Điều trị và phòng ngừa bệnh cường giáp

Trong nhóm bệnh tự miễn dịch, có bệnh Basedow, một dạng bệnh nội tiết thường gặp, chiếm hơn 90% các trường hợp cường giáp. Tuy nhiên, có nhiều người hiểu lầm Basedow với bệnh bướu giáp đơn thuần.

Bệnh Basedow là gì?

Basedow (Graves) là một loại cường giáp hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở phía trước cổ họng, có nhiệm vụ tạo ra các hormone điều chỉnh nhiều chức năng quan trọng, cả sự trao đổi chất và chức năng não của cơ thể.

Các triệu chứng của bệnh Basedow rất rộng, bao gồm lo lắng, tiêu chảy và các bất thường về da. Tuy nhiên, do y khoa phát triển nên có nhiều lựa chọn điều trị an toàn và hiệu quả giúp người bệnh có thể sống lâu, an toàn. Tỷ lệ mắc bệnh Basedow thường gặp ở phụ nữ, khoảng 80% ở độ tuổi từ 20 - 50, nhất là nhóm có tiền sử gia đình mắc bệnh tuyến giáp.

Nguyên nhân gây bệnh Basedow?

Do liên quan đến miễn dịch nên bệnh Basedow đến nay vẫn chưa rõ nguyên nhân. Bệnh có liên quan đến di truyền (15% số người bệnh có họ hàng mắc, 50% người thân có có kháng thể kháng tuyến giáp). Triệu chứng phổ biến thường gặp là sút cân, có thể giảm 3 - 20kg trong vòng vài tuần hoặc vài tháng mặc dù có thể vẫn ăn ngon.

Ngoài ra còn có biểu hiện như hồi hộp, nhịp tim nhanh (trên 100 lần/phút); rối loạn điều hòa thân nhiệt và khát nước; rối loạn tiêu hóa; run tay kèm theo yếu cơ, thường gặp yếu hai chi dưới ở nam giới, đi lại nhanh mỏi, bước lên bậc thang khó khăn; thay đổi tính khí thất thường, dễ nóng giận, hay cáu gắt, khó tập trung, mất ngủ; rối loạn sinh lý như rối loạn kinh nguyệt ở nữ, chứng vú to ở nam; rối loạn chuyển hóa gây loãng xương, tóc khô, dễ rụng tóc.

Đối với bệnh Basedow, khoảng 80% số bướu lan tỏa, mật độ mềm hoặc chắc, di động khi nuốt; khoảng 40 - 60% các bệnh nhân thương tổn thường xuất hiện ở cả 2 mắt nhưng có 10% trường hợp lại chỉ ảnh hưởng tới 1 bên. Do là bệnh nội tiết nên Basedow liên quan đến sự nhạy cảm của tế bào lympho T với các kháng nguyên nằm trong tuyến giáp. Nhóm người dễ mắc bệnh là phụ nữ mang thai, đặc biệt là giai đoạn sau sinh, tiêu thụ quá nhiều iod, điều trị lithium có thể làm thay đổi đáp ứng miễn dịch, nhiễm khuẩn hoặc virus…

Các biến chứng Basedow bao gồm đột quỵ, suy tim hoặc các vấn đề về tim, loãng xương, bão tuyến giáp (một loại triệu chứng tăng đột ngột hiếm gặp nhưng đe dọa tính mạng). Nguy cơ phát triển các dạng bệnh tự miễn dịch khác nếu mắc bệnh Basedow như viêm khớp dạng thấp, lupus ban đỏ hệ thống, bệnh tiểu đường, bệnh bạch biến…

Phòng ngừa và điều trị

Do Basedow liên quan trực tiếp tới rối loạn tự miễn lại chưa rõ nguyên nhân nên người bệnh cần nâng cao sức khỏe và thể trạng, ăn uống đủ dinh dưỡng để tăng cường sức khỏe, sức đề kháng và điều hòa hệ miễn dịch của cơ thể.

Thăm khám tuyến giáp cho người bệnh. Ảnh: Trần Anh

Để chẩn đoán xác định bệnh Basedow cần phải dựa vào cả lâm sàng và xét nghiệm cần thiết nếu người bệnh có các triệu chứng như bướu mạch, lồi mắt, nhịp tim nhanh, run, thay đổi da, phản xạ tăng cao và tuyến giáp mở rộng.

Siêu âm tuyến giáp, siêu âm Doppler mạch tuyến giáp.

Xét nghiệm máu: Bác sĩ sẽ xem xét mức TSH và hormone tuyến giáp FT3, FT4. Bác sĩ cũng có thể kiểm tra một loại kháng thể tuyến giáp được gọi là kháng thể thụ thể thyrotropin (TRAb) và globulin miễn dịch kích thích tuyến giáp (TSI).

Các kháng thể được tạo ra bởi hệ thống miễn dịch để đáp ứng với một cơ thể lạ hoặc mối đe dọa trong cơ thể. Bác sĩ còn yêu cầu chụp tuyến giáp có thể phát hiện hoạt động quá mức, bướu cổ hoặc tuyến giáp bị viêm. Nó cũng có thể đo lường mức độ hấp thụ iốt của tuyến (được gọi là xét nghiệm hấp thụ iốt phóng xạ hoặc RAIU).

Về điều trị bệnh Basedow có 3 phương pháp chính: Nội khoa, xạ trị và phẫu thuật cắt gần toàn bộ tuyến giáp. Tùy thuộc bệnh, có thể áp dụng dùng 3 loại thuốc kháng giáp như Methimazole, carbimazole và PTU. Trong đó PTU được khuyến cáo không sử dụng trong điều trị ban đầu cho bệnh nhân Basedow. Tỷ lệ lui bệnh hoàn toàn với phương pháp này là 60 - 70% sau 18 - 24 tháng điều trị. Hai là xạ trị Iod 131 với mục đích làm cho bướu tuyến giáp nhỏ lại và đưa chức năng tuyến giáp từ cường năng về bình thường.

Ba là phẫu thuật chỉ được chỉ định khi bệnh đã được điều trị bằng thuốc ít nhất 4 - 6 tháng mà không duy trì được bình giáp khi ngưng thuốc, bướu giáp sưng to gây mất thẩm mỹ hoặc có biến chứng khó thở. Cắt bỏ gần toàn bộ tuyến giáp chỉ để lại một phần nhỏ 3 - 6g để duy trì chức năng tạo hormone bình thường.

nPGS TS BS. Nguyễn Hoài Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dieu-tri-va-phong-ngua-benh-cuong-giap.html