Đề xuất thí điểm đánh thuế tài sản nhà, đất tại TPHCM: Phương thuốc để hạ nhiệt sốt đất ảo

Quốc hội đang bàn về cơ chế đặc thù cho TPHCM, trong đó có đề xuất cho TPHCM thí điểm thuế tài sản (trước mắt là đối với nhà, đất). Việc có đồng ý cho TPHCM thí điểm đánh thuế nhà, đất hay không sẽ do Quốc hội quyết định.

Các chuyên gia đồng ý về chuyện đề xuất đánh thuế cao tài sản bất động sản thứ hai nhưng cần phải có lộ trình rõ ràng và phù hợp với thực tại của thị trường. Ảnh: Ngọc Tiến

Tuy nhiên, những ngày qua, việc đề xuất này đã nhận được sự quan tâm của dư luận với hàng loạt vấn đề được đặt ra như: Vì sao cần phải xây dựng thuế tài sản? Việc đánh thuế tài sản có góp phần kê khai chính xác tài sản, chống tham nhũng không? Đánh thuế thí điểm, như thế nào rồi tác động ra sao với thị trường bất động sản?

Đồng thuận

Trước khi Quốc họp họp bàn về đề xuất cho TPHCM thí điểm thuế tài sản, thì UBND TPHCM cũng đã có văn bản kiến nghị Bộ Xây dựng áp dụng mức thuế suất cao đối với bất động sản (BĐS) thứ hai trở lên và các giao dịch trong lĩnh vực này trong vòng 1 năm.

Cụ thể, TPHCM thu thuế tài sản trên đất và giá trị tăng thêm của đất và BĐS trên đất từ việc đầu tư cơ sở hạ tầng; kiến nghị Bộ Xây dựng cần phát hành trái phiếu đô thị, trái phiếu công trình, huy động vốn từ các ngân hàng, tín dụng, đầu tư tài chính trong và ngoài nước; nghiên cứu tạo hành lang pháp lý cho một số công cụ tài chính mới cho thị trường BĐS phát triển…

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM - Hiệp hội đồng tình với những kiến nghị của TPHCM và cho rằng nếu muốn không xảy ra “sốt đất ảo”, “bong bóng” BĐS thì phải thực hiện việc đánh thuế cao đối với căn nhà thứ hai cũng như các giao dịch thực hiện trong vòng 1 năm.

“Thuế là công cụ hàng đầu để điều tiết thị trường BĐS. Muốn khuyến khích thị trường tăng trưởng thì áp dụng thuế suất thấp đánh trên thu nhập từ chuyển nhượng BĐS. Ngược lại, để điều tiết thị trường khi có dấu hiệu bong bóng thì áp dụng thuế suất cao, kể cả áp dụng thuế suất rất cao khi chuyển nhượng BĐS sau khi tạo lập trong năm đầu tiên.

Do đó, Hiệp hội nhất trí với đề xuất đánh thuế cao người có nhiều nhà và người bán nhà với mục đích kinh doanh trong thời gian ngắn sau khi mua (trong vòng 1 năm) để chống đầu cơ, giúp làm tăng nguồn cung, tạo lập sự công bằng xã hội, tạo điều kiện cho người có nhu cầu thực có thể mua được nhà ở” - ông Lê Hoàng Châu chia sẻ quan điểm.

Cũng theo ông Châu, nếu đề xuất này được áp dụng thì những người có 2-3 hoặc nhiều căn nhà sẽ bị đánh thuế cao. Từ đó ít nhiều ngăn chặn đầu cơ và không còn hiện tượng người giàu, doanh nghiệp trữ đất hay sốt đất ảo ở TPHCM hồi đầu năm nay. Thị trường lúc bấy giờ sẽ vận hành trôi chảy theo quy luật của cung-cầu.

Nhưng lo ngại tác động tiêu cực đến thị trường bất động sản

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thanh Nhã - luật sư Văn phòng DBS - về lâu dài, việc thu thuế căn nhà thứ hai trở lên có thể hạn chế tình trạng đầu cơ BĐS vì vốn đầu tư của đối tượng này sẽ sụt giảm.

Tuy nhiên, ở góc độ thị trường, trong bối cảnh thị trường mới phục hồi một thời gian nên việc đánh thuế BĐS thứ 2 cần tính toán kỹ các tác động đến thị trường và doanh nghiệp. Bởi nếu vội vã thực hiện trong điều kiện chưa có sự chuẩn bị đồng bộ về luật thuế, cơ sở dữ liệu thông tin, tính minh bạch của thị trường... có thể chưa đem lại hiệu quả tăng thu ngân sách mà sẽ dẫn đến tình trạng lách luật trốn thuế, hệ quả là làm tiêu cực thị trường.

Nếu áp dụng đánh thuế BĐS thứ 2 trong lúc này thì TPHCM sẽ là địa phương đầu tiên làm thí điểm nhưng cần lưu ý là trong lĩnh vực thuế rất khó thực hiện thí điểm riêng lẻ. Bởi chỉ TPHCM thực hiện mà các tỉnh lân cận chưa áp dụng có thể sẽ phát sinh tiêu cực, khó kiểm soát và làm méo mó thị trường.

Ông Nguyễn Văn Đực - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - cũng cho rằng, việc đánh thuế tài sản trong đó tập trung vào nhà đất có ảnh hưởng tới thị trường bất động sản không thì câu trả lời là có. Tuy nhiên, ảnh hưởng tới mức độ nào thì phải có biểu thuế cụ thể mới thể đưa ra câu trả lời.

Ông Đực phân tích, nếu thuế tài sản này chỉ tập trung vào các phân khúc cao cấp như giá trị nhà vài tỉ trở lên mới đóng thuế thì sẽ ảnh hưởng tới phân khúc cao cấp, nhưng nếu đánh thuế với nhà đất dưới 2 tỉ thì toàn thị trường sẽ có ảnh hưởng vì đây là phân khúc phổ biến.

“Bởi vậy, tôi nghĩ, cần tập trung vào các phân khúc cao cấp, siêu cao cấp để hạn chế đầu cơ, còn nhà thu nhập thấp, nhà ở xã hội thì không nên đánh thuế”.

Trong khi đó, GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường - nêu quan điểm, việc đánh thuế tài sản tập trung vào nhà, đất không hợp lý, bởi thị trường bất động sản phần kinh doanh chiếm tỉ trọng rất cao. Nếu phần kinh doanh không có thì lập tức phân khúc nhà ở cho thuê sẽ bị giảm.

“Trước là giảm cầu của người có nhà ở cho thuê, sau là giảm cầu của nhà đầu tư thứ cấp cho thuê. Thêm nữa, nếu đánh thuế nhà ở thì nên đánh vào giá trị đất, nếu đánh vào giá trị nhà thì sẽ không còn nhà đẹp nữa” - GS Đặng Hùng Võ nói.

Bào Chương - Thông Chí

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/de-xuat-thi-diem-danh-thue-tai-san-nha-dat-tai-tphcm-phuong-thuoc-de-ha-nhiet-sot-dat-ao-576333.ldo