Doanh nghiệp cần áp dụng linh hoạt các phương án chống dịch để duy trì sản xuất

Sau hơn 10 ngày thành phố Đông Hà thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, doanh nghiệp ở Khu Công nghiệp Nam Đông Hà hoạt động cầm chừng vì thiếu công nhân. Dù doanh nghiệp đều đã xây dựng phương án sản xuất đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh bùng phát trình cấp thẩm quyền phê duyệt nhưng khi áp dụng vào thực tế lại phát sinh nhiều bất cập, khó khăn, khiến doanh nghiệp không triển khai thực hiện được như dự kiến.

COVID-19 bùng phát ở thành phố Đông Hà khiến doanh nghiệp hoạt động cầm chừng vì thiếu công nhân - Ảnh: L.T

Giãn cách xã hội, nhà máy vắng công nhân

Thống kê của Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, tại Khu Công nghiệp (KCN) Nam Đông Hà có 37 cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án với trên 3.500 lao động. Thời gian này có 25 doanh nghiệp duy trì hoạt động nhưng gặp nhiều khó khăn do số lượng công nhân đến nhà máy làm việc rất ít. Hai doanh nghiệp có số lao động lớn nhất tại KCN Nam Đông Hà là Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà và Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam. Toàn bộ lao động hai doanh nghiệp này cộng lại khoảng 2.800 người, chiếm trên 80% tổng số công nhân đang làm việc tại KCN Nam Đông Hà.

Tìm hiểu tại Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam chúng tôi được biết, từ ngày thành phố Đông Hà thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 đến nay, mỗi ngày doanh nghiệp này chỉ có khoảng từ 250 - 320 công nhân đến nhà máy làm việc, so với bình thường 1.400 công nhân/ngày. Trong khi đó, từ nay đến ngày 10/10/2021, công ty có 9 đơn hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ, châu Âu và Hàn Quốc đến hẹn giao cho đối tác theo hợp đồng đã ký kết từ đầu năm. Thiếu công nhân, nhà máy hoạt động cầm chừng nên lãnh đạo công ty đã đàm phán với đối tác dời ngày giao 5 đơn hàng. Tuy nhiên, việc dời ngày giao hàng chỉ mang tính tạm thời và đáng lo ngại nhất là tiến độ những đơn hàng này chậm thì cũng ảnh hưởng đến tiến độ những đơn hàng sau nên tạo rất nhiều áp lực cho doanh nghiệp.

Nhiều người lao động làm việc ở KCN Nam Đông Hà cư trú tại các huyện, thị xã nên khi thành phố Đông Hà áp dụng các quy định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 thì đều bị kẹt lại địa phương, không vào được thành phố để đến nhà máy làm việc. Sau khi UBND tỉnh có văn bản hướng dẫn về giấy đi đường và xét nghiệm COVID-19 âm tính có hiệu lực trong 72 giờ thì nhiều người được tạo điều kiện đi qua các chốt kiểm soát phòng, chống COVID-19, một số doanh nghiệp đông công nhân đề xuất phương án hằng ngày tổ chức xe đưa đón công nhân vào nhà máy làm việc. Tuy nhiên, một số địa phương có quy định yêu cầu người từ thành phố Đông Hà trở về địa phương thì thực hiện khai báo y tế và cách ly 14 ngày tại nhà nên công nhân cũng không thể đi về trong ngày được.

Hơn 10 ngày ở nhà, chị Bùi Thị Út, ở xã Cam Hiếu, huyện Cam Lộ, công nhân Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà quyết định đi làm trở lại do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sợ nghỉ việc dài ngày sẽ không đảm bảo cuộc sống sinh hoạt của gia đình.

Chị Út chia sẻ: “Tôi có 2 con nhỏ, chồng đi làm ở Thành phố Hồ Chí Minh nhưng vì dịch bệnh cũng thất nghiệp hơn 2 tháng nay, mọi sinh hoạt, chi tiêu trong gia đình phụ thuộc vào đồng lương hằng tháng của tôi, nên tôi rất muốn đi làm trở lại. Tuy nhiên, khi lên chính quyền địa phương hỏi thông tin làm xét nghiệm COVID-19 để đảm bảo thủ tục giấy tờ qua chốt kiểm soát trên đường vào công ty thì cán bộ địa phương cho biết nếu muốn đi làm thì tôi phải ở lại thành phố Đông Hà, nếu quay về địa phương thì phải thực hiện cách ly 14 ngày tại nhà chứ không được đi về hằng ngày như trước để đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, hai con của tôi đều nhỏ, trong đó cháu sau mới 1 tuổi chỉ gửi được bà nội trông nom vào ban ngày thôi. Tôi không thể ở lại cả ngày lẫn đêm ở nhà máy được”.

Doanh nghiệp cố gắng duy trì hoạt động

Từ tháng 5/2021, UBND tỉnh đã chỉ đạo các doanh nghiệp xây dựng phương án sản xuất đảm bảo an toàn trong điều kiện dịch bệnh xảy ra trình cấp thẩm quyền phê duyệt. Theo đó, doanh nghiệp trong khu kinh tế, KCN tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh thẩm định, trình Sở Y tế phê duyệt phương án; các doanh nghiệp khác thì giao UBND cấp huyện phê duyệt. Theo số liệu Ban Quản lý Khu kinh tế, đến nay tại KCN Nam Đông Hà có 7 đơn vị có phương án sản xuất theo quy định như: Doanh nghiệp tư nhân Xuân Hoa, Công ty TNHH gas Quảng Trị, Công ty TNHH Phương Thảo, Công ty Cổ phần gỗ MDF VRG Quảng Trị, Công ty TNHH Thương mại số 1 Đoàn Luyến, Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà và Công ty TNHH MTV dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp đều chưa triển khai được mô hình “ 3 tại chỗ” (làm tại chỗ, ăn tại chỗ, ở tại chỗ) như phương án đã xây dựng vì công ty có nhiều lao động trẻ, lao động nữ có con nhỏ cần người chăm sóc, dạy dỗ, nhất là hiện nay nhiều trường học dạy trực tuyến, công nhân phải dành thời gian kèm cặp, hướng dẫn con học nên không thể ở lại dài ngày tại chỗ làm. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, điều kiện trang thiết bị để thực hiện “3 tại chỗ” tại doanh nghiệp không đảm bảo, nhất là với những doanh nghiệp có đông lao động.

Theo ông Hoàng Quảng Trung, Chủ tịch Công đoàn Công ty may Hòa Thọ - Đông Hà, công ty đang gấp rút hoàn thành các đơn hàng lên đường đi Thành phố Hồ Chí Minh vào ngày 28 và 30/9/2021 để xuất khẩu sang Mỹ vào ngày 15/10/2021 nhưng với tình trạng như hiện nay thì sản xuất không kịp, nguy cơ mất đơn hàng, thiệt hại lớn cho doanh nghiệp. Công ty đang cố gắng động viên công nhân quay trở lại nhà máy làm việc bằng cách tổ chức xe đưa đón công nhân đi qua các chốt kiểm soát COVID-19. Hiện có 4 xe đưa đón qua 4 điểm chốt. Để đảm bảo an toàn, công ty sắp xếp 4 điểm tập trung công nhân gần các chốt kiểm soát, tại mỗi điểm đều có nhân viên bảo vệ để làm nhiệm vụ khử khuẩn, nhắc nhở công nhân giữ khoảng cách khi lên, xuống xe. Đồng thời, bảo quản phương tiện cá nhân của công nhân cho đến chiều tan ca xe đưa công nhân trở về.

Quá trình sản xuất tại nhà máy, công ty cũng bố trí khu vực làm việc cho công nhân sinh sống ở thành phố Đông Hà làm việc tại Xí nghiệp số 1, nằm ở phía Nam nhà máy; công nhân ở các huyện, thị xã làm việc tại Xí nghiệp số 2, nằm phía Bắc nhà máy; nhà ăn, lối đi và nhân viên phục vụ bữa ăn ca cho các xí nghiệp cũng được bố trí riêng để đảm bảo công nhân sinh sống ở thành phố Đông Hà không tiếp xúc với công nhân sinh sống ở các địa phương khác. Ngoài ra, công ty cũng hợp đồng Phòng khám 245 thực hiện test nhanh kháng nguyên SARS - CoV - 2 cho tất cả công nhân ngoài thành phố Đông Hà theo quy định. Tuy nhiên, số lượng công nhân ngoài địa phương quay trở lại làm việc vẫn chưa nhiều, với khoảng 170 người trong tổng số trên 750 lao động của công ty sinh sống ở các huyện, thị xã.

Phải đảm bảo an toàn mới tiến hành sản xuất

Theo bà Lê Minh Ngọc, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH một thành viên dụng cụ du lịch Jinquan Việt Nam, là doanh nghiệp vốn đầu tư nước ngoài nên công ty có những yêu cầu chặt chẽ trong quy trình làm việc. Sau khi tổ chức lấy ý kiến người lao động để thực hiện sản xuất theo mô hình “3 tại chỗ” nhưng không được công nhân đồng thuận vì lý do hoàn cảnh gia đình, doanh nghiệp đề xuất thực hiện phương án đưa đón công nhân tại các điểm chốt kiểm soát COVID-19 để vào nhà máy làm việc hằng ngày (buổi sáng từ 6 -7 giờ; buổi chiều từ 17 - 18 giờ). Công ty cam kết tuân thủ khai báo y tế, ngồi giãn cách theo quy định và không chạy khác tuyến, chỉ đưa đón công nhân của công ty, đăng ký biển số xe đưa đón, thực hiện nghiêm túc một tuyến đi 2 điểm đến (từ công ty đến điểm đưa đón và ngược lại). Đồng thời, bố trí khu vực làm việc, ăn ca và nhân sự phục vụ các khu sản xuất riêng biệt theo quy định để đảm bảo an toàn sản xuất trong điều kiện có dịch. Doanh nghiệp đã xây dựng phương án trình Ban Quản lý Khu Kinh tế thẩm định báo cáo Sở Y tế phê duyệt nhưng chưa có thông tin phản hồi nên doanh nghiệp chưa triển khai thực hiện được mô hình này.

Bên cạnh đó, khó khăn hiện nay là mỗi địa phương có một quy định khác nhau về người từ thành phố Đông Hà đi về địa phương; nhiều gia đình công nhân có tâm lý lo sợ khi con em đi về từ vùng dịch hằng ngày sẽ không đảm bảo an toàn nên việc động viên người lao động trở lại làm việc trong thời gian này gặp nhiều khó khăn. Trong số gần 320 người lao động tại nhà máy hiện nay thì người trực tiếp sản xuất chỉ có khoảng 200 công nhân may. Hoạt động sản xuất chỉ cầm chừng nhưng công ty vẫn cố gắng duy trì để tạo động lực động viên người lao động quay trở lại nhà máy làm việc.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh, nguyên tắc tỉnh yêu cầu đối với doanh nghiệp trong thời điểm này là phải đảm bảo an toàn mới được sản xuất. Ban Quản lý Khu kinh tế đang rà soát theo phương án, đối với các doanh nghiệp có chỉ số nguy cơ lây nhiễm trung bình trở xuống (dưới 50%) theo Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2021 về Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá cho người lao động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống COVID-19 và có đầy đủ điều kiện về cơ sở vật chất tại nhà máy, xí nghiệp thì xây dựng thực hiện mô hình “3 tại chỗ”. Các đơn vị còn khó khăn thì thực hiện phương án “một cung đường, hai địa điểm”, lao động đi về trong ngày hoặc kết hợp 2 phương án, đối với lao động cư trú ngoài thành phố Đông Hà thì thực hiện mô hình “3 tại chỗ”; lao động tại thành phố Đông Hà thực hiện phương án “một cung đường, hai địa điểm” để giảm thiểu các chi phí.

Lâm Thanh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=161169&title=doanh-nghiep-can-ap-dung-linh-hoat-cac-phuong-an-chong-dich-de-duy-tri-san-xuat