Doanh nghiệp Việt xanh hóa sản phẩm và dịch vụ

Nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay cả người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ xanh, bên cạnh yếu tố như chất lượng, giá cả.

Người mua hàng tìm kiếm nguồn cung sản phẩm thực phẩm tại hội chợ. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Người mua hàng tìm kiếm nguồn cung sản phẩm thực phẩm tại hội chợ. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Trong khuôn khổ Hội chợ hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 do Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp cùng một số đơn vị tổ chức từ ngày 27-29/3, đã diễn ra chuỗi hội thảo tập trung vấn đề liên kết hướng đến xuất khẩu xanh, cũng như thị trường tiêu dùng đang thúc đẩy doanh nghiệp Việt xanh hóa sản phẩm, dịch vụ.

Cụ thể, nhiều chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng, không chỉ thị trường xuất khẩu mà ngay cả người tiêu dùng nội địa cũng ngày càng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ xanh, bên cạnh những yếu tố như chất lượng, giá cả. Song song đó, trước bối cảnh cạnh tranh của thị trường thương mại tự do, thương mại điện tử xuyên biên giới thì người tiêu dùng có thể mua sắm hàng hóa ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ, dẫn đến dù muốn hay không thì doanh nghiệp phải đảm bảo tiêu chuẩn sản phẩm, dịch vụ đáp ứng thị hiếu tiêu dùng của thị trường toàn cầu.

Phân tích của ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho thấy, trong khi tình hình sản xuất kinh doanh trong nước đối mặt với không ít thách thức thì tại nhiều thị trường xuất khẩu doanh nghiệp cũng gặp nhiều rào cản. Do đó, ngành công thương TP. Hồ Chí Minh đã và đang đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp tìm ra những giải pháp khai thác hiệu quả các Hiệp định Thương mại tự (FTA) mà Việt Nam tham gia và một trong những giải pháp đó là thực hiện trách nhiệm xã hội, cũng là yếu tố được nhiều thị trường xuất khẩu và người tiêu dùng quan tâm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Thu Hiền, chuyên gia quản trị công ty phát triển bền vững cho biết, hàng hóa Việt Nam không chỉ đang chịu áp lực cạnh tranh về chất lượng, giá cả, mà còn khó khăn trong đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Điển hình, xuất khẩu xanh là một trong những vấn đề phát triển bền vững đặt ra cho sản phẩm, dịch vụ tham gia thị trường toàn cầu; trong đó có hàng Việt.

Một số khảo sát thực tế chỉ ra rằng, các quốc gia và vùng lãnh thổ ngày càng có những tiêu chuẩn quyết liệt hơn liên quan đến phát triển bền vững; trong đó có những thị trường trọng điểm mà hàng Việt hướng đến xuất khẩu. Cụ thể, EU dự kiến tính toán lại lượng phát thải carbon đối với danh mục nhãn hàng có dấu hiệu quản lý chưa nghiêm ngặt về carbon. Đồng thời, những nước xuất khẩu tham gia chuỗi cung ứng của EU chưa quản lý nghiêm ngặt về phát thải carbon như do lường, giám sát… sẽ bị đánh thuế phát thải carbon vào năm 2026.

Nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm mới tại hội chợ. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Nhà sản xuất giới thiệu sản phẩm mới tại hội chợ. Ảnh: Mỹ Phương – TTXVN

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ, một trong những mặt hàng của Việt Nam là trái cây muốn cạnh tranh ở những thị trường lớn như Nam Mỹ thì phải đảm bảo nguồn cung có chất lượng bền vững. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra hiện nay là thay đổi nhận thức của nông dân về phương thức canh tác không phải là câu chuyện dễ dàng và trong thời gian ngắn.

Còn theo bà Lê Thị Giàu, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Thực phẩm Bình Tây, đơn vị sản xuất, kinh doanh dù ở lĩnh vực, ngành nghề nào mà muốn hướng đến xuất khẩu xanh đều phải đẩy mạnh đầu tư công nghệ vào nhà máy, dây chuyền sản xuất. Bên cạnh đó, đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng phải chịu chi phí kiểm soát kèm theo việc thực hiện những chứng nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng và phát triển bền vững, bởi dù ở thị trường nội địa hay xuất khẩu thì mỗi thị trường đều đòi hỏi những quy định về chứng nhận sản phẩm, dịch vụ khác nhau.

Nhiều doanh nghiệp khác cho hay, sản xuất kinh doanh bền vững hướng đến sản phẩm, dịch vụ xanh là hành trình dài nhưng bắt buộc phải đi nên cần có những chính sách tạo “bệ đỡ” cho những doanh nghiệp có tiềm năng và khát vọng. Khi doanh nghiệp có động lực sản xuất, kinh doanh xanh vừa giúp doanh nghiệp giảm tác động tiêu cực đến môi trường, vừa tạo ra những sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao.

Ngược lại, nếu không chủ động và kịp thời chuyển đổi xanh, doanh nghiệp sẽ bị giảm năng lực cạnh tranh, mất dần khả năng tiếp cận thị trường, nhất là những thị trường có yêu cầu khắt khe về ESG (môi trường – xã hội – quản trị). Hiện nay, người tiêu dùng có xu hướng quan tâm sản phẩm, dịch vụ tốt cho sức khỏe nhưng phải thân thiện môi trường như tiết kiệm năng lượng, bao bì tái chế…

Thống kê cũng cho thấy, doanh nghiệp tối ưu hóa quy trình sản xuất đều có thể giảm phát thải, tiết kiệm nước và năng lượng, góp phần xây dựng mô hình sản xuất bền vững, phát triển bao bì có thể tái chế 100%... Điển hình, doanh nghiệp thành viên của Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam) đã chủ động chuyển đổi sang sản xuất xanh với đa dạng sáng kiến đổi mới trong thiết kế bao bì cho dễ thu gom tái chế, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường, tăng cường tỷ lệ vật liệu tái chế trong sản phẩm.

Hay thành viên của PRO Việt Nam cũng tiên phong đưa chai nhựa tái chế (rPET) vào sản phẩm, góp phần giảm thiểu việc sử dụng nhựa nguyên sinh. Với những nỗ lực này, doanh nghiệp không chỉ thích ứng với yêu cầu môi trường ngày càng khắt khe, mà còn chủ động tạo ra sự thay đổi từ sớm, đóng góp thúc đẩy ngành công nghiệp tái chế và xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam.

Mỹ Phương/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/doanh-nghiep-viet-xanh-hoa-san-pham-va-dich-vu/367883.html