Để các cuộc thi sắc đẹp bớt ồn ào
Trong những năm qua, các cuộc thi hoa hậu dần lớn mạnh về quy mô lẫn số lượng, tạo sức hút khổng lồ đối với công chúng. Mỗi cuộc thi đều có tiêu chí đánh giá và quá trình tổ chức riêng, song đều hướng đến việc mang lại những giá trị tích cực cho cộng đồng. Tuy nhiên, thực tế đang chứng minh điều ngược lại, khi cụm từ 'thi hoa hậu' luôn đi kèm với những ý kiến trái chiều.
Mỗi hoa hậu đều là người nổi bật và toàn diện được chọn ra từ hàng trăm thí sinh, qua những vòng thi đầy thử thách. Vì thế, sự kỳ vọng mà công chúng dành cho hoa hậu không hề nhỏ. Nhưng thay vì nhận được sự ngưỡng mộ và công nhận từ khán giả, một số nàng hậu đã và đang hứng chịu sự phẫn nộ, chỉ trích khi bị cho rằng không xứng đáng với ngôi vị cao nhất, thậm chí là “làm xấu mặt” nước nhà khi “mang chuông đi đánh xứ người”.
Trong cuộc thi Miss Grand International 2024 vừa qua được tổ chức tại Thái Lan, đại diện Quế Anh khiến nhiều người hâm mộ bất bình khi liên tục trình bày những bài hát tiếng Hàn, thay vì tận dụng cuộc thi để lan tỏa văn hóa Việt Nam. Hay trước đó là những phát ngôn của các người đẹp Kỳ Duyên, Ý Nhi, Phương Lê... gây phẫn nộ với công chúng bởi những ngôn từ không phù hợp với văn hóa dân tộc.
Những ồn ào xung quanh các cuộc thi hoa hậu không phải mới, nguyên nhân thường đến từ nhiều phía khác nhau. Việc hoa hậu có xứng đáng hay không, cuộc thi có chất lượng hay không, còn phụ thuộc vào tiêu chí riêng của mỗi ban tổ chức, nhưng giá trị cốt lõi về việc tôn trọng, tôn vinh phụ nữ thì luôn cần sự nhất quán. Khán giả mong đợi hoa hậu sẽ là người đại diện cho hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, kiên cường, vượt qua giới hạn của bản thân để thực hiện hoài bão, đam mê, đồng thời mang đến nhiều điều tích cực cho cộng đồng.
Tuy nhiên, khi sự xuất hiện của các hoa hậu dần gắn liền với những tin tức tiêu cực, hoặc chỉ quẩn quanh nhan sắc và kỹ năng trình diễn, thì công chúng cũng mất dần thiện cảm. Những tin bài truyền thông về hoa hậu bất đắc dĩ trở thành diễn đàn phê phán và châm biếm.
Nỗ lực là câu chuyện của mỗi cá nhân, nhưng việc được công nhận và thấu hiểu lại là câu chuyện của cộng đồng. Các cuộc thi hoa hậu nói riêng, và nền công nghiệp giải trí nói chung, cần có sự chấn chỉnh cũng như cân bằng giữa lợi nhuận, tính giải trí và những giá trị nhân văn. Chỉ nghiêng về một phía lợi ích vật chất mà bỏ quên những giá trị tích cực đang dần làm xấu đi hình ảnh các cuộc thi sắc đẹp, vốn dĩ phải là nơi tôn vinh vẻ đẹp của con người.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/de-cac-cuoc-thi-sac-dep-bot-on-ao-post765787.html