Dấu ấn của 'Đường lên đỉnh Olympia' trong 20 năm

Sau hai thập kỷ phát sóng, 'Đường lên đỉnh Olympia' vẫn giữ được sức hấp dẫn khi là sân chơi kiến thức dành cho học sinh THPT cả nước, chương trình có tuổi đời dài nhất của VTV.

Đường lên đỉnh Olympia lên sóng lần đầu tiên vào ngày 21/3/1999 trên kênh VTV3. Trải qua 20 năm liên tục phát sóng, đây hiện là game show có tuổi đời lớn nhất của Đài THVN. Nhà vô địch năm đầu tiên đã gần 40 tuổi, còn người nhỏ nhất vừa tròn 18.

Ngoài ra, chương trình có nhiều MC, nhà leo núi giữ điểm số kỷ lục, các biểu tượng đi cùng năm tháng cũng là những điều hấp dẫn, làm nên tên tuổi của Olympia.

MC gắn bó lâu nhất với Olympia

Nhà báo Tạ Bích Loan, một trong những người đầu tiên xây dựng nên Olympia, đảm nhận vị trí MC năm thứ nhất. Dù chỉ dẫn chương trình 1 năm, chị luôn được mọi người nhớ đến bởi sự thông minh, đam mê và nhiệt huyết.

Trong 5 năm đầu, Tạ Bích Loan đảm nhận vị trí đạo diễn. Chị hiện là Trưởng ban Sản xuất các chương trình giải trí của VTV3.

Sau nhà báo Tạ Bích Loan, người dẫn dắt Olympia (tính cả dẫn chính, dẫn đôi và phụ dẫn) những năm sau đó lần lượt là BTV Lưu Minh Vũ, Nguyễn Tùng Chi, Thùy Dương, Đặng Quốc Hiệp, Kiều Anh, Khánh Chi, Khắc Cường, Việt Khuê, Trung Nghĩa, Giang Nam, Quỳnh Trang, Vân Hugo, Hoàng Anh, Phạm Ngọc Huy và Nguyễn Diệp Chi.

Tạ Bích Loan, Lưu Minh Vũ và Nguyễn Tùng Chi là các MC để lại ấn tượng trong lòng khán giả Olympia. Ảnh: VTV.

Tạ Bích Loan, Lưu Minh Vũ và Nguyễn Tùng Chi là các MC để lại ấn tượng trong lòng khán giả Olympia. Ảnh: VTV.

Trong số 16 MC của Olympia, nhà báo Nguyễn Tùng Chi gắn bó lâu nhất với chương trình (8 năm). Chị tạo dựng hình ảnh "người phụ nữ thép", mang lại sự chắc chắn, tin cậy cho thí sinh và khán giả.

Từ năm 2006-2017, Tùng Chi cũng đảm nhận vai trò đạo diễn cho Olympia. Hiện tại, ngoài vai trò MC, tổ chức sản xuất nhiều chương trình phát sóng trên VTV3, chị là Phó trưởng ban Giải trí và Thông tin Kinh tế, Đài THVN.

Bên cạnh những người dẫn chính, nhiều MC dẫn điểm cầu chung kết năm của Olympia cũng để lại ấn tượng với khán giả. Trong đó, MC Trần Ngọc được mệnh danh là "mát tay" nhất lịch sử Olympia khi 3 năm liên tiếp dẫn điểm cầu có thí sinh vô địch (2013-2015).

Những biểu tượng đi cùng năm tháng

Vòng nguyệt quế - phần thưởng dành cho người thắng cuộc - là biểu tượng xuyên suốt của Olympia 20 năm qua. Nhà báo Tạ Bích Loan là người đưa ra đưa ra ý tưởng về biểu tượng này.

Tính đến trước trận chung kết Olympia 2020, 1.060 vòng nguyệt quế đã được trao cho thí sinh, gồm 1.059 người thắng cuộc và 1 em về nhì.

Bên cạnh đó, bài hát Đường lên đỉnh núi, do nhạc sĩ Hoàng Vân sáng tác, cũng được phát ở chương trình trong hai thập kỷ qua.

Từ năm phát sóng đầu tiên, gần như năm nào ban biên tập cũng bố trí lại sân khấu để tạo sự mới mẻ. Chỉ có một số năm thiết kế sân khấu giống nhau (năm 10-11, năm 17-19) hoặc ít thay đổi (năm 15, 16 tương đồng khoảng 40%).

Sân khấu Olympia năm thứ 2 (trái) và 20. Ảnh chụp màn hình, Fanpage Olympia.

Việc Olympia 4 lần thay đổi logo trong 20 năm qua cũng là điều không phải khán giả nào cũng để ý.

Năm 2019, tức năm phát sóng thứ 20, chương trình thay đổi luật chơi để tăng tính cạnh tranh. Hình ảnh mới mẻ của sân khấu của Olympia cũng nhận được phản hồi tích cực từ khán giả.

Áo thi đấu của các nhà leo núi chủ yếu là màu trắng, in logo màu vàng hoặc đỏ. Một số năm có màu áo đặc biệt như xanh lá cây (năm 14) hay đỏ (năm 16).

Kỷ lục điểm số

460 là số điểm cao nhất thí sinh đạt được trong một cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia sau 20 năm lên sóng. Kỷ lục này hiện được nắm giữ bởi 3 chàng trai là Huỳnh Nguyễn Hồng Chiến (năm 15), Phan Đăng Nhật Minh (quán quân năm 17) và Nguyễn Bá Vinh (vào tới chung kết năm 19).

Trong số 19 nhà vô địch, Hồ Đắc Thanh Chương (năm 16) là quán quân có điểm số trong trận chung kết cao nhất của chương trình - 340 điểm.

Tại cuộc thi tuần của Olympia 2020, Lê Vũ Quỳnh Hương (Quảng Nam) lập kỷ lục thí sinh nữ có điểm số cao nhất 20 năm qua với 360 điểm.

Một “kỷ lục” thú vị nữa là có 3 nhà vô địch cùng tên Hoàng. Đó là Đỗ Lâm Hoàng (năm 5), Lê Vũ Hoàng (năm 6) và Đặng Thái Hoàng (năm 12). Tương tự, có 2 quán quân cùng tên Minh và 2 người cùng tên Đức.

Hồ Đắc Thanh Chương (năm 16) là quán quân có điểm số trong trận chung kết cao nhất của chương trình - 340 điểm. Ảnh: Việt Hùng.

Trường có nhiều nhà vô địch nhất

Tính đến hết Olympia 2019, 54 trường trên toàn quốc có thí sinh tham dự trận chung kết năm, trong đó 15 trường có thí sinh vô địch.

Ba ngôi trường từng có 2 học sinh chiến thắng ở trận chung kết là THPT chuyên Quốc học Huế (Thừa Thiên - Huế), THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (Vĩnh Long), THPT Hòn Gai (Quảng Ninh).

Trong 20 năm qua, chỉ có 3/19 nhà vô địch Olympia là nữ. Trong đó, 2 người là cựu học sinh của trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm - Trần Ngọc Minh (năm 1) và Lương Phương Thảo (năm 3).

Trường THPT chuyên Quốc học Huế có 2 đại diện xuất sắc là Hồ Ngọc Hân (vô địch năm 9) và Hồ Đắc Thanh Chương (năm 16).

Hai quán quân đến từ trường THPT Hòn Gai là Đặng Thái Hoàng (năm 12) và Nguyễn Hoàng Cường (năm 18).

Hai nhà vô địch Trần Ngọc Minh và Lương Phương Thảo là cựu học sinh trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ảnh chụp màn hình.

Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (Hà Nội) cũng nằm trong số trường sở hữu thành tích ấn tượng tại Olympia khi có 1 nhà vô địch (Phan Minh Đức - năm 10) và 1 á quân (Phạm Huy Hoàng - năm 17).

Tương tự, trường THPT Thị xã Quảng Trị (Quảng Trị) cũng có 1 quán quân (Văn Viết Đức - năm 15) và 1 á quân (Lê Thanh Tân Nhật - năm 19). Ở trận chung kết Olympia 2020, trường này tiếp tục có đại diện là Văn Ngọc Tuấn Kiệt.

Bên cạnh đó, trường Phổ thông Năng khiếu, ĐH Quốc gia TP.HCM 4 năm liên tiếp có thí sinh vào chung kết (12-15).

Hà Nội là địa phương có nhiều thí sinh thi chung kết nhất với 11 đại diện.

Chung kết duy nhất có 5 thí sinh tham gia

Thông thường, mỗi cuộc thi Olympia chỉ có sự xuất hiện của 4 thí sinh. Tuy nhiên, trong trận chung kết năm 2009, lần đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này có sự góp mặt của 5 nhà leo núi.

Lý do dẫn đến việc này là do câu hỏi về sáu hệ trong cơ thể người trong phần thi Về đích ở cuộc thi quý III đã gây nhiều tranh cãi. Sau khi cân nhắc, BTC quyết định cho cả Hồ Ngọc Hân và Bạch Đình Thắng vào thi chung kết. Hồ Ngọc Hân sau đó trở thành nhà vô địch năm thứ 9.

Chung kết Olympia năm 9 có 5 thí sinh tham dự. Ảnh: Vietnamnet.

Trong 20 năm qua, chương trình có tuổi đời lớn nhất của VTV từng không ít lần bị khán giả tố sai sót. Tuy nhiên, kết quả các trận đấu gây tranh cãi đều được giữ nguyên.

Zing từng liên hệ với nhiều cựu thí sinh Olympia về sự việc và nhận được chung một câu trả lời: ban tổ chức đang làm đúng luật.

Theo đó, trước khi cuộc thi bắt đầu, mọi thí sinh đều phải ký vào bản cam kết với chương trình. Tất cả thí sinh và khán giả trong trường quay đều có quyền khiếu nại về câu hỏi, phần trả lời của các nhà leo núi.

Mọi khiếu nại chỉ có hiệu lực trong thời gian ghi hình cuộc thi. Kết quả cuối cùng do ban cố vấn chương trình quyết định. Sau khi chương trình quay xong, mọi kết quả trận đấu sẽ được giữ nguyên.

Thí sinh nên duyên từ Olympia

Đường lên đỉnh Olympia không chỉ là nơi hội tụ các gương mặt trẻ tài năng, mà còn se duyên cho nhiều thí sinh.

Cùng dự thi Olympia năm thứ 3 (2001-2002), Mai Thanh Tiếp (Thanh Hóa) và Nguyễn Thanh Xuân (Cần Thơ, cùng sinh năm 1984) là cặp đầu tiên nên duyên vợ chồng của cộng đồng thí sinh.

Sau 7 năm là bạn thân, 2 năm chính thức ngỏ lời yêu, đám cưới hạnh phúc của hai người diễn ra đầu năm 2010. Hôn lễ này hoàn toàn do cộng đồng Olympia thiết kế, dẫn chương trình và biểu diễn.

Mai Thanh Tiếp và Nguyễn Thanh Xuân là cặp cựu thí sinh đầu tiên được Olympia se duyên. Ảnh: NVCC.

Phạm Văn Thắng (Quảng Trị, năm 2) và Vũ Thị Phương Quỳnh (năm 4) được mệnh danh là cặp “thủ lĩnh ngầm” của Olympia một thời khi thường đứng ra tổ chức các hoạt động ngoài lề cho cộng đồng thí sinh tham dự chương trình. Chuyện tình của họ bắt đầu từ năm 2003 khi VTV tổ chức giao lưu, gặp gỡ cựu thí sinh Olympia.

Ngọc Tân (Quảng Nam, năm 7) và Ngọc Trang (Hà Nội, năm 8) cũng được “bà mối Olympia” se duyên trong lần tham gia Gala 10 năm của chương trình. Chuyện tình của cặp này trải qua nhiều sóng gió vì kẻ Bắc, người Nam. Dù phải yêu xa 5 năm, cả hai vẫn giữ thói quen viết thư tay gửi cho nhau.

Từng là đối thủ của nhau ở cuộc thi tuần thuộc năm thứ 7, Phạm Ngọc Viễn Linh và Cao Minh Thùy Linh nên duyên nhờ tham gia chung đội trong các hoạt động của Gala 7 năm. Cả hai tự nhận chuyện tình của mình có nhiều điểm tương đồng như trùng tên, bằng tuổi, thi chung tuần, bay cùng chuyến hay đều đam mê bóng đá.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/dau-an-cua-duong-len-dinh-olympia-trong-20-nam-post1132583.html