Đấu trường Nước - Lửa

Đương nhiên, tham dự World Cup phải là các đội tuyển quốc gia. Nhưng nếu chỉ đơn giản gọi là 'Đội tuyển quốc gia Vương quốc Anh' thì… nhàm chán quá, chả bóng đá tý nào. 'Tam Sư' - nghe thú vị hơn rồi nhỉ?

Thực tế là hầu hết các đội bóng đều có biệt danh bên cạnh tên gọi chính thức. Phổ biến nhất là biệt danh đặt theo màu sắc của trang phục truyền thống. Ví dụ Argentina là Bầu trời Xanh - Trắng, New Zealand là Trắng tuyền, còn Paraguay là Trắng - Đỏ.

Xu hướng đặt tên theo linh vật có vẻ được các đội bóng châu Phi đặc biệt ưa chuộng. Nigeria là Siêu đại bàng, Cameroon là Sư tử bất khuất, Bờ Biển Ngà là Voi và Algeria là Những chú cáo sa mạc.

Cũng mượn hình ảnh động vật hùng dũng, nhưng “Tam Sư” là một logic đặt tên khác, xuất phát từ logo 3 chú sư tử trên ngực chiếc áo đấu của các chàng cầu thủ. Cùng tư duy này, Bồ Đào Nha là Đội bóng 5 chiếc khiên và Mexico là Ba màu.

Có một không hai, nhưng vắn tắt quá thể, biệt danh của đội tuyển Honduras chỉ là chữ H viết hoa ngắn ngủi. Hy Lạp gọi các chàng trai của mình là Chiếc tàu cướp biển (To Piratiko). Tây Ban Nha tự xưng là Cơn cuồng nộ đỏ. Hai đội đại diện của châu Á, Nhật Bản và Hàn Quốc đều đề cao tinh thần chiến đấu với biệt danh lần lượt là Võ sỹ đạo và Chiến binh Taeguk. Australia dí dỏm ghép 2 từ bóng đá (soccer) và chuột túi (kangaroo) vào thành một, để thành tên gọi Socceroos. CHDCND Triều Tiên gọi đội bóng của mình là Chollima (một loại ngựa theo truyền thuyết địa phương).

Yêu bóng đá cuồng nhiệt, người Brazil nghĩ ra cho đội bóng khá nhiều biệt danh, từ chân phương như Selecao (những người được chọn); hay “Đội tuyển vàng xanh” cho đến bóng bẩy, mỹ miều như “Những vũ công Samba” và thậm chí Canarinho (Những chú chim khổng tước nhỏ) – nhằm ca ngợi những đôi chân thoăn thoắt điệu nghệ như chim khổng tước của các cầu thủ.

Giờ hãy nói về đội vô địch và á quân.

Ngoài biệt danh khá đơn giản “Đội Xanh da trời” (Le Bleus), các thành viên đội tuyển bóng đá Pháp có khi được gọi là “Những chú gà trống Gô-loa”. Việc lấy gà trống làm biểu tượng dân tộc xuất phát từ lối chơi chữ của người Pháp. Tổ tiên của người Pháp là người Gô-loa (Gaulois), trong tiếng Latinh viết là Gallus, còn có nghĩa là “gà trống”. Nhưng “gà trống Gô-loa” không phải tên dành riêng cho các chàng cầu thủ. Hình ảnh chú gà trống Gô-loa dũng cảm, cảnh giác và oai vệ với mào đỏ rực, đuôi dài xám xanh, cong lên như những thanh đoản kiếm đã trở thành biểu tượng của nước Pháp từ xa xưa.

Không kém phần kiêu hãnh, người Croatia gọi các chàng cầu thủ của mình là The Fiery Ones hoặc The Chequered Ones (tạm dịch: Những ngọn lửa hoặc Những chàng trai caro. Fiery là tính từ, nghĩa là “nóng bỏng, nồng nhiệt”).

Thế nên, theo một tuyến ngữ nghĩa, trận chung kết túc cầu được hàng tỷ người theo dõi tuần qua có thể coi là Cuộc đấu giữa Lửa và Nước vậy.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/dau-truong-nuoc-lua.aspx