Đạt mục tiêu đổi màu huy chương tại Kỳ thi tay nghề thế giới

Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 diễn ra tại Kazan, Nga, Đoàn Việt Nam đã giành một Huy chương Bạc, đứng thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây cũng là Kỳ thi đạt được mục tiêu đổi màu Huy chương của Đoàn Việt Nam, sau hai lần giành Huy chương Đồng trước đó.

Thí sinh Trương Thế Diệu, áo trắng, giành Huy chương Bạc với nghề Phay CNC nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan (Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

Thí sinh Trương Thế Diệu, áo trắng, giành Huy chương Bạc với nghề Phay CNC nhận hoa chúc mừng của lãnh đạo Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan (Ảnh: Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp).

NDĐT- Tại Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 diễn ra tại Kazan, Nga, Đoàn Việt Nam đã giành một Huy chương Bạc, đứng thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham dự. Đây cũng là Kỳ thi đạt được mục tiêu đổi màu Huy chương của Đoàn Việt Nam, sau hai lần giành Huy chương Đồng trước đó.

Đổi màu Huy chương ở đấu trường nghề thế giới

Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 năm 2019 diễn ra tại Trung tâm Triển lãm quốc tế Kazan Expo, LB Nga, từ ngày 16 đến ngày 28-8. Đây là kỳ thi tay nghề lớn nhất về số lượng nước/vùng lãnh thổ và số lượng người tham dự từ trước đến nay. Hơn 1.300 thí sinh tham dự ở 56 nghề, đến từ 63 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Đoàn Việt Nam tham dự kỳ thi ở 18 nghề với 19 thí sinh. Các nghề dự thi đều là các nghề Việt Nam có thế mạnh trong đào tạo và thực tế sản xuất, được chứng tỏ qua các Kỳ thi tay nghề quốc gia và ASEAN mà Việt Nam tham gia.

Thành tích của Đoàn Việt Nam trong Kỳ thi tay nghề thế giới lần thứ 45 cũng rất khả quan. Chúng ta đã giành được một Huy chương Bạc với nghề Phay CNC của thí sinh Trương Thế Diệu. Tám thí sinh khác thuộc bảy nghề đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc.

Theo xếp hạng, Việt Nam đứng thứ 25/63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Kỳ thi. Trong 63 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia, có 20 nước, vùng lãnh thổ chỉ có chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc, 14 nước và vùng lãnh thổ không có thành tích gì.

Thành tích của Trương Thế Diệu với Huy chương Bạc nghề Phay CNC cũng là thành tích tốt nhất của Đoàn Việt Nam trong ba lần tham dự Kỳ thi tay nghề thế giới gần đây và lần đạt thành tích cao nhất trong bảy lần tham gia từ trước đến nay. Kết quả này có được nhờ sự xã hội hóa mạnh mẽ, sự vào cuộc của các doanh nghiệp với công tác chuẩn bị và tham dự các kỳ thi tay nghề của Việt Nam. Cụ thể, đó là sự hợp tác trong công tác huấn luyện và tham dự Kỳ thi nghề thế giới năm 2019 theo Biên bản ghi nhớ ký giữa Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp và Công ty TNHH Denso Việt Nam.

Tám thí sinh đạt Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc thuộc bảy nghề là Thiết kế kỹ thuật cơ khí - CAD, Cơ điện tử (thi theo đội hai người), Tiện CNC, Công nghệ nước, Công nghệ web, Giải pháp phần mềm CNTT, Xây gạch. Ngoài ra, thí thí sinh Phan Văn Quốc, Nghề tiện CNC giành một giải Best of Nations. Một giải cho thí sinh có tiềm năng thuộc về em Nguyễn Xuân Lực, nghề sơn ô-tô.

Báo cáo nhanh tại lễ đón Đoàn Việt Nam sáng ngày 29-8, TS Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, chia sẻ, Đoàn Việt Nam tham dự với sự chuẩn bị chu đáo, sự quan tâm của các cấp, ngành, các trường, doanh nghiệp, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của toàn đoàn, đặc biệt là các em thí sinh. Đoàn đã vượt qua khó khăn, thách thức, cạnh tranh quyết liệt để đạt được thành tích này. Ông Trương Anh Dũng cũng đánh giá cao vai trò của các tập đoàn, doanh nghiệp như Denso, Samsung… đã cùng phối hợp tổ chức, lựa chọn thí sinh, huấn luyện để tham dự kỳ thi.

Doanh nghiệp và các trường tích cực vào cuộc

TS Trương Anh Dũng cũng nhấn mạnh, đây là lần thứ bảy Việt Nam chính thức dự thi tay nghề thế giới. Đoàn Việt Nam đã có công tác chuẩn bị tốt hơn so với những lần trước về công tác huấn luyện; máy móc trang - thiết bị kỹ thuật cho thí sinh... Mặc dù chúng ta đã đạt nhiều thành tích trong các Kỳ thi tay nghề ASEAN, chuyên gia cũng đã được rèn luyện, đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm trong kỳ thi, nhưng mới ở tầm cỡ khu vực. Ở sân chơi quốc tế, chúng ta còn rất hạn chế.

Thực tế từ Kỳ thi tay nghề thế giới cho thấy, trình độ tay nghề cao chủ yếu tập trung ở các nước phát triển của châu Á và châu Âu. Các nước đã có sự đầu tư lớn cho phát triển nguồn nhân lực nói chung và cho đào tạo nghề nói riêng. Công tác chuẩn bị cho kỳ thi của các nước rất kỹ, thể hiện qua thời gian luyện dài, kinh phí luyện thi đầy đủ. Nhiều quốc gia cử thí sinh ra nước ngoài luyện thi.

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh, kết quả đạt được của Đoàn Việt Nam trong Kỳ thi lần này đến từ nhiều yếu tố. Ngoài sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ của các cấp, các ngành, của cộng đồng và doanh nghiệp, việc huy động các nguồn lực từ xã hội, đặc biệt sự hỗ trợ của các doanh nghiệp, các trường chất lượng cao trong công tác đào tạo và huấn luyện thí sinh rất quan trọng. Thí sinh phải được rèn luyện trên các hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tương đồng với thiết bị sẽ sử dụng ở Kỳ thi tay nghề thế giới.

Một vấn đề nữa là phải tìm kiếm, phát hiện thí sinh có đầy đủ năng lực, phẩm chất, có khả năng phát triển theo nghề để đào tạo, huấn luyện.

Cũng không thể quên vai trò quan trọng của đội ngũ chuyên gia giỏi, có kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh tham gia công tác huấn luyện. Cuối cùng, cần có thời gian huấn luyện dài hơi để thí sinh có thể tiếp cận, làm quen, làm chủ được trang - thiết bị máy móc hiện đại, tự tin trong quá trình thi đấu.

XUÂN ĐỨC

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/41379502-dat-muc-tieu-doi-mau-huy-chuong-tai-ky-thi-tay-nghe-the-gioi.html