Doanh nghiệp đổ hàng trăm mét khối đất đá lấn sông Hiếu

Doanh nghiệp ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) tự ý san lấp đất ra ngoài bờ sông Hiếu, dù từng bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý nhưng đến nay khu đất này vẫn còn tồn tại.

GD&TĐ - Doanh nghiệp ở thị xã Thái Hòa (Nghệ An) tự ý san lấp đất ra ngoài bờ sông Hiếu, dù từng bị chính quyền địa phương lập biên bản xử lý nhưng đến nay khu đất này vẫn còn tồn tại.

Khu đất san lấp trái phép nằm dưới chân cầu Hiều 1

Theo phản ánh của người dân khối Tây Hồ 1, phường Quang Tiến (thị xã Thái Hòa, Nghệ An), bên bờ kè dưới chân cầu Hiếu 1 bắc qua sông Hiếu (một nhánh thượng lưu của sông Lam) nhiều năm nay tồn tại một khu đất do doanh nghiệp tự ý san lấp, nằm lấn ra ngoài lòng sông, vi phạm hành lang đê điều.

Chị Th. - người dân địa phương cho biết, khu đất này do chủ khách sạn Thai Hoa Riverside nằm bên cạnh đó san lấp cách đây 4 năm. Mặc dù từng bị chính quyền địa phương xử lý nhưng thời gian gần đây đơn vị này vẫn đem cây cảnh về đây trồng.

Hành vi này đã vi phạm Luật Đê điều, có thể gây ảnh hưởng, làm thay đổi dòng chảy của sông Hiếu.

Khu đất lấn ra ngoài sông Hiếu nằm cạnh khách sạn Thai Hoa Riverside.

Theo quan sát của PV, khu đất lấn ra ngoài bờ kè nói trên có diện tích hàng trăm mét vuông, nằm ở cuối tuyến đường Nguyễn Công Trứ, bên cạnh khách sạn Thai Hoa Riverside. Đất dùng để san lấp có cả đất đồi và rác thải xây dựng. Phía trên có trồng nhiều loại cây cảnh cảnh với kích thước lớn, nhỏ khác nhau.

Được biết, khách sạn Thai Hoa Riverside do Công ty CP Dịch vụ tổng hợp và thương mại Hoàng Long (công ty Hoàng Long) làm chủ đầu tư, được Sở Xây dựng tỉnh Nghệ An cấp phép xây dựng năm 2017.

Sau khi khách sạn được xây dựng hoàn thành thì doanh nghiệp này mới đổ đất lấn ra sông. Tháng 10/2019, UBND phường Quang Tiến từng xuống kiểm tra, lập biên bản việc công ty Hoàng Long chở đất và vật liệu xây dựng đổ xuống bờ kè sông Hiếu bên cạnh khách sạn Thai Hoa Riverside.

Mặc dù đã từng bị chính quyền địa phương xử lý, yêu cầu hoàn trả lại nguyên trạng, tuy nhiên, đã nhiều năm trôi qua nhưng đến nay khu đất này vẫn còn tồn tại.

Khu đất nằm ngoài đê có diện tích hàng trăm mét vông, một phần được láng nền bê tông.

Phía trên khu đất trồng nhiều cây cảnh.

Nhiều rác thải xây dựng bị đổ tràn xuống sông

Liên quan đến vấn đề này, lãnh đạo UBND phường Quang Tiến cho biết, năm 2019, UBND thị xã Thái Hòa từng xuống xử lý, cho múc đất đi. Tuy nhiên, do không có bằng chứng nên đã không xác định được người vi phạm.

“Thời điểm đó (năm 2019) thẩm quyền xử lý là của thị xã, nhưng thị xã không xác định được người vi phạm vì bằng chứng không có, không ai nhận, xử lý như không có chủ. Thị xã đã tổ chức xúc đổ, nhưng xúc chưa hết vì khinh phí có hạn. Còn những cái cây thì trồng lâu rồi”, ông Nguyễn Hải Đức – Phó chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa khẳng định.

Để làm rõ vấn đề, PV đã liên hệ với ông Nguyễn Thanh Tú – Trưởng phòng Quản lý đô thị thị xã Thái Hòa để làm việc, tuy nhiên, ông Tú không nắm được sự việc và cho rằng phần đất lấn ra ngoài sông này mới có gần đây.

Trong khi đó, ông Nguyễn Thứ Trung – Trưởng phòng Kinh tế thị xã Thái Hòa cho biết, năm 2019, lúc mới xảy ra sự việc thì ông đang giữ chức Chủ tịch UBND phường Quang Tiến.

Thời điểm này, UBND phường đã tiến hành lập biên bản, đình chỉ và yêu cầu công ty Hoàng Long khắc phục hậu quả phần đất đổ lấn ra ngoài sông. Phường cũng tham mưu cho UBND thị xã thành lập Đoàn kiểm tra, ra quyết định cưỡng chế, múc đất đi. Tuy nhiên, đến nay sai phạm của khách sạn Thai Hoa Riverside vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

“Thỉnh thoảng họ vẫn cứ đổ trộm một vài xe ở bên dưới bờ kè. Cái này là phường quản lý và có trách nhiệm tham mưu cho thị xã xử lý. Cuối năm ngoái, phường cũng có tham mưu, cũng thành lập đoàn về rồi. Đoàn do Phó Chủ tịch UBND thị xã làm trưởng đoàn về kiểm tra và thẩm định, hiện nay đang trong quá trình xử lý”, ông Trung thông tin.

Theo Khoản 1, Điều 11, Nghị định 03/2022/NĐ-CP ngày 6/1/2022, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều quy định: Đối với một trong các hành vi lấn chiếm bãi sông, lòng sông, suối, kênh, rạch, bờ biển làm gia tăng rủi ro thiên tai mà không có biện pháp xử lý, khắc phục sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 25 triệu đồng. Đồng thời, buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu.

Bên cạnh đó, theo Khoản 1, Điều 29 của Nghị định này cũng quy định mức xử phạt vi phạm về đổ chất thải, để vật liệu trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông.

Theo đó, hành vi đổ chất thải trong phạm vi bảo vệ đê điều, ở bãi sông, lòng sông với khối lượng từ 50m3 đến dưới 100m3 sẽ bị phạt tiền từ 50 triệu đến 80 triệu đồng; đổ khối lượng từ 100m3 trở lên sẽ bị phạt từ 80 triệu đến 100 triệu đồng. Ngoài ra, hành vi này còn bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-do-hang-tram-met-khoi-dat-da-lan-song-hieu-GuYrJTL7g.html