Đối thoại chủ nhật: Giải tỏa căng thẳng cung ứng điện mùa nắng nóng

Với những thách thức đặt ra trong bảo đảm cung ứng điện mùa nắng nóng, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả được coi là giải pháp mạnh mẽ cần được từng người thấu hiểu và thực hiện thực chất, thường xuyên.

Trao đổi với báo chí, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và phát triển bền vững, Bộ Công Thương khẳng định, thúc đẩy sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Đây là giải pháp quan trọng góp phần bảo đảm cung ứng điện ổn định, liên tục cho người dân, doanh nghiệp không chỉ trong ngắn hạn của năm 2024 mà cả các năm tiếp theo.

Ông Trịnh Quốc Vũ. Ảnh: MAI ANH

Bảo đảm điện sẽ gặp nhiều khó khăn

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về khả năng cung ứng điện trong cao điểm nắng nóng năm nay?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Năm 2023, Việt Nam đã phải đối mặt với thực trạng thiếu điện cục bộ tại một số khu vực, đặc biệt là khu vực miền Bắc. Bước sang năm 2024, với sự phục hồi của nền kinh tế và nhu cầu xuất khẩu tăng cao, ngay trong quý I, nhu cầu về sử dụng điện đã có sự tăng trưởng đột biến, lên đến 11,84% so với quý I năm 2023.

Bối cảnh hiện nay cho thấy, nhu cầu điện cho phát triển kinh tế-xã hội vẫn ở mức cao; trong khi nhiên liệu hóa thạch ngày càng khan hiếm, những xung đột địa chính trị trong khu vực và trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, tác động trực tiếp làm tăng giá nhiên liệu... Điều này cho thấy, việc bảo đảm cung cấp điện trong giai đoạn này sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong trường hợp xảy ra các hiện tượng cực đoan xếp chồng. Các báo cáo cho thấy, năm 2024 cơ bản đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế-xã hội và nhu cầu của nhân dân. Tuy nhiên, trong thời gian tới, công tác bảo đảm điện dự báo gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở khu vực miền Bắc trong các tháng cao điểm nắng nóng (tháng 5, 6, 7). Vì vậy, sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua.

PV: Bộ Công Thương đã làm gì để thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng thực chất, hiệu quả, thưa ông?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Để bảo đảm vững chắc an ninh năng lượng, an ninh cung cấp điện và không để xảy ra thiếu điện trong bất kỳ tình huống nào, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đẩy mạnh thực hiện nghiêm túc, thực chất và có hiệu quả. Trong đó, ngày 8-6-2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025 và các năm tiếp theo. Thủ tướng Chính phủ cũng liên tục ban hành các chỉ thị, công điện yêu cầu triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm cung ứng điện trong thời gian cao điểm năm 2024 và các năm tiếp theo.

Trên cơ sở các chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Bộ Công Thương xác định tập trung đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng. Bộ Công Thương tiếp tục nhấn mạnh: Tiết kiệm điện và tiết kiệm năng lượng là các giải pháp quan trọng, hiệu quả trong cả ngắn hạn và dài hạn, giúp giảm áp lực trong việc khai thác và cung ứng năng lượng, cũng như góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước xây dựng kế hoạch và đẩy mạnh việc triển khai thực hiện tiết kiệm điện theo Chỉ thị số 20/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh thực hiện Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả giai đoạn 2019-2030...

Công nhân Công ty Điện lực Nam Định phổ biến thực hành tiết kiệm điện tới người dân. Ảnh: KHÁNH AN

Ý thức sử dụng điện tiết kiệm có chuyển biến

PV: Theo ông, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta thế nào?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Theo khảo sát của Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019-2030, tiềm năng tiết kiệm năng lượng của nước ta còn rất lớn, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghiệp-lĩnh vực chiếm trên 50% tổng tiêu thụ năng lượng quốc gia, tiềm năng tiết kiệm năng lượng có thể đạt 20-30%. Hiện nay, cả nước có hơn 3.000 cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm, với tổng mức tiêu thụ điện hơn 80 tỷ kWh/năm. Chỉ tính riêng các doanh nghiệp này cùng chung tay thực hiện tiết kiệm ít nhất 2% lượng điện tiêu thụ/năm, thì trung bình chúng ta sẽ tiết kiệm khoảng 1,6 tỷ kWh/năm, tương đương tiết kiệm hơn 3.200 tỷ đồng tiền điện; và nếu tất cả hơn 30 triệu khách hàng sử dụng điện cùng thực hành tiết kiệm điện thì hiệu quả đem lại là cực kỳ to lớn.

PV: Ông cho biết công tác thực hành tiết kiệm điện của người dân thời gian qua đã chuyển biến như thế nào?

Ông Trịnh Quốc Vũ: Bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động người dân thực hành sử dụng tiết kiệm điện, có thể nhận thấy ý thức sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả đã có chuyển biến mạnh mẽ thời gian qua. Tiết kiệm điện không chỉ là khẩu hiệu mà dần trở thành thói quen trong sinh hoạt hằng ngày của các cơ quan, doanh nghiệp và đông đảo người dân. Người dân đã quan tâm tới việc sử dụng các thiết bị điện có dán nhãn tiết kiệm năng lượng; tắt các thiết bị điện khi không sử dụng...

Tôi tin tưởng rằng, những cam kết, đồng lòng và ý thức, trách nhiệm cao của mỗi khách hàng sử dụng điện sẽ góp phần giải tỏa những căng thẳng về cung ứng điện trong cao điểm mùa khô năm nay và các năm tiếp theo.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

KHÁNH AN (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/doi-thoai-chu-nhat-giai-toa-cang-thang-cung-ung-dien-mua-nang-nong-774663