cường bảo vệ tính mạng cũng như tài sản của nhân dân, các địa phương tại Đồng bằng sông Cửu Long đã tích cực chỉ đạo tổ chức theo dõi, cắm biển báo khu vực đang bị sạt lở; tuyên truyền để nhân dân biết chủ động phòng tránh; hỗ trợ các hộ dân nằm trong vành đai sạt lở di dời đến nơi an toàn.

Tại Vĩnh Long, để triển khai các biện pháp chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, tỉnh đã cảnh báo các nguy cơ sạt lở bờ sông trên các tuyến sông, các khu vực có nguy cơ bị ngập do lũ, triều cường và các khu vực có nguy cơ xảy ra giông, lốc xoáy trên địa bàn.

Theo ông Nguyễn Minh Tho, Phó trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, cảnh báo về tình hình lũ, triều cường đến người dân cũng như tổ chức biết để chủ động ứng phó; đồng thời bố trí lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân và phương tiện qua lại tại các đường ngập nước, bến đò…

Để giảm thiểu thiệt hại do mưa lũ gây ra, UBND tỉnh Kiên Giang mới đây đã yêu cầu các địa phương trong vùng bị ảnh hưởng của lũ tiếp tục chỉ đạo triển khai thực hiện ứng phó, trong đó tập trung thực hiện việc gia cố, tôn cao bờ bao, đê bao thấp yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở trong mùa lũ…

Ông Võ Thành Ngoan, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp cho biết, từ đầu năm đến nay, Đồng Tháp đã vận động và hỗ trợ 105 hộ vùng sạt lở nguy hiểm di dời đến nơi an toàn; đồng thời tập trung đẩy nhanh tiến độ xây dựng cụm, tuyến dân cư nhằm đảm bảo mặt bằng bố trí dân cư khi mùa lũ về. Đến nay đã có gần 13.900 hộ vào ở trong chương trình cụm tuyến dân cư giai đoạn 2.

Bên cạnh đó, để đảm bảo an toàn, tỉnh tiếp tục thi công các công trình hạ tầng thiết yếu trong 53 cụm, tuyến dân cư giai đoạn 2; thực hiện các công trình xử lý khẩn cấp sạt lở trên địa bàn xã Bình Thành (huyện Thanh Bình), xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Tiền khu vực xã An Hiệp (huyện Châu Thành); kè Thường Thới Tiền giai đoạn 2 nối dài; khắc phục khẩn cấp sạt lở bờ sông Hổ Cứ (xã Hòa An, TP Cao Lãnh).

Cảnh Nhật

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dong-bang-song-cuu-long-chu-dong-ung-pho-mua-lu_t114c1159n139178