Độc đáo 'điệu múa Tết' của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang

Để điệu múa Sình Ca được trọn vẹn nhất trong ngày chính hội Tết Nguyên đán, cộng đồng dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang phải tự tập duyệt ngay cả trong những ngày đầu năm mới.

VIDEO: Độc đáo “điệu múa Tết” của dân tộc Cao Lan ở Tuyên Quang

Là người cao tuổi trong khu vực nên ông Lâm Văn Thiết (71 tuổi, ở thôn Thắng Xuân, xã Thắng Quân, huyện Yên Sơn, Tuyên Quang) được đồng bào dân tộc Cao Lan trong vùng tin tưởng, kính trọng.

Chính vì vậy, trong những ngày Tết Nguyên đán, không khí tại tư gia ông Thiết nhộn nhịp hơn cả. Người dân trong vùng đến chúc Tết những người lớn tuổi trong thôn, trong đó có cả gia đình ông Thiết.

Sau những câu chúc năm mới thịnh tình, ông Thiết nhanh tay bày ra bàn nhiều loại đặc sản của người dân tộc Cao Lan. Một trong số đó là bánh chim gâu.

Bánh chim gâu được người dân Cao Lan gói từ lá dứa rừng và gạo nếp nương.

Bánh chim gâu được người dân Cao Lan gói từ lá dứa rừng và gạo nếp nương.

Thấy vị khách xứ lạ lần đầu nếm phong vị Tết của người dân tộc Cao Lan nên ông Thiết luôn trong tâm thế sẵn sàng chia sẻ những điều đặc biệt về nét văn hóa đặc trưng, mang tính truyền thống của người Cao Lan tại Tuyên Quang trong mỗi dịp Tết đến xuân về.

Ông Thiết cho hay, ngày Tết của người Cao Lan không thể thiếu đi những món đặc sản như bánh vắt vai, bánh chim gâu cùng hàng trăm vật dụng trong nhà được "điểm" bằng chiếc đàn tạo nên từ giấy đỏ.

"Chỗ nào được dán giấy đỏ, chúng tôi gọi chỗ đó là Chí Dịt. Các vật dụng trong nhà như cái cuốc, cái xẻng, cái bừa, cái cầy… cũng giống như con người, cũng phải được nghỉ ngơi ngày Tết nên vào thời khắc chuẩn bị đón giao thừa, những người lớn tuổi nhất của gia đình phải tự tay làm lễ Chí Dịt, tức là lễ dán giấy đỏ lên các vật dụng phục vụ hoạt động đời sống của con người", ông Thiết cho biết.

Ông Lâm Văn Thiết cắt giấy đỏ để làm lễ Chí Dịt cho các vật dụng trong nhà.

Người Cao Lan quan niệm, cột nhà và các vật dùng trong gia đình sẽ bắt đầu được nghỉ ngơi kể từ khi được làm lễ Chí Dịt.

Ông Thiết cho biết: "Toàn bộ ngôi nhà, vườn tược và tất cả dụng cụ thuộc gia đình, từ cái cuốc, cái xẻng, con dao, cái cày, cái bừa, đến cây cối quanh nhà, chuồng trại chăn nuôi... đều được dán giấy đỏ để… các đồ vật này cũng được "nghỉ Tết".

Một thứ nữa không thể thiếu trong ngày Tết của chúng tôi là bánh chim gâu. Đây là đặc sản của người dân tộc Cao Lan, được làm từ lá dứa rừng và được tạo nên từ thứ nguyên liệu duy nhất là nếp nương và vài hạt muối. Bánh được tạo hình giống các con vật như chim, ve sầu, nhện hoặc cóc".

Ông Lâm Văn Thiết dán giấy đỏ lên các cây cối trong vườn nhà.

"Chính bởi hình dáng nhỏ nhắn, dễ cầm nắm và hình thù giống với các con vật nên bánh rất "được lòng" trẻ em. Với cộng đồng người Cao Lan ở Tuyên Quang, bánh chim gâu là món quà đón tay khi khách đến nhà trong những ngày đầu năm mới. Chúng tôi thường nói, tặng bánh chim gâu không chỉ thể hiện lòng mến khách, yêu trẻ, mà tình thân của những người được ăn bánh chim gâu còn gắn kết hơn nữa", ông Thiết cho hay.

Ông Lâm Văn Thiết cho biết, cây cối cũng giống như người, cũng cần được nghỉ ngơi trong ngày Tết.

Có mặt tại vùng đất Thắng Quân trong những ngày đầu năm, mới thấy không khí đón Tết của người dân tộc Cao Lan nhộn nhịp nhường nào. Ở ngoài ngõ, từng tốp những người đàn ông, thanh niên dành cho nhau cái bắt tay cùng những lời chúc thịnh tình.

Trong lúc đó, trẻ em tụ họp nhau để cùng thưởng thức bánh chim gâu. Còn ở ngoài sân, những phụ nữ, những cô gái ở tuổi đôi mươi lại nắm tay nhau tập duyệt điệu múa Sình ca quen thuộc, cùng bộ trang phục truyền thống.

Để mọi hoạt động của lễ hội được trọn vẹn, người dân Cao Lan tận dụng cả những ngày Tết để may còn, đan cầu, gấp bam...

Với người dân tộc Cao Lan, mỗi khi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, cũng là lúc những câu hát, điệu nhày Sình ca ngân lên. Cũng bởi quan niệm thấy làn điệu Sình ca là thấy âm hưởng của Tết, thấy được sự vui tươi cùng những câu chúc thịnh tình nên người Cao Lan gọi làn điệu Sình ca với cái tên đầy thân thuộc, ấm áp và mang đầy âm hưởng tươi vui là "điệu nhảy Tết".

Làn điệu Sình ca là lối hát đối đáp giữa thanh niên nam và nữ. Nội dung được xướng xuyên suốt trong làn điệu Sình ca là những lĩnh vực của đời sống con người, từ tình yêu đôi lứa đến tình yêu thiên nhiên, tình yêu quê hương đất nước, tình yêu lao động.

Trong ngày Tết, khi trẻ em tụ họp nhau để cùng thưởng thức bánh chim gâu thì ở ngoài sân, những phụ nữ, cùng các cô gái ở tuổi đôi mươi lại nắm tay nhau tập duyệt điệu múa Sình ca quen thuộc, cùng bộ trang phục truyền thống.

Những điệu nhảy Sình ca trong ngày Tết Nguyên đán.

Theo quan niệm của người Cao Lan, giấy đỏ biểu trưng cho niềm vui, sự tốt lành, sung túc, mùa màng bội thu; đồng thời còn mang ý nghĩa tâm linh là xua đuổi ma quỷ, thú dữ, sâu bọ. Khi giấy đỏ bắt đầu được dán lên những nơi quan trọng và điệu hát Sình ca bắt đầu được ngân lên trong ngày Tết, với người dân tộc Cao Lan, khoảnh khắc này chính là bắt đầu cho một năm mới ấm no, hạnh phúc, an khang thịnh vượng.

Với người dân tộc Cao Lan, mỗi khi khoác trên mình bộ trang phục truyền thống, cũng là lúc những câu hát, điệu nhảy Sình ca ngân lên.

Người Cao Lan quan niệm, thấy làn điệu Sình ca là thấy âm hưởng của Tết, thấy được sự vui tươi cùng những câu chúc thịnh tình nên người Cao Lan gọi làn điệu Sình ca với cái tên đầy thân thuộc, ấm áp và mang đầy âm hưởng tươi vui là "điệu nhảy Tết".

Nói về phong tục tập quán đón Tết của người đồng bào dân tộc Cao Lan, bà Vi Thị Vui, Bí thư Chi bộ thôn Thắng Quân cho biết, từ xưa đến nay, với người Cao Lan trên địa bàn, Tết không chỉ là dịp để "ăn ngon, mặc đẹp", mà còn là dịp để gắn kết các thành viên trong mỗi gia đình, dòng tộc và cả cộng đồng làng xã. Mọi người sẽ gần nhau hơn qua mâm cơm ngày Tết, qua lời chúc tụng vui vẻ và qua những câu hát, những điệu múa Sình ca.

Cũng theo bà Vui, điệu hát, điệu múa Sình ca là món ăn tinh thần không thể thiếu được của người Cao Lan ở Yên Sơn, trong mỗi độ Tết đến xuân về. Nét đẹp văn hóa truyền thống này được bà còn nơi đây trân trọng, giữ gìn và luôn lưu truyền cho các thế hệ.

Theo bà Vi Thị Vui, Bí thư Chi bộ thôn Thắng Quân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) có 22 dân tộc anh em cùng chung sống. Riêng đối với dân tộc Cao Lan, thời gian nghỉ Tết bắt đầu từ 25 tháng Chạp đến hết rằm tháng Giêng âm lịch.

Cũng như các dân tộc khác, dân tộc Cao Lan ở Yên Sơn có nhiều phong tục truyền thống mang bản sắc riêng, như trong tục đón Tết Nguyên đán của người đồng bào Cao Lan là phải có bánh vắt vai, bánh chim gâu, bánh gai, lễ Cầu Dềnh, lễ Chí Dịt hay là các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, ném còn, đánh yến, múa điệu chim gâu, xúc tép… Những nét văn hóa này làm phong phú thêm cuộc sống tinh thần của đồng bào dân tộc thiểu số của mảnh đất Yên Sơn, Tuyên Quang.

Bảo Loan

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/doc-dao-dieu-mua-tet-cua-dan-toc-cao-lan-o-tuyen-quang-20200128234446225.htm