Để những 'con sâu' không còn đất sống

Gần đây, vụ 148 người (ban đầu là 152 người nhưng sau đó Đài Loan xác định lại là 148 vì có ba người rời khỏi Đài Loan trước ngày 25-12-2018 và một người đã liên lạc được) trong đoàn 153 người Việt sang Đài Loan du lịch rồi 'mất tích' hay nhiều người gọi là bỏ trốn, dẫn đến lãnh thổ này tạm ngưng cấp visa Quan hồng (một loại visa ưu đãi cho khách du lịch đoàn) đã khiến hàng loạt công ty lữ hành trong nước lao đao.

Du khách Việt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: ĐÀO LOAN

Cơ quan chức năng đã đưa ra một số biện pháp xử phạt các doanh nghiệp liên quan. Trong đó, Công ty TNHH Thương mại Du lịch Kỳ nghỉ Quốc tế ở TPHCM, nơi làm dịch vụ thị thực cho nhóm khách trên nhưng không dẫn khách theo hợp đồng, chương trình tour; không chứng minh được là có ký kết hợp đồng làm dịch vụ này... bị phạt 33 triệu đồng và rút phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong 12 tháng. Trong hai công ty ở Hà Nội chịu trách nhiệm tổ chức tour thì Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Golden Travel bị phạt 48,5 triệu đồng, rút giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế trong chín tháng, còn Công ty TNHH Twin Bright không có chức năng kinh doanh dịch vụ lữ hành nên cơ quan quản lý du lịch sẽ phối hợp với các ngành liên quan để xử lý.

Với vụ việc trên, cơ quan quản lý đã xử lý với mức phạt gần như kịch trần của khung xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, mức phạt này vẫn không đủ răn đe, không đảm bảo là doanh nghiệp sẽ không tái phạm.

Từ nhiều năm nay, tình trạng lộn xộn trong kinh doanh lữ hành như bán tour giá rẻ lừa khách; nhận tiền mua tour rồi giải tán công ty; tổ chức tour nhưng bỏ khách ở nước ngoài; làm thị thực nhưng không tổ chức tour... xảy ra khá nhiều. Giới doanh nghiệp trong ngành cho rằng, đa số vụ việc đã có những tín hiệu được báo trước hoặc đã có những thông tin cảnh báo về việc làm ăn chụp giựt, phi pháp của một số đơn vị.

Chẳng hạn, trước khi vụ bỏ rơi hàng trăm khách ở Thái Lan xảy ra, giới doanh nghiệp đã kháo nhau về kiểu làm ăn kỳ lạ, bán tour dưới giá thành của công ty làm tour này. Với vụ quỵt tiền tour hàng tỉ đồng, mới diễn ra chỉ vài tháng trước, thì công ty vi phạm không chỉ sai phạm lần đầu mà đã từng bị phạt rồi dời trụ sở và tái phạm. Trong những lần “trà dư tửu hậu”, những thông tin như công ty này tuy báo cáo số lượng khách nhiều nhưng “nó” có làm tour đâu, bán khách hết cả đấy; công ty kia làm giá quá rẻ vì “chèn” khách đi lao động để kiếm tiền, chỗ nọ vừa có khách bỏ trốn hay vừa bị cơ quan lãnh sự đưa vào diện cảnh báo và không nhận hồ sơ làm thị thực... được doanh nghiệp bàn tán rất nhiều. Một số thông tin cũng đến tai người có chức trách nhưng “vì chưa có vi phạm nên chưa thể xử lý”.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nếu những thông tin, những tín hiệu cảnh báo này được tiếp nhận một cách nhanh chóng, nghiêm túc để có những động thái theo dõi, ngăn chặn ngay từ đầu thì nhiều vụ việc nghiêm trọng đã không xảy ra.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đặt vấn đề về quy định kinh doanh dịch vụ lữ hành và việc trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý, hội nghề nghiệp cùng cơ quan lãnh sự. Theo đó, cơ quan quản lý quy định lữ hành là ngành kinh doanh có điều kiện nên đưa ra những quy định ràng buộc như phải có giấy phép riêng bên cạnh giấp phép thành lập doanh nghiệp, ký quỹ, người đứng đầu công ty phải có trình độ nghiệp vụ và quy định các hành vi bị cấm làm. Tuy nhiên, mức xử phạt thấp, không đủ sức răn đe và các quy định về cấp phép thành lập doanh nghiệp mới khá dễ dàng nên những người lừa đảo có thể lại mở công ty khác để tiếp tục làm điều sai trái.

Điều này đặt ra câu hỏi về cơ chế trao đổi thông tin. Hiện tại, vẫn chưa có cơ chế trao đổi thông tin giữa cơ quan quản lý và hội nghề nghiệp trước khi cấp giấy phép thành lập doanh nghiệp để nhận diện rõ hơn những “con sâu” có thể thâm nhập vào ngành. Cơ chế trao đổi thông tin giữa những bên này với các cơ quan lãnh sự để kịp thời phát hiện những đơn vị bị cảnh báo, những nơi giấu thông tin khách bỏ trốn nhằm có biện pháp chuẩn bị ngăn chặn cũng chưa có.

Cả nước hiện có gần 2.000 công ty lữ hành quốc tế, phần lớn trong đó có kinh doanh mảng du lịch nước ngoài. Số lượng này không nhỏ nhưng cũng không quá nhiều để không thể quản lý hết. Cơ quan thanh tra thường than phiền là không đủ nhân lực. Điều này đúng và thực tế là cũng không có ngành nào có thể có đủ lực lượng để bao quát mọi hoạt động nhưng nếu muốn gia tăng hiệu quả giám sát thì không phải không có cách làm.

Mỗi ngày ở các sân bay, cửa khẩu quốc tế có vô số đoàn du lịch lên đường. Đoàn nào cũng có trưởng đoàn, có hướng dẫn viên cầm cờ dẫn khách nên nếu muốn kiểm tra đơn vị nào có phép, đơn vị nào không thì không khó. Lực lượng thanh tra không phải túc trực tại đây 365 ngày một năm mà chỉ cần âm thầm kiểm tra trong một số ngày, xử phạt nặng và đưa vào diện cảnh báo trên toàn hệ thống là những đơn vị làm ăn sai trái sẽ chùn chân.

Đào Loan

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/283972/de-nhung-con-sau-khong-con-dat-song-.html