Đem yêu thương đến với Phja Cò

Khi bão số 3 (Yagi) để lại nhiều mất mát và đau thương tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, tôi đã có chuyến đi cùng đoàn công tác của Liên đoàn Lao động tỉnh Cao Bằng và các nhà hảo tâm đến 2 huyện: Bảo Lạc và Bảo Lâm trao quà tặng các hộ nghèo, những học sinh của Trường phổ thông dân tộc bán trú - THCS Huy Giáp, xã Huy Giáp (Bảo Lạc) và điểm trường Phja Cò 2 của Trường Tiểu học Nam Cao, xóm Phia Cò, xã Nam Cao (Bảo Lâm). Xúc động và cảm phục khi thấy được sự hy sinh của các thầy, cô giáo đang gieo chữ, trồng người ở một nơi đặc biệt khó khăn và xa xôi.

Hai ngày trước chuyến đi, các nhà hảo tâm vốn là cựu học sinh của Trường Chuyên Lê Hồng Phong (Nam Định) đã vận động và quyên góp được kinh phí mua 500 chiếc chăn ấm, 500 chậu nhôm, 500 ba lô cùng 30 thùng xúc xích để tặng cho người dân và các em học sinh của tỉnh Cao Bằng.

Con đường lên Phja Cò vừa dốc, gồ ghề.

Con đường lên Phja Cò vừa dốc, gồ ghề.

Một ngày trước khi đoàn di chuyển từ Hà Nội, xe hàng đã có mặt tại hai địa điểm sau hơn 300 km xuyên đêm. Quà tặng tại 2 trường gồm 250 phần quà mỗi loại, được bốc dỡ và vận chuyển ngay tới Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Huy Giáp và điểm trường Phja Cò 2. Trong một thời gian ngắn, nhờ sự chủ động, tích cực của chính quyền địa phương và các thầy cô giáo Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Huy Giáp, 250 phần quà đã được gửi đến người dân và các em học sinh.

Về thị trấn Bảo Lạc khi đồng hồ điểm 23 giờ, ai trong chúng tôi đều đã mệt, nhưng rồi mọi mệt mỏi đều dần tan biến khi một nửa hành trình “San sẻ yêu thương” đã đi qua trong niềm vui. Tuy vậy, phía trước là nửa hành trình cuối cùng còn khó khăn và vất vả hơn thế. Quả thực, nằm trong địa hình bị chia cắt thành nhiều thung lũng sâu cùng vách đá dựng đứng, có nhiều vực thẳm của cao nguyên Lạng Cá, xóm Phja Cò, xã Nam Cao có nhiều ngọn núi cao 1.200 - 1.800 m. Không có gì ngạc nhiên khi đường đến Phja Cò địa hình hiểm trở, khó khăn, dân cư sống thưa thớt và cũng giải thích tại sao Phja Cò là xóm khó khăn nhất trong 10 xóm của Nam Cao. Quãng đường đến điểm trường Phja Cò 1 mất hơn 1 giờ đồng hồ, với nhiều đoạn toàn đá, đất, dốc cao, có nơi mặt đường bị nứt gãy do ảnh hưởng của bão số 3 trước đó, quãng đường đến điểm trường Phia Cò 2 còn gian nan gấp bội.

Khi nhìn thấy cột cờ của điểm trường tung bay trong gió từ trên cao, cứ nghĩ mọi khó khăn đã kết thúc, nhưng chúng tôi còn phải đi bộ khoảng 30 phút xuống phía dưới. Bởi con đường lúc này chỉ vừa một chiếc xe máy, thậm chí có nơi chỉ vừa mỗi bánh xe khi mặt đường sau đợt mưa kéo dài đã in hằn một vệt nhỏ kéo dài, thật nguy hiểm nếu người điều khiển xe phải chở thêm chúng tôi di chuyển giữa một bên vực sâu, một bên là vách núi. Khi được gặp các thầy, cô giáo và chứng kiến những khó khăn mà họ cũng như người dân, phải trải qua, trong tình trạng “nhiều không” (không điện, không sóng điện thoại, không internet, không nước sạch), chúng tôi mới hình dung được cảnh học sinh, người dân sẽ di chuyển như thế nào trên con đường trơn trượt nguy hiểm đó vào những ngày mưa.

Đoàn công tác trao quà cho học sinh điểm trường Phia Cò 2, Trường Tiểu học Nam Cao (Bảo Lâm).

Đoàn công tác trao quà cho học sinh điểm trường Phia Cò 2, Trường Tiểu học Nam Cao (Bảo Lâm).

Điều an ủi và khiến chúng tôi cảm thấy mừng vui phần nào là ở điểm trường Phja Cò 2, những phần quà ý nghĩa được trao đến từng người dân và các em học sinh. Nhìn ánh mắt, nụ cười của họ, tất cả sẽ cảm thấy sự quan tâm của chính quyền địa phương, của xã hội, của cộng đồng trong những năm qua đang làm vơi bớt khó khăn nơi đây. Tuy nhiên, bên cạnh các chương trình 134, 135 của Chính phủ, nhiều biện pháp hỗ trợ, giúp đỡ đồng bào phát triển kinh tế như tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp của chính quyền xã, huyện, tỉnh, người dân cũng đang mong mỏi một con đường bê tông kết nối từ điểm trường và các xóm lân cận, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân đi lại. Có đường, có điện, có sóng điện thoại, nước sạch, hơn 840 hộ dân, với gần 5.000 nhân khẩu, đồng bào các dân tộc xóm Phja Cò sẽ có điều kiện để vươn lên thoát nghèo và cải thiện cuộc sống hiện tại.

Khi đó, sẽ không còn ai phải chứng kiến hình ảnh như thầy giáo Vũ, Hiếu, Huỳnh, những cô giáo như Bình, Điều và Lâm, và đặc biệt là cô giáo Trương Thị Nga đã có 15 năm bám trường, bám lớp ở điểm trường Phja Cò 2, treo chiếc điện thoại lắp sim cách phòng ở khoảng 50 - 60m, rồi dò internet ở chiếc điện thoại phát kia nhiều lúc đến mỏi tay do phải giơ lên trời liên tục và chỉ nhắn được tin. Hay chỉ đơn giản là hình ảnh các thầy, cô giáo phải soạn bài dưới ánh nến tù mù, khiến họ mỗi tuần đều phải về huyện để sạc máy tính phục vụ cho việc soạn bài, và sạc pin dự phòng để sạc điện thoại, trước khi quay lại điểm trường vào chiều chủ nhật sau khi đã mua đủ thực phẩm dùng cho một tuần sau đó…

Chúng tôi rời điểm trường Phja Cò 2 để quay về trụ sở UBND xã Nam Cao khi trời dần tối. Trên quãng đường 32 km đó, ai nấy im lặng, không nói ra nhưng tất cả đều mong chờ một ngày nào đó, những xóm nghèo nơi đây sẽ có đường, có điện lưới quốc gia, thay thế dần những bóng điện năng lượng mặt trời và thắp sáng tương lai cho vùng cao địa đầu Tổ quốc, chứ không chỉ là những phần quà yêu thương từ các nhà hảo tâm.

Phạm Mạnh Hào

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dem-yeu-thuong-den-voi-phja-co-3173493.html