Đổi mới và nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần ở Học viện Kỹ thuật Quân sự

Năm 2023 là năm đầu tiên Học viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS) triển khai công tác bảo đảm hậu cần trong điều kiện tổ chức lại lực lượng, biên chế mới theo Đề án quy hoạch phát triển Học viện đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045.

Cơ quan chức năng Tổng cục Hậu cần kiểm tra chất lượng công trình xây dựng của Học viện KTQS.

Phòng Hậu cần-Kỹ thuật đã tích cực tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện KTQS lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện nội dung công tác hậu cần theo hướng đổi mới phương thức, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần cho các nhiệm vụ.

Thượng tá Phạm Văn Tuyển, Phó chủ nhiệm Hậu cần-Kỹ thuật của Học viện đánh giá: Năm học 2023-2024, nhiệm vụ của Học viện KTQS tiếp tục phát triển và biến động về tổ chức, biên chế, trong đó có sự sáp nhập cơ quan hậu cần, kỹ thuật; tổ chức lại và thành lập một số cơ quan, đơn vị mới. Theo đó, nhiệm vụ bảo đảm hậu cần cũng phát triển và đồng bộ, đáp ứng tốt các mặt công tác của Học viện.

Đảng ủy, Ban chỉ huy Phòng Hậu cần-Kỹ thuật khẩn trương lãnh đạo, chỉ đạo ổn định tổ chức, biên chế, ổn định tư tưởng cán bộ, nhân viên, chiến sĩ; xây dựng và triển khai thực hiện tốt các kế hoạch công tác hậu cần, chú trọng đổi mới phương thức bảo đảm và nâng cao năng lực công tác bảo đảm hậu cần của cơ quan, đơn vị. Cụ thể, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật đã làm tốt vai trò tham mưu với Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện công tác hậu cần, đẩy mạnh Phong trào Thi đua "Ngành hậu cần Quân đội làm theo lời Bác Hồ dạy" gắn với các cuộc vận động, phong trào thi đua của các ngành, các cấp; chú trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến trong công tác hậu cần…

Đoàn công tác Phòng Hậu cần-Kỹ thuật Học viện KTQS kiểm tra hệ thống máy bơm nước nhà S9.

Tham quan khu tăng gia sản xuất và Trạm chế biến tập trung của Học viện KTQS tại khu vực Hòa Lạc (Hà Nội), chúng tôi được biết, mô hình tăng gia sản xuất và chế biến tập trung đã được Học viện xây dựng, duy trì từ hàng chục năm nay và cho hiệu quả cao.

Ngoài việc bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, Học viện còn chủ động về nguồn cung lương thực, thực phẩm. Hằng năm, khu tăng gia sản xuất và trạm chế biến tập trung cung cấp 65% nhu cầu rau xanh, 95% nhu cầu về thịt, 100% nhu cầu về trứng, để cung cấp cho các bếp ăn của Học viện.

Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị đẩy mạnh tăng gia, chăn nuôi "quanh bếp, quanh vườn", cải thiện đời sống bộ đội. Giá trị từ tăng gia sản xuất và hoạt động dịch vụ ăn uống, sau khi đã trừ chi phí, đạt bình quân mỗi năm 1,31 triệu đồng/người.

Cùng với kinh phí trên cấp, Học viện còn trích từ tăng gia sản xuất để mua sắm, trang bị đầy đủ dụng cụ cấp dưỡng theo quy chuẩn cấp cho các bếp ăn và bảo đảm phương tiện, dụng cụ phục vụ các cơ quan, đơn vị, cán bộ, giảng viên, học viên tham gia diễn tập, cơ động dã ngoại…

Nhà lưới trồng rau tại khu tăng gia sản xuất tập trung Hòa Lạc của Học viện KTQS.

"Năm 2023, Phòng Hậu cần-Kỹ thuật giúp Ban Giám đốc Học viện chỉ đạo các đơn vị quản lý học viên, Trung tâm Huấn luyện 125 làm tốt công tác nuôi dưỡng bộ đội; bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn tiền ăn theo quy định của Bộ Quốc phòng; duy trì hoạt động của hội đồng giá và ăn theo thực đơn thống nhất; thường xuyên kiểm tra nền nếp, chế độ hậu cần; điều chuyển bếp ăn cơ quan, khoa giáo viên từ trực thuộc Ban Quân nhu (Phòng Hậu cần-Kỹ thuật) về Văn phòng Học viện KTQS quản lý đúng quy định. Ngành hậu cần còn tích cực khai thác nguồn hàng để bảo đảm quân trang theo tiêu chuẩn cho các đối tượng trong Học viện; triển khai bảo đảm tốt công tác xăng dầu, vận tải, doanh trại, thực hành tiết kiệm. Riêng công tác quân y có sự đột phá trong tổ chức thực hiện, quản lý sức khỏe bộ đội, tiến hành phân loại sức khỏe từng đối tượng; đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh và khám sức khỏe định kỳ cho 100% học viên và hơn 95% cán bộ, nhân viên; tỷ lệ số quân khỏe đạt 99,2% trở lên. Bệnh xá Học viện KTQS được Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen về Phong trào Thi đua xây dựng "Đơn vị quân y 5 tốt" giai đoạn (2017-2022)...", Thượng tá Phạm Văn Tuyển cho biết thêm.

Có được kết quả cao trong công tác bảo đảm hậu cần của Học viện KTQS trước hết là sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của các cấp ủy, chỉ huy và nỗ lực của cán bộ, nhân viên, chiến sĩ ngành hậu cần. Cơ quan hậu cần-kỹ thuật chủ động xây dựng kế hoạch phù hợp, cụ thể, sát từng đơn vị, đối tượng; công khai các tiêu chuẩn, chế độ và tổ chức đối thoại thường xuyên; tăng cường kiểm tra, đôn đốc, chấn chỉnh, duy trì nghiêm việc thực hiện quy chế về công tác hậu cần, xăng dầu, tài chính, kế hoạch đầu tư, xây dựng cơ bản…

Trong 2 năm (2022-2023), Học viện thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và chuyển mục đích sử dụng đất quốc phòng chặt chẽ, hiệu quả; quản lý tốt nhà công vụ; triển khai các dự án xây dựng cơ bản. "Những kết quả công tác hậu cần năm 2023 là động lực để cán bộ, nhân viên, chiến sĩ Phòng Hậu cần-Kỹ thuật tiếp tục phấn đấu, đổi mới phương thức bảo đảm, nỗ lực hơn nữa trong xây dựng tiềm lực, nâng cao năng lực bảo đảm hậu cần của Học viện trong những năm tới", Thượng tá Phạm Văn Tuyển nhấn mạnh.

Bài, ảnh: HƯƠNG HỒNG THU - QUÂN NHU

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/doi-moi-va-nang-cao-nang-luc-bao-dam-hau-can-o-hoc-vien-ky-thuat-quan-su-753643