Dấu ấn từ cảng cá Lạch Quèn

Nghệ An có 4 cảng cá, 6 bến cá và 5 khu trú tránh bão cho tàu thuyền. Cảng cá Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận, huyện Quỳnh Lưu được các ngư dân mệnh danh là cảng cá lớn nhất của cả vùng 'rốn cá' Quỳnh Lưu, nhu cầu tàu thuyền cập bến của ngư dân ngày càng lớn.

Người dân tấp nập dỡ cá.

Cảng cá Lạch Quèn có 2 bờ, bờ Bắc thuộc xã Tiến Thủy và bờ Nam thuộc xã Quỳnh Thuận. Hiện nay, có khoảng trên 1.000 tàu, thuyền công suất lớn, nhỏ neo đậu hàng ngày.

Lạch Quèn hôm nay tấp nập, hối hả những chuyến tàu thuyền cập bến. Ít ai biết rằng, sự thay da đổi thịt của vùng cảng cá Lạch Quèn ngoài công sức của chính quyền UBND tỉnh Nghệ An, còn có đóng góp không nhỏ của những người con vùng biển.

Anh Thanh, một người dân địa phương cho biết: Tập thể các hộ ngư dân chúng tôi ghi nhận sự đóng góp hỗ trợ của gia đình anh Trần Huy Hoàng đối với cảng cá Lạch Quèn. Khu vực bến cảng (hiện có nhà máy đá) ngày xưa là một hòn đá kè rất lớn của thời Pháp để lại, hiện vẫn còn ngầm sâu đáy cảng, tàu thuyền không thể vào neo đậu được.

Cảng đầy ắp cá

Năm 2005, gia đình anh Trần Huy Hoàng đã bỏ kinh phí rất lớn để đầu tư làm đường tiện cho việc kéo tàu thuyền lên sửa chữa cho bà con ngư dân chúng tôi. Từ đó bà con chúng tôi cũng không phải tốn kém kinh phí thời gian để đánh tàu vào cửa Hội hay xã Quỳnh Phương - Quỳnh Lưu để sửa chữa nữa. Ngoài ra, công trình anh Hoàng xây dựng cũng là bờ kè chắn sóng mỗi khi có bão gió về.

Anh Nguyễn Văn Xuân, một chủ tàu quê Diễn Châu cũng cho biết: Tôi đi dọc từ Nam ra Bắc, chưa có bến tàu, cảng cá nào không thu tiền như bến của gia đình anh Hoàng. Ở ngay tại cảng cá Lạch Quèn này, chỉ cần tiến thêm vào hay lùi ra một đoạn để đậu đổ dầu, lấy nước, bán cá, nghỉ tàu, chúng tôi cũng đều phải trả phí từ 50 - 300.000/lần. Riêng bến tàu nhà anh Hoàng không thu tiền. Anh em chủ, thợ trên tàu chúng tôi thấy rất mừng. Ngoài nghỉ ngơi, sinh hoạt tiện thì sẵn sân rộng này, chúng tôi còn tranh thủ làm lưới kiếm thêm thu nhập.

Anh Xuân cùng bạn tàu tranh thủ đan lưới khi neo tàu vào cảng cá

Còn anh Trần Huy Hoàng chia sẻ: Trước năm 2000, Lạch Quèn và cảng cá Lạch Quèn đang còn hoang sơ không có nơi neo đậu để xuống nguyên vật liệu và hàng hóa mỗi lần đánh bắt về. Khi đó, tôi là công dân của nhà máy đóng tàu Ba Son, TP Hồ Chí Minh, thấy thực trạng quê hương như vậy đã về xây dựng và đóng góp cho quê hương ngày càng phát triển. Gia đình tôi cùng bà con chúng tôi đã đồng hành cùng nhau nhằm góp phần xây dựng quê hương ngày càng phát triển.

Nhiều hạng mục của cảng cá đã được cải tạo

Anh Bắc, người dân xã Quỳnh Tiến cũng cho biết: Khi Nhà nước hoàn thành hai bên bờ cảng cá là ngư dân còn gặp rất nhiều khó khăn vì không có một cá nhân, tập thể nào đầu tư về dịch vụ hậu cần sửa chữa tàu. Anh Hoàng là công nhân nhà máy đóng tàu đã bỏ việc tại nhà máy, về giúp bà con chúng tôi rất nhiều. Hiện nay, mọi việc sửa chữa nhỏ, thậm chí cả đóng mới đều đã được thực hiện tại vùng cảng cá Lạch Quèn.

Từ năm 2005 trở lại đây, bà con ngư dân chúng tôi rất yên tâm và ngày càng đóng nhiều tàu thuyền to có công suất lớn hơn vươn khơi xa hơn nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương và thực hiện chủ trương Nhà nước về kinh tế ngư dân.

Ít ai biết rằng, để cảng cá phát triển như ngày nay, người dân vùng Quỳnh Thuận đã dồn tâm sức quai đê lấn biển

Cũng theo nhiều ngư dân ở đây, hơn chục năm qua, công trình của gia đình anh Hoàng đã hỗ trợ ngư dân rất lớn. Nhà máy đá và bến cảng của gia đình anh Hoàng xây dựng lên như một tấm lá chắn mỗi khi có bão gió về, bà con rất yên tâm khi tài sản và tính mạng được gửi ở một địa chỉ tin cậy.

... Vùng cảng cá Lạch Quèn ngày nay đã khoác lên mình một tấm áo mới, đầy sức sống. Sự tấp nập giao thương của cảng cá Lạch Quèn cho thấy sức phát triển mạnh mẽ của nghề cá ở vùng biển miền Trung. Điều đó có sự đóng góp sức người, sức của của nhiều người dân như anh Hoàng…

Nhóm PV

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/xa-hoi/doi-song/dau-an-tu-cang-ca-lach-quen_t114c1159n140389