Đặt cược lớn vào công nghệ, SoftBank lỗ hơn 23 tỉ đô la
Tập đoàn đầu tư công nghệ SoftBank của Nhật Bản báo cáo khoản lỗ kỷ lục tính theo quí, hơn 23 tỉ đô la sau một đợt đầu tư lớn mà Giám đốc điều hành Masayoshi Son mô tả ông đã hành đông như 'mê sảng' và phải trả giá. Mức lỗ quá lớn buộc SoftBank phải chuyển sang chiến lược phòng thủ bằng cách bán bớt tài sản, cắt giảm chi phí và sa thải nhân sự.
Hôm 8-8, SoftBank công bố kết quả kinh doanh quí kết thúc vào tháng 6 (quí 1 theo năm tài chính của SoftBank) với mức thua lỗ cao nhất trong lịch sử 3,16 ngàn tỉ yen (23,4 tỉ đô la ) do làn sóng bán tháo cổ phiếu công nghệ trên toàn cầu gây tổn thương lớn cho các khoản đầu tư tại Quỹ Tầm nhìn của SoftBank.
Khoản lỗ đầu tư chiếm phần lớn mức lỗ ròng của SoftBank trong quí vừa qua, bên cạnh đó, tập đoàn này cũng ghi nhận khoản lỗ tương đương 6 tỉ đô la do biến động tỉ giá khi đồng yen giảm giá mạnh với đồng đô la.
Chu kỳ tăng tăng lãi suất mạnh mẽ ở Mỹ, chiến dịch chấn chỉnh ngành công nghệ của Trung Quốc và sự suy giảm cơn hưng phấn của giới đầu tư đã khiến mức định giá các khoản đầu tư công nghệ của SoftBank giảm mạnh.
Trong cuộc họp báo hôm qua ở Tokyo, Masayoshi Son đã nêu chi tiết các vấn đề của tập đoàn và những đi bước sai lầm trong danh mục đầu tư của ông, điều bất thường đối với một tỉ phú tự thân, người có xu hướng nhấn mạnh các khía cạnh tích cực. Ông cho biết SoftBank đã bút toán giảm giá trị các khoản đầu tư ở 284 công ty trong danh mục đầu tư trong quí gần nhất, trong khi đó, chỉ có 35 công ty tăng giá trị.
“Khi chúng tôi thu được lợi nhuận lớn, tôi đã trở nên hơi mê sảng, và giờ đây, khi nhìn lại bản thân, tôi khá xấu hổ và hối hận”, Masayoshi Son nói trong cuộc họp báo khi ám chỉ đến các quyết định đầu tư ồ ạt của mình trong ngành công nghệ. Ông cho biết đáng lẽ ra ông phải kén chọn hơn trong chiến lược đầu tư toàn cầu của mình.
Năm ngoái, sau khi nhìn thấy những cơ hội mới trong các lĩnh vực kinh doanh như tài chính và y tế vốn chuyển mình mạnh mẽ trong thời đại dịch bênh, ông đã rót hàng tỉ đô la vào các công ty khởi nghiệp như Công ty “mua trước, trả sau” Klarna Bank của Thụy Điển.
Tính đến ngày 30-6-2022, Quỹ Tầm nhìn 2 của SoftBank đã thực hiện các khoản đầu tư với tổng trị giá 49,65 tỉ đô la, phần lớn trong số đó diễn ra trong thời gian chỉ sáu tháng, từ tháng 4 đến tháng 9 năm ngoái.
Hồi tháng 5 năm nay, khi khoản lỗ từ các khoản đầu tư đó bắt đầu xuất hiện, Masayoshi Son cho biết đang chuyển sang chiến lược phòng thủ.
Hôm 8-8, ông cho biết Quỹ Tầm nhìn của SoftBank chỉ phê duyệt các khoản đầu đầu tư trị giá 600 triệu đô la trong quí vừa qua, giảm so với mức đỉnh điểm 20,6 tỉ đô la vào cùng kỳ năm ngoái. Ông nhấn mạnh sẽ tiếp tục thận trọng, mặc dù sự suy giảm của thị trường có thể khiến một số công ty công nghệ trở thành mục tiêu đầu tư hấp dẫn.
Ông nói: “Bây giờ có vẻ như là thời điểm hoàn hảo để đầu tư khi thị trường chứng khoán đang lao dốc…Nhưng nếu hành động, chúng tôi có thể phải chịu một đòn giáng không thể cứu vãn, và điều đó là không thể chấp nhận được”.
Chiến lược phòng thủ của SoftBank bao gồm quyết định chốt lời từ các khoản đầu tư trước đó, chẳng hạn như khoản đầu tư ở hãng gọi xe Uber. SoftBank cho biết Quỹ Tầm nhìn 1 đã bán toàn bộ cổ phần của Uber với mức lợi nhuận khiêm tốn.
Softbank cho hay đã huy động được 10,5 tỉ đô la trong quí kết thúc vào tháng 6, và sau đó, huy động thêm 6,8 tỉ đô la nữa bằng cách sử dụng cổ phiếu mà Softbank đang nắm giữ ở Tập đoàn thương mại điện tử Alibaba. Softbank gọi đó là các hợp đồng kỳ hạn trả trước, trong đó Softbank nhận tiền mặt trả trước từ các bên cho vay và hứa hẹn sẽ thanh toán sau đó bằng tiền mặt hoặc bằng cổ phiếu của Alibaba.
Masayoshi Son cho biết ông đang xem xét bán thêm tài sản để huy động tiền mặt đồng thời cắt giảm chi phí. Ông tiết lộ SoftBank đã bắt đầu đàm phán để bán Fortress Investment Group, công ty quản lý tài sản của SoftBank. Ngoài ra, tập đoàn này cũng lên kế hoạch sa thải nhân sự.
Masayoshi Son nói: “Tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc cắt giảm một số lượng đáng kể nhân viên tại Quỹ Tầm nhìn”.
Trong những năm qua, Quỹ Tầm nhìn 1 của SoftBank, có tổng trị giá tài sản khoảng 100 tỉ đô la, bao gồm cả tiền đóng góp từ Quỹ đầu tư nhà nước Saudi Arabia, đã làm rung chuyển thế giới khởi nghiệp với quy mô và chiến lược đầu tư quyết liệt của nó. Trong khi đó, tất cả nguồn vốn của Quỹ Tầm nhìn 2 được phân bổ từ SoftBank.
Tính đến năm ngoái, hiệu suất đầu tư vượt kỳ vọng ở hai quỹ Tầm nhìn của SoftBank điều hành dường như đã xác thực cho sự lạc quan và sự quyết liệt của Masayoshi Son trong việc theo đuổi các khoản đầu tư lớn ở ngành công nghệ. Trong quí 4-2021, SoftBank ghi nhận mức lãi ròng 4,99 ngàn tỉ yen (37 tỉ đô la Mỹ), bao gồm khoản lãi ròng hơn 4 ngàn tỉ yen ở các quỹ Tầm nhìn.
Tuy nhiên, hiện nay, Quỹ Tầm nhìn 2 đang thua lỗ khi xem xét các khoản đầu tư vẫn nằm trong bảng cân đối kế toán của nó. SoftBank ước tính giá trị các khoản đầu tư ở quỹ này vào khoảng 37 tỉ đô la tính đến ngày 30-6, thấp hơn 11 tỉ đô la so với số tiền đầu tư ban đầu.
Quỹ Tầm nhìn 2 là quỹ đầu tư công nghệ lớn nhất thế giới, đangnắm giữ cổ phần ở hàng trăm startup công nghệ chưa niêm yết cổ phiếu. Trong khi đó, mức định giá thấp của cổ phiếu công nghệ hiện nay đã cản trở SoftBank chốt lời các khoản đầu tư của Quỹ Tầm nhìn 2 ở các công ty công nghệ đã niêm yết. SoftBank đang có các khoản đầu tư ở các công ty như Công ty thương mại điện tử Coupang (Hàn Quốc), nền tảng giao đồ ăn DoorDash (Mỹ) nhưng giá cổ phiếu của hai công ty này giảm mạnh trong quí vừa qua.
Tại cuộc họp báo hôm qua, Masayoshi Son đã đưa ra bức ảnh vị tướng quân thời phong kiến Nhật Bản Ieyasu Tokugawa với gương mặt trầm tư sau thất bại trong một trận chiến. Đối với những người yêu thích lịch sử Nhật Bản, ý nghĩa của bức tranh rất rõ ràng: Tokugawa đã trở lại sau thất bại và sau đó trở thành tướng quân kiểm soát toàn bộ Nhật Bản.
Theo WSJ, Bloomberg
Khánh Lan