Để đảm bảo ổn định giá và nguồn thịt lợn trên thị trường

Do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi cùng với nhu cầu tiêu thụ cao, gần đây giá thịt lợn liên tục tăng, tác động không nhỏ đến người chăn nuôi, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Giá thịt lợn hơi hiện tăng vọt từ 40.000 lên 80.000 đồng/kg. (Ảnh chụp tại Chợ Hạ Long II)

Theo ghi nhận của phóng viên tại một số chợ: Hạ Long I, Hạ Long II, Cột 3 và Trung tâm Thương mại BigC Hạ Long, Vinmart…, giá thịt lợn liên tục tăng trong thời gian gần đây. Cụ thể, giá thịt lợn vai và mông hiện có giá 120.000 đồng/kg, tăng từ 20.000-30.000 đồng/kg; thịt lợn ba chỉ, sườn giá 150.000 đồng/kg, tăng khoảng 30.000-40.000 đồng/kg. Mức giá này đã tăng gấp đôi so với thời điểm cách đây 5 tháng.

Bà Nguyễn Thị Mai, tiểu thương chợ Hạ Long I (TP Hạ Long), cho biết: Kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi, giá thịt nhập tăng cao hơn hẳn. Hiện giá thịt lợn hơi tăng vọt từ 40.000 lên 80.000 đồng/kg. Do đó, bắt buộc tiểu thương phải đẩy giá bán thịt lợn lên, nếu không sẽ bị lỗ. Cứ đà này, e rằng giá thịt lợn sẽ còn tăng nữa.

Còn theo chị Bùi Thị Cúc, tiểu thương chợ Hạ Long II (TP Hạ Long): Trước kia, nguồn thịt lợn nhập rất phong phú và nhiều lựa chọn, nhưng thời điểm này lấy hàng để bán rất khó, nguồn cung giảm hẳn, nhiều khi không lấy được hàng nếu không có mối quen. Từ rất lâu rồi, bây giờ mới lại xảy ra hiện tượng đột biến giá như thế này, thế nên việc buôn bán của tiểu thương gặp khó khăn.

Chị Lê Thu Huyền (phường Cao Thắng, TP Hạ Long) chia sẻ: Thời gian này giá thịt lợn tăng cao, chưa thấy có dấu hiệu giảm. Trước kia, khoảng 100.000 đồng/kg sườn, giờ tăng lên 150.000 đồng/kg. Đối với những người có thu nhập trung bình, việc tăng giá thịt lợn khiến phải cân nhắc về mức chi phí khi chuẩn bị bữa ăn cho gia đình.

Cơ quan chức năng của tỉnh kiểm tra giá và chất lượng thịt lợn tại Big C Hạ Long, tháng 8/2019.

Một trong những nguyên nhân trực tiếp dẫn đến giá thịt lợn tăng cao là do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát chặt chẽ, nhưng ảnh hưởng đến nay vẫn còn rất lớn. Tính đến thời điểm hiện tại, Quảng Ninh đã khống chế được dịch tả lợn châu Phi; 142/162 xã, phường trong tỉnh có dịch tả lợn châu Phi đã qua 30 ngày không phát sinh ổ dịch mới. Tuy nhiên, để dịch không bùng phát lại, các cơ quan chức năng vẫn khuyến cáo người chăn nuôi chưa nên tái đàn nếu không đảm bảo các điều kiện thích hợp.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), khuyến cáo: Để đảm bảo chăn nuôi bền vững, người nuôi nên ký hợp đồng đầu ra cho sản phẩm, bao tiêu sản phẩm và tăng cường liên kết chuỗi, đảm bảo an toàn dịch bệnh, có như vậy mới sớm ổn định được giá thịt lợn. Người dân cũng không nên tái đàn ồ ạt trong thời điểm này, đặc biệt là đối với những hộ nuôi nhỏ lẻ, xen kẽ trong các khu dân cư. Chỉ nên tái đàn nếu đảm bảo 3 điều kiện, đó là chủ động được con giống sạch bệnh, chưa từng phát sinh dịch bệnh, chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học.

Còn hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, dự báo nhu cầu thịt lợn của người dân tiếp tục tăng, nhưng giá thịt vẫn chưa có chiều hướng giảm. Do đó, bên cạnh thịt lợn, người tiêu dùng cũng nên sử dụng đa dạng các loại thực phẩm khác để vừa đảm bảo dinh dưỡng, vừa góp phần ổn định giá thịt lợn trên thị trường.

Ông Trần Phong, Trưởng Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), cho biết: Sở tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác quản lý, theo dõi tình hình biến động giá cả thị trường, đặc biệt đối với mặt hàng thịt lợn, để kịp thời có giải pháp phù hợp khi có những diễn biến bất thường, đột biến về giá cả hoặc lượng tiêu thụ. Đồng thời, chú trọng công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát nguồn hàng đảm bảo chất lượng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng khi mua bán sản phẩm thịt lợn trên thị trường hiện nay, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201911/de-dam-bao-on-dinh-gia-va-nguon-thit-lon-tren-thi-truong-2461829/