Di sản, di chỉ khảo cổ: Đừng để mất rồi mới báo động

Năm 2018 khép lại với không ít những nhức nhối về những di tích, di chỉ khảo cổ bị xâm phạm, vùi lấp. PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Giám đốc chuyên môn của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa đã có những chia sẻ về vấn đề này.

PGS. TS Nguyễn Văn Huy.

Phóng viên: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Huy, trong năm 2017, nổi lên một số vụ vi phạm, xâm phạm di tích, trong đó có cả những di tích đã xếp hạng. Là người rất quan tâm đến di sản, ông nhìn nhận điều này như thế nào?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Lâu nay, chúng ta có những di sản vô giá nhưng chưa thực sự quan tâm đến, đó là những di chỉ khảo cổ có niên đại rất sâu. Hầu hết những di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật đến nay đều không giữ được. Không một di chỉ nào được giữ gìn, biến thành một nơi mà mọi người có thể tham quan, nhìn ngắm, tìm hiểu. Hiện nay hầu hết các di chỉ khảo cổ được khai quật lên, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại cơ bản là bị san lấp và coi như xong. Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Vườn Chuối, di tích khảo cổ có niên đại tới 3.500 năm, kéo dài qua nhiều thời đại, nhưng cũng đã bị san lấp một phần.

Di chỉ Vườn Chuối (Hoài Đức, Hà Nội) bị san lấp.

Phóng viên: Một trong những thực trạng là khi các di tích, di chỉ bị xâm phậm, hư hại hoặc quá xuống cấp, người dân địa phương hoặc các nhà khoa học, hoặc những người quan tâm gióng lên hồi chuông báo động hoặc kêu cứu thì nhà quản lý mới để ý...

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Luật Di sản hiện nay yêu cầu tất cả các địa phương, các tỉnh thành phải lên một quy hoạch về khảo cổ học để đánh dấu những điểm khảo cổ học cần phải bảo vệ hoặc lưu ý khi xây dựng. Nhiều tỉnh thành đã thực hiện việc này rất tốt. Thứ hai, Luật Di sản cũng xác định rất rõ, là mỗi khi xây dựng mà làm phát lộ một di tích khảo cổ học thì phải có biện pháp lưu giữ. Nhưng thực tế có những di chỉ phát lộ đã lâu, nhưng vẫn không được quan tâm. Thí dụ như Vườn Chuối ở xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội được phát hiện đã 10 năm nay , liên tục được báo chí, truyền thông nói đến, nhưng vẫn bị xâm phạm. Vậy nguyên nhân là ở đâu?

Chúng ta không thể đổ lỗi cho các doanh nghiệp, mà trước hết các cơ quan quản lý văn hóa phải nhận thức được đây là những giá trị vô cùng quý của quốc gia và Hà Nội.

Phóng viên: Vậy theo PGS. TS, chúng ta nên làm thế nào với một số di chỉ khảo cổ đã phát hiện được để vừa giữ gìn, vừa khai thác được di chỉ đó?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Ở nhiều nước khác, nếu như họ có một di chỉ 3.500 năm như vậy thì họ sẽ vô cùng trân trọng, sẽ giữ gìn và biến nó trở thành một điểm văn hóa để tất cả mọi người có thể đến xem, chiêm ngưỡng và tự hào. Nhưng ở đây chúng ta có mà lại không quan tâm. Chính vì thế hầu hết những di chỉ khảo cổ học từ thời Hùng Vương đã được khai quật đến nay đều không giữ được. Lẽ ra các di chỉ phải được giữ gìn, biến thành một công viên di sản, hay một nơi mà mọi người có thể tham quan, hoặc tạo ra những thiết chế để tham quan… Nếu nhà quản lý văn hóa quan tâm, thì họ phải làm được những điều đó.

Như ở Phú Thọ, có rất nhiều di chỉ, chỉ mỗi đền Hùng và hát xoan là được quan tâm, được đầu tư, còn những di chỉ liên quan đến khảo cổ học thì không làm, hoặc không biết cách để làm nổi bật nó lên, rất đáng tiếc. Trong khi vẫn là di chỉ đó thôi, nơi khác họ biến trở thành một công viên, gắn liền với đời sống người dân ở đó, xây dựng các triển lãm với rất nhiều hệ thống pano. Khách tham quan có thể đi dạo trong khu công viên đó, đọc thông tin, xem hình ảnh của hiện vật về ý nghĩa của di chỉ này.

Chúng ta hiện nay hầu hết các di chỉ khảo cổ được khai quật lên, trừ Hoàng Thành và một vài chỗ, còn lại cơ bản là bị san lấp và coi như xong. Đó là mất mát rất lớn về mặt lịch sử quốc gia. Mà không biết người ta có nhìn thấy hay không, hay nhìn mà không thấy.

Việc chúng ta cần phải làm là tôn vinh, phát huy tốt hơn nữa giá trị khai quật của khảo cổ học. Chúng ta có cả những di chỉ mấy nghìn năm như Vườn Chuối, các di chỉ khảo cổ học ở Đền Hùng, mà bây giờ để “chết” như thế, thậm chí Vườn Chuối còn bị san lấp làm khu đô thị.

Phóng viên: Ở một số nơi, bài toán khai thác và bảo tồn thường vấp phải rào cản từ sự phát triển kinh tế, xã hội tại nơi đó. Vậy theo PGS. TS, cần giải quyết bài toán này như thế nào cho “vẹn cả đôi đường”?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Có thể thấy, không chỉ là di chỉ khảo cổ học, một thí dụ điển hình là di tích Cổ Loa, vẫn còn tương đối đầy đủ thành, hào… hiện tại đang chết ngấm ngầm, không hoạt động du lịch được,rất ít khách đến thăm. Vì những người làm văn hóa không biến nó thành nguồn lực và sức mạnh kinh tế được. Cổ Loa là một di tích quá tuyệt vời vào đầu công nguyên, vẫn còn đủ thành, quách, đền thờ…, có thể nói là di tích số 1 của cả nước, của Hà Nội, vì đây là nơi lập nên Nhà nước Âu Lạc. Vậy thì lỗi ở ai?

Hào thành Cổ Loa nằm dưới rác thải xây dựng. Ảnh: PGS. TS Nguyễn Văn Huy.

Phóng viên: Thưa PGS. TS Nguyễn Văn Huy, trong thực tế cũng đã có những trường hợp doanh nghiệp khai thác văn hóa, di sản… để làm kinh tế nhưng không bảo đảm đầy đủ các yêu cầu về bảo tồn di sản, thậm chí còn gây nguy hại đến di sản đó. Vậy theo ông, phải làm thế nào để có thể bảo đảm sự hài hòa giữa khai thác và bảo tồn di sản qua vai trò của doanh nghiệp?

PGS. TS Nguyễn Văn Huy: Theo tôi, trong bối cảnh ngày nay, nếu không có các doanh nghiệp, doanh nhân vào thì rất khó bảo tồn và phát huy các di sản này, cho nên cần khuyến khích các doanh nghiệp và doanh nhân đầu tư vào làm các di sản để phát triển du lịch. Tuy nhiên bên cạnh những cái tốt đó, chúng ta phải hiểu rằng các doanh nghiệp và doanh nhân nhìn cái lợi trước mắt và họ nhìn nhận những vấn đề liên quan đến bảo tồn di sản ở một mức độ nhất định. Cho nên khi dựa vào vai trò của các doanh nhân, doanh nghiệp, cần phải kết hợp với các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà văn hóa để có cách nhìn nhận thấu đáo hơn. Ở các nước, trong các doanh nghiệp, bao giờ người ta cũng có các chuyên viên, chuyên gia về di sản văn hóa để tư vấn cho doanh nghiệp. Chúng ta cần phải làm như thế. Cần đào tạo những nhà nghiên cứu, quản lý về di sản, họ phải có một tầm nhìn vừa về di sản vừa về phát triển kinh tế.

Xin cảm ơn PGS. TS đã chia sẻ.

TUYẾT LOAN thực hiện.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dien-dan/item/38648202-di-san-di-chi-khao-co-dung-de-mat-roi-moi-bao-dong.html