Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Phong trào 'Gió Đại Phong'

'Gió Đại Phong' là hình mẫu điển hình trong phong trào thi đua xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc những năm 1961 - 1965. Cùng với 'Sóng Duyên Hải' trong công nghiệp, 'Cờ Ba Nhất' trong Quân đội, 'Trống Bắc Lý' trong giáo dục, 'Gió Đại Phong' được ví như cơn gió khởi nguồn cho tinh thần thi đua lao động trên mặt trận nông nghiệp, góp phần xây dựng và bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, chi viện cho tiền tuyến miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thành công của Phong trào 'Gió Đại Phong' bắt nguồn từ nhiều nhân tố, trong đó có vai trò quan trọng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương.

1. Cử Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Vị tướng tài ba của Quân đội nhân dân Việt Nam sang chỉ đạo lĩnh vực kinh tế nông nghiệp là quyết định sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh

Đại Phong là vùng đất chiêm trũng thuộc xã Phong Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Đồng ruộng Đại Phong thấp hơn 0,8m so với mực nước biển nên ngập úng, nhiễm mặn thường xuyên, hằng năm chỉ cấy được một vụ, còn lại phải bỏ hoang. Như truyền thống bao đời của người dân Lệ Thủy, nhân dân Đại Phong luôn cần cù, chịu khó, song do tác động của điều kiện tự nhiên, kỹ thuật canh tác lạc hậu, năng suất lúa rất thấp, chỉ đạt từ 18 đến 20 tạ/mẫu. Người dân Đại Phong luôn thiếu lương thực trầm trọng.

Ngay từ giữa năm 1958, Tỉnh ủy Quảng Bình quyết định xây dựng thí điểm một số hợp tác xã để tổng kết, đánh giá và rút kinh nghiệm, nhân rộng xây dựng hợp tác xã ra các địa phương trong tỉnh. Tiếp thu tinh thần chỉ đạo của đảng bộ các cấp, Chi bộ thôn Đại Phong lãnh đạo nhân dân bước đầu thành lập thí điểm 2 hợp tác xã nòng cốt là Mỹ Phước và Hạ Đông I thu được nhiều kết quả tích cực. Trên đà phát triển, tháng 4-1959, Chi bộ Đại Phong quyết định thành lập thêm 5 hợp tác xã, thu hút 65% số hộ nông dân tham gia.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương (ngoài cùng bên phải) cấy lúa cùng bà con xã viên Hợp tác xã Chiến Thắng, xã Lý Ninh, huyện Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình, tháng 1-1962. Ảnh tư liệu

Đến cuối năm 1959, Chi bộ Đại Phong và các hợp tác xã tổ chức tổng kết, rút ra kinh nghiệm, tìm hướng đi cho các hợp tác xã. Qua kinh nghiệm thực tiễn tổ chức, quản lý hợp tác xã 2 năm 1958 - 1959, Chi bộ đề nghị lên lãnh đạo xã, huyện cho hợp nhất các hợp tác xã với quy mô toàn thôn để thuận lợi cho tổ chức sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa. Ngày 22-11-1959, việc hợp nhất hoàn thành, Hợp tác xã Đại Phong thành lập, đánh dấu Đại Phong bước vào thời kỳ mới trong xây dựng hợp tác xã. Đến tháng 8-1960, Đại Phong trở thành hợp tác xã có quy mô lớn nhất huyện Lệ Thủy với 446 hộ nông dân, 2 hộ phú nông, 8 hộ địa chủ, 925 lao động và 2.106 nhân khẩu(1). Sau 4 tháng thành lập, Hợp tác xã Đại Phong khai hoang được gần 200 mẫu, khôi phục trên 90 mẫu ruộng hóa ở đồng sâu, làm được gần 40.000m3 thủy lợi. Diện tích trồng trọt tăng lên 7 sào 9 thước/người(2). Ngoài ra, Hợp tác xã còn đẩy mạnh cải tiến kỹ thuật canh tác, thực hiện phong trào khoanh vùng thủy lợi chống mặn để cấy được hai vụ trong một năm và phát triển nhiều ngành, nghề(3).

Dưới ánh sáng Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng (9-1960), Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ ba đã phân tích tình hình miền Bắc và đề ra phương hướng, nhiệm vụ Kế hoạch Nhà nước năm 1961. Hội nghị rất chú trọng đến những biến chuyển mới của tình hình, nhân tố mới xuất hiện và những yêu cầu mới đang đặt ra do quan hệ sản xuất thay đổi và kết quả khôi phục và xây dựng kinh tế, phát triển văn hóa đem lại.

Đầu năm 1961, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Ủy viên Bộ Chính trị được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh phân công làm Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương. Quyết định điều động một vị tướng Quân đội sang cương vị lãnh đạo cao nhất một ngành kinh tế trọng yếu của đất nước, trực tiếp liên quan tới đời sống, sự đói no của hàng chục triệu đồng bào trong lúc tình hình đất nước gặp nhiều khó khăn thể hiện sự tin tưởng của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Giao nhiệm vụ cho Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: “Phong trào mới nhóm, trầm trầm. Chú hãy cố gắng tìm cho được điển hình tốt, rút kinh nghiệm và phát huy nó lên để đánh tan bầu không khí kém phấn khởi”(4). Đây là quyết định đúng đắn, sáng suốt, thể hiện tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, được chứng minh bởi kết quả hoạt động thực tiễn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

2. Những dấu ấn của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh với Hợp tác xã Đại Phong

Quán triệt chủ trương của Đảng và thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đi sâu nghiên cứu, điều tra nhiều hợp tác xã và tổng kết kinh nghiệm của Hợp tác xã Đại Phong(5). Khi đến Hợp tác xã Đại Phong, Đại tướng kiểm tra toàn bộ quy trình sản xuất nông nghiệp và gợi ý bà con mở thêm các ngành nghề, như: Nung gạch, ngói, vôi; nuôi vịt đàn, lợn nái… Đại tướng động viên bà con xã viên đi khai phá vùng Hác Hải (xã Hồng Thủy, huyện Lệ Thủy) được 50ha để trồng cói, lác làm chiếu… Từ gợi ý của Đại tướng, Hợp tác xã Đại Phong phát triển thêm nhiều ngành nghề và trở thành đơn vị đi đầu trong phong trào cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật, đẩy mạnh sản xuất.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương thăm trại chăn nuôi bò sữa. Ảnh tư liệu

Từ thực tiễn Hợp tác xã Đại Phong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh rút ra nhận xét: Sau khi hợp tác xã mở rộng đến quy mô toàn thôn, những nhân tố mới bắt đầu xuất hiện: Lao động được tập hợp lại thành lực lượng lớn; tiền vốn, ruộng nương, trâu bò, dụng cụ... được tập trung lại thành một khối lớn; tinh thần đoàn kết, phấn đấu của xã viên có khí thế mới. Do có những nhân tố mới, Hợp tác xã có điều kiện để khai hoang hàng trăm hécta đất; đắp đập, khoanh vùng tăng vụ hàng trăm hécta; đưa diện tích bình quân đầu người từ trên 3 sào lên 7 sào Bắc Bộ; phát triển và quản lý được 19 ngành nghề phụ(6).

Về quan hệ sản xuất mới, hợp tác xã Đại Phong đã làm được một số việc quan trọng: a) Về cải tiến kỹ thuật tăng năng suất, Đại Phong tiến bộ khá nhiều so với trước; b) Một tiến bộ rất đáng hoan nghênh của Đại Phong là ruộng gieo cấy bình quân mỗi người từ hơn 2 sào lên đến trên 7 sào; c) Số ngày công lao động trong một năm của mỗi xã viên hợp tác xã Đại Phong đã vượt mức 200 và mỗi công được 2 đồng 10; d) Đời sống xã viên hợp tác xã Đại Phong tăng lên rất rõ rệt; đ) Việc chăn nuôi trâu, bò, lợn ở Đại Phong từ cuối 1919 đến đầu 1960 có sút kém, nhưng nhờ quyết tâm và có nhiều biện pháp khắc phục đã trở lại bình thường; e) Đại Phong rất chú trọng phát triển các ngành, nghề khác để tăng thu nhập cho xã viên, nhưng họ vẫn nắm vững phương châm lấy nông nghiệp là chính(7). Kết quả đó của Đại Phong bắt nguồn từ chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, trực tiếp là sự lãnh đạo sâu sát, cụ thể của Tỉnh ủy Quảng Bình, Huyện ủy Lệ Thủy, tinh thần lao động cần cù, sáng tạo của người dân địa phương và sự chỉ đạo sâu sát của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Ngoài chỉ rõ những nhân tố làm nên thắng lợi bước đầu của Đại Phong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh nêu khẩu hiệu “Phá xiềng ba sào”, đồng thời giúp hợp tác xã quản lý tốt, phân công lao động hợp lý, vừa khuyến khích khai hoang, vừa tăng cường thâm canh tăng vụ phát triển nghề phụ, xã viên đoàn kết một lòng. Theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Hợp tác xã Đại Phong đã làm tốt một số công việc: 1. Hợp tác xã Đại Phong đã quán triệt phương châm lấy nông nghiệp là chính, đồng thời chú trọng các ngành, nghề khác. 2. Đại Phong đã bắt đầu biết làm kế hoạch để quản lý được tốt sản xuất, lao động, tài vụ. 3. Trong lúc làm kế hoạch, Hợp tác xã Đại Phong không máy móc tách rời kế hoạch của hợp tác xã và hoàn cảnh của gia đình xã viên và xây dựng kế hoạch theo tinh thần tích cực. 4. Đại Phong nắm tương đối khá cả chất lượng và số lượng lao động trong toàn thôn, sử dụng khá cao sức lao động. 5. Kinh nghiệm nổi bật nhất về cách quản lý lao động của Hợp tác xã Đại Phong là biết vận dụng nguyên tắc phân phối xã hội chủ nghĩa, tránh được chủ nghĩa bình quân, đồng thời chú trọng đoàn kết tương trợ. 6. Đại Phong quản lý tài vụ tương đối tốt(8).

Thành công của Đại Phong, theo Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, một nguyên nhân quan trọng là Chi bộ Đại Phong đã nắm vững và vận dụng linh hoạt, sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng vào công tác tổ chức, công tác quản lý hợp tác xã (quản lý sản xuất, lao động, tài vụ)(9). Về công tác lãnh đạo của Chi bộ Đại Phong: 1. Chi bộ có phương hướng lãnh đạo đúng. 2. Về mặt tổ chức, Chi bộ Đại Phong chuyển biến kịp thời khi hợp nhất các hợp tác xã trong thôn lên quy mô toàn thôn. 3. Về tác phong, Chi bộ Đại Phong có cố gắng lớn là đi sâu vào kế hoạch cụ thể về sản xuất, lao động, tài vụ, tổ chức đời sống vật chất, tinh thần cho xã viên. 4. Tư tưởng Chi bộ Đại Phong bắt đầu thoát khỏi cái khung chật hẹp của sản xuất riêng lẻ. 5. Cán bộ có tác dụng quyết định(10).

3. Sự lan tỏa của Phong trào “Gió Đại Phong” dưới sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh

Với thành tích vượt bậc đạt được trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp, Hợp tác xã Đại Phong trở thành mô hình kiểu mẫu lan tỏa ra toàn tỉnh Quảng Bình và nhiều địa phương miền Bắc. Ngày 26-2-1961, Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp tổ chức Hội nghị tại Hợp tác xã Đại Phong nhằm đánh giá kết quả phong trào hợp tác hóa của Đại Phong và đưa phong trào thi đua lên thành cao trào ở miền Bắc. Sau Hội nghị, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh viết bài “Hoan nghênh Hợp tác xã Đại Phong!” đăng Báo Nhân Dân từ ngày 26 đến 28-2-1961. Trong tháng 2-1961, Ban Nông nghiệp Trung ương và Bộ Nông nghiệp mở Cuộc vận động trong nông nghiệp về phong trào thi đua “Học tập, tiến kịp và vượt hợp tác xã Đại Phong” trên miền Bắc. Những đợt thi đua “Xây dựng tổ khoa học kỹ thuật Đại Phong”, “Đội sản xuất Đại Phong”, “Xã viên Đại Phong”, “Trai Đại Phong, gái Đại Phong”... diễn ra khắp các địa phương. Đại Phong lúc này trở thành hình mẫu, lá cờ đầu trong nông nghiệp, gây tiếng vang lớn, thu hút nhiều đoàn cán bộ trong nước và quốc tế (khoảng 19 tỉnh và hàng nghìn hợp tác xã trong nước; 32 đoàn quốc tế) đến tham quan và học tập. Các đoàn tỉnh bạn, các đoàn quốc tế đều bày tỏ sự khâm phục, ngưỡng mộ về tinh thần lao động cần cù, sáng tạo, bản lĩnh của cán bộ, xã viên hợp tác xã, quyết tâm áp dụng cung cách làm ăn của Đại Phong tại địa phương mình. Từ cái nôi của phong trào, các hợp tác xã khác toàn miền Bắc đã giao ước thi đua học tập, đuổi kịp và vượt “Gió Đại Phong”, tỏ rõ sức mạnh to lớn của nông dân nước ta trên con đường hợp tác hóa, xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc, đem lại những thành tựu to lớn về phát triển hợp tác xã và sản xuất nông nghiệp.

Đồng chí Nguyễn Chí Thanh nói chuyện với các đại biểu nông dân về công tác quản lý hợp tác xã nông nghiệp (năm 1957). Ảnh tư liệu

Để khích lệ Phong trào “Gió Đại Phong”, ngày 20-3-1961, Hợp tác xã được Bác Hồ gửi tặng chiếc máy cày. Đại tướng Nguyễn Chí Thanh trực tiếp hướng dẫn nhân dân cách sử dụng tại vùng biển Tiến (xã Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy). Từ vùng đất này, Hợp tác xã Đại Phong khai hoang được gần 200ha đất trồng chè xanh, mía, khoai, sắn. Địa danh lịch sử này được Nhạc sĩ Hoàng Vân thể hiện bằng những giai điệu mượt mà, giàu cảm xúc trong bài hát “Quảng Bình quê ta ơi” nổi tiếng: “Có ai về Đại Phong, xin vô ghé thăm vùng bến Tiến/ Tay cuốc khoai hoang đã đẩy lùi quá khứ nghèo nàn…”. Trong những tháng ngày ở Đại Phong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã chia sẻ những ngọt bùi, vất vả với bà con địa phương. Hình ảnh vị Đại tướng đầu đội nón lá, mặc áo tơi, lội ruộng cấy lúa, tát nước, hát đối đáp hò khoan Lệ Thủy mãi in đậm trong tâm trí người dân nơi đây.

Ngày 15-4-1961, với bút danh T.L, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài “Phong trào Đại Phong” đăng trên Báo Nhân Dân, trong đó nêu rõ: “Từ ngày đồng chí Nguyễn Chí Thanh nêu những ưu điểm và tiến bộ của Hợp tác xã Đại Phong, đến nay chưa đầy hai tháng, mà khắp cả miền Bắc đã có ngót 1.000 hợp tác xã nhận thi đua: Học tập Đại Phong, đuổi kịp Đại Phong, vượt quá Đại Phong. Đó là một phong trào rất tốt và rất mạnh mẽ, nó chứng tỏ tinh thần hăng hái, lực lượng to lớn và khả năng dồi dào của đồng bào nông dân ta”(11). Trong bài báo, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn phải học tập những ưu điểm Đại Phong một cách sáng tạo về các nội dung chủ yếu, như: Củng cố hợp tác xã, chuẩn bị tốt điều kiện, rồi mới mở rộng thành quy mô to; giáo dục cho mỗi xã viên thấm nhuần tinh thần làm chủ hợp tác xã; mỗi cán bộ có tinh thần chí công vô tư; chi bộ phải lãnh đạo chặt chẽ; đảng viên và đoàn viên thanh niên phải làm gương mẫu, làm đầu tàu trong mọi công việc; cán bộ và xã viên đoàn kết chặt chẽ, đồng tâm nhất trí, phấn khởi thực hiện: Cần kiệm xây dựng hợp tác xã, kế hoạch sản xuất phải toàn diện; các tỉnh ủy và huyện ủy cần lãnh đạo các hợp tác xã một cách chặt chẽ và toàn diện thì phong trào sẽ tiến nhanh, tiến mạnh và tiến vững chắc, do đó kế hoạch sản xuất nông nghiệp chắc chắn sẽ hoàn thành và hoàn thành vượt mức(12).

Quán triệt sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là sự chỉ đạo của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, để thúc đẩy phong trào “Gió Đại Phong” đi vào chiều sâu và nâng lên tầm cao mới, ngày 25-10-1961, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Bình ban hành Chỉ thị số 27-CT/QB về việc phát động chiến dịch “Phất cờ Đại Phong”, đẩy mạnh Đông Xuân (1961 - 1962), tiến quân 6 tốt”. Cùng với đó, Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Bình hướng dẫn thực hiện Cuộc vận động thi đua “Phấn đấu trở thành trai gái Đại Phong” của Trung ương Đoàn Thanh niên phát động và mở đợt thi đua mới trở thành “Trai - gái Đại Phong”. Đợt thi đua phát động được các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hưởng ứng. Đợt đầu toàn tỉnh lựa chọn và xác nhận được 3.000 thanh niên đạt chuẩn “Trai - gái Đại Phong”.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, tại Đại hội Liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ ba tại Hà Nội (từ ngày 4 đến 6-5-1962), Hợp tác xã Đại Phong được Hội đồng Chính phủ tuyên dương: Thành tích của phong trào Đại Phong tỏ rõ sức mạnh to lớn của nông dân ta, tỏ rõ tính hơn hẳn của kinh tế tập thể so với kinh tế cá thể. Dựa vào quan hệ sản xuất mới, nông dân ta đang hăng hái thi đua phát triển sản xuất nông nghiệp, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, tấn công vào nghèo nàn, lạc hậu, xây dựng đời sống no ấm, hạnh phúc. Do đó, mối quan hệ nhất trí giữa nông dân tập thể với Nhà nước và khối liên minh công nông ngày càng được xây dựng. Hợp tác xã Đại Phong được Hội đồng Chính phủ trao tặng danh hiệu Lá cờ đầu trong phong trào hợp tác hóa nông nghiệp toàn miền Bắc.

Từ đầu năm 1961 đến giữa năm 1964, trên cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố, đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, phát triển sản xuất nông nghiệp. Phong trào “Gió Đại Phong” do Đại tướng trực tiếp chỉ đạo trở thành một hình mẫu về phát triển nông nghiệp, tạo nên “luồng gió mới” trên đồng ruộng Việt Nam những năm kháng chiến chống Mỹ, để lại dấu ấn không thể phai mờ về phong cách, khả năng tổ chức và lãnh đạo phong trào thi đua của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh.

Trong công cuộc đổi mới hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam đã tiến những bước dài về năng suất, sản lượng, cơ cấu mùa vụ và cơ cấu cây trồng, trình độ canh tác, dựa trên cơ sở của sự chuyển đổi cơ chế quản lý và mô hình tổ chức sản xuất. Quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo đường lối của Đảng đã và đang diễn ra nhanh chóng, làm chuyển biến nền nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn và cải thiện đời sống về mọi mặt của nông dân. Tuy nhiên, những khó khăn, bất cập, hạn chế, yếu kém cũng xuất hiện ở nhiều nơi, nhiều vùng miền. Trước thực tiễn đó, những vấn đề được đúc kết từ cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, đặc biệt là giai đoạn đồng chí giữ cương vị Trưởng ban Công tác nông thôn Trung ương, trực tiếp chỉ đạo Phong trào “Gió Đại Phong” vẫn vẹn nguyên giá trị, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2045, nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao như Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định.

TS ĐẶNG KIM OANH - Tổng Biên tập Tạp chí Lịch sử Đảng

--------------------------

(1) Báo Nhân Dân, Số 2539, ngày 3/3/1961.

(2) Đặng Phong (chủ biên), Lịch sử kinh tế Việt Nam 1945 - 2000, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, năm xb, tr.298.

(3) Cuối năm 1960, Hợp tác xã Đại Phong có 26 ngành nghề.

(4) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2009, tr.22.

(5) Ngoài Hợp tác xã Đại Phong, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh còn nghiên cứu nhiều hợp tác xã khác: Hợp tác xã Hà Xá, xã Đại Hưng, huyện Mỹ Đức và Hợp tác xã Hà Hồi, xã Tân Lập, huyện Đan Phượng, tỉnh Hà Tây (cũ).

(6) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.496 - 497.

(7) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.509.

(8) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.511 - 518.

(9) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.519 - 520.

(10) Đại tướng Nguyễn Chí Thanh - Tổng tập, Sđd, tr.521 - 522.

(11) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.113.

(12) Hồ Chí Minh toàn tập, tập 13, Sđd, tr.113 - 114.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/tuong-linh-viet-nam/dai-tuong-nguyen-chi-thanh-voi-phong-trao-gio-dai-phong-758581