Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước, dự án Luật Viễn thông (sửa đổi)

Quang cảnh phiên thảo luận tại tổ sáng 10/6. Ảnh: QUỐC LUÂN

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, sáng 10/6, các ĐBQH tham gia thảo luận tại tổ về dự án Luật Căn cước; dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Tổ đại biểu số 9, bao gồm đoàn ĐBQH các tỉnh Phú Yên, Quảng Ninh, Quảng Ngãi, Bến Tre, do đồng chí Phạm Đại Dương, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Yên làm tổ trưởng, điều hành phiên thảo luận.

Tham gia thảo luận có các đồng chí Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và các ĐBQH của tổ số 9.

Đồng chí Phạm Đại Dương phát biểu tại phiên thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Phát biểu bắt đầu buổi thảo luận, đồng chí Phạm Đại Dương, Tổ trưởng tổ đại biểu gợi ý, nhấn mạnh một số nội dung trọng tâm của 2 dự án luật để các ĐBQH trong tổ tập trung thảo luận.

Tham gia góp ý về dự án Luật Căn cước, đồng chí Phạm Đại Dương nhất trí sự cần thiết ban hành Luật Căn cước như tờ trình của Chính phủ và cho rằng, việc ban hành Luật Căn cước nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xây dựng Chính phủ điện tử, giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; tạo cơ sở pháp lý triển khai thực hiện, tạo bước đột phá về chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực; đồng thời khắc phục những hạn chế, vướng mắc, bất cập của Luật Căn cước công dân hiện hành.

Đồng chí Phạm Đại Dương nhấn mạnh về sự cần thiết của ban hành các quy định về thẻ căn cước và căn cước điện tử; cũng như việc tích hợp các dữ liệu liên quan đến thông tin của công dân như thông tin về nhân thân, giấy phép lái xe, thẻ bảo hiểm y tế… là phù hợp với xu thế phát triển của khoa học công nghệ trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ số, chuyển đổi số đã diễn ra mạnh mẽ.

Về quy định người được cấp thẻ căn cước (Điều 20), đồng chí Phạm Đại Dương nhất trí quy định tại điều này, đặc biệt là quy định tại khoản 2 về việc cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu. Đây là quy định mới so với Luật Căn cước công dân năm 2014, bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của công dân, đặc biệt là nhóm trẻ em dưới 14 tuổi; phát huy việc khai thác, sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; tiện ích cho nhiều dịch vụ, như: khám bệnh, giáo dục, du lịch…

Đồng chí Phạm Đại Dương trao đổi với băn khoăn của các đại biểu khác về tính bảo mật khi tích hợp các thông tin cá nhân vào thẻ căn cước và nhấn mạnh rằng với sự phát triển của công nghệ hiện nay thì việc bảo mật, an toàn thông tin cá nhân hoàn toàn có thể được đảm bảo.

Đại biểu Lê Văn Thìn tham gia thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Lê Văn Thìn tham gia góp ý về tính tương thích của một số quy định của dự thảo luật với hệ thống pháp luật. Đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị rà soát, sửa đổi, bỏ một số quy định tại Điều 17, 18 của dự thảo luật có nội dung trùng lắp, chồng chéo với các quy định của Luật Cạnh tranh 2018 như: bỏ quy định tại khoản 1 Điều 17 dự thảo luật về nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ viễn thông theo hình thức bán buôn do có nội hàm tương tự, trùng lắp với quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Luật Cạnh tranh 2018; bỏ quy định tại điểm c khoản 2 Điều 18 dự thảo luật; bỏ quy định tại điểm đ Khoản 2 Điều 18 dự thảo luật quy định doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường, nhóm doanh nghiệp viễn thông có vị trí thống lĩnh thị trường do quá trình thực hiện quy định tại điều khoản này có thể dẫn đến việc hình thành các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh bị cấm theo quy định của pháp luật về cạnh tranh.

Bên cạnh đó, đại biểu Lê Văn Thìn đề nghị bổ sung vào điểm a Khoản 2 Điều 34 cụm từ “(bao gồm cả doanh nghiệp quốc phòng, an ninh được Chính phủ cho phép thiết lập mạng viễn thông phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh kết hợp với mục đích phát triển kinh tế - xã hội)” để đảm bảo phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện. Ngoài ra, đại biểu Lê Văn Thìn tham gia góp ý về các điều khoản cụ thể của dự thảo luật.

Đại biểu Dương Bình Phú tham gia thảo luận. Ảnh: QUỐC LUÂN

Thảo luận về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), đại biểu Dương Bình Phú cơ bản thống nhất với việc xây dựng dự án Luật Viễn thông (sửa đổi). Đại biểu Dương Bình Phú tham gia góp ý một số quy định liên quan đến Trung tâm dữ liệu; vấn đề bảo đảm bí mật thông tin; quy định về quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp viễn thông và về quyền, nghĩa vụ của đại lý dịch vụ viễn thông; quy định về ngừng kinh doanh dịch vụ viễn thông.

Về quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam tại điều 33, đại biểu Dương Bình Phú cho rằng nguồn tài chính hình thành nên quỹ từ đóng góp của các doanh nghiệp viễn thông, không có từ ngân sách nhà nước là chưa phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Nghị định số 63/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016 của Chính phủ; việc yêu cầu doanh nghiệp viễn thông phải đóng góp kinh phí cho quỹ ngoài khoản thuế, phí, lệ phí mà doanh nghiệp đã nộp theo quy định là không phù hợp với pháp luật về thuế, phí và lệ phí. Mặt khác, hoạt động của quỹ trong thời gian qua chưa hiệu quả, bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập đến nay chưa được giải quyết. Do đó, đại biểu Dương Bình Phú đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc không quy định Quỹ dịch vụ viễn thông công ích trong dự thảo luật.

QUỐC LUÂN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/76/299612/doan-dbqh-tinh-phu-yen-thao-luan-tai-to-ve-du-an-luat-can-cuoc-du-an-luat-vien-thong-sua-doi.html