Đại tướng Chu Huy Mân: Người cộng sản kiên trung, mẫu mực

Bằng hành động thực tiễn, Đại tướng Chu Huy Mân đã nêu một tấm gương sáng về lòng quả cảm, đức hy sinh, tinh thần cách mạng sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.

Trong các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả, cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Đại tướng Chu Huy Mân luôn trực tiếp xông pha ngoài chiến trường. Cuộc đời, sự nghiệp của đồng chí là tấm gương đạo đức cao đẹp của người cán bộ cách mạng hết lòng vì nước, vì dân.

Tấm gương sáng về lòng quả cảm

Đồng chí Chu Huy Mân, tên khai sinh là Chu Văn Điều, sinh ngày 17/3/1913 tại xã Yên Lưu, tổng Yên Trường, phủ Hưng Nguyên (nay là xã Hưng Hòa, TP Vinh, tỉnh Nghệ An), mảnh đất địa linh, nhân kiệt, giàu truyền thống văn hiến, yêu nước và đấu tranh cách mạng.

Năm 1929, Chu Văn Điều tham gia cuộc mít tinh lớn của xã; trong cao trào cách mạng 1930 - 1931, được cử làm Đội phó Đội Tự vệ Đỏ; tháng 11/1930, được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong cuộc “khủng bố trắng” của thực dân Pháp tháng 6/1931, Chu Văn Điều bị địch bắt. Sau nhiều ngày tra tấn dã man nhưng không khuất phục được ý chí quyết không “quy thuận” của Chu Văn Điều, địch buộc phải thả anh. Năm 1933, đồng chí được cử làm Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu; tháng 5/1935, đồng chí đổi tên thành Chu Huy Mân với ý nghĩa là “ngọc sáng”; năm 1936, là Bí thư Huyện ủy Hưng Nguyên. Từ năm 1937 - 1940, đồng chí bị thực dân Pháp bắt giam nhiều lần ở nhà lao Vinh, đến năm 1940 bị đưa đi giam ở Đắc Glei rồi Đắc Tô, Kon Tum.

Đại tướng Chu Huy Mân nói chuyện với các nữ dân quân dân tộc Tày ở Lạng Sơn (năm 1984). Ảnh tư liệu.

Năm 1943, đồng chí Chu Huy Mân vượt ngục, tiếp tục hoạt động cách mạng, rồi tham gia Ban Việt Minh tỉnh và Tỉnh ủy Quảng Nam; đầu tháng 8/1945, tham gia Ban Thường trực Ủy ban bạo động tỉnh Quảng Nam. Cách mạng tháng 8/1945 thành công, đồng chí được bầu làm Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; tháng 9/1945, đồng chí vào quân đội và được phân công làm Chính trị viên Chi đội (Tỉnh đội). Sau một thời gian ổn định tình hình, Xứ ủy Trung Kỳ điều động đồng chí ra Huế giao trọng trách Chủ tịch Ủy ban Quân chính Khu C, gồm các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam.

Từ cuối năm 1946 đến tháng 5/1951, đồng chí được giao giữ nhiều chức vụ quan trọng của quân đội: Trưởng ban Kiểm tra Đảng, Quân khu ủy viên Khu Việt Bắc; Trung đoàn trưởng kiêm Bí thư Trung đoàn ủy Trung đoàn 72, Trung đoàn 74 Cao Bằng và Trung đoàn 174 Cao - Bắc - Lạng (1947 - 1949), trực tiếp chỉ huy Trung đoàn 72 tham gia Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, chỉ huy Trung đoàn 74 sang giúp cách mạng Trung Quốc đánh quân Tưởng (1948 - 1949)...

Từ năm 1954 - 1961, đồng chí Chu Huy Mân được giao đảm nhiệm các chức vụ: Đoàn trưởng Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam tại Lào (tháng 8/1954 – 5/1957; tháng 8 – 12/1957 và 1959 – 1960); rồi làm Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Quân khu 4 (năm 1961). Năm 1962, đồng chí được cử đi học tại Học viện Quân sự Phơ-run-de (Liên Xô). Tháng 9/1963, được Trung ương Đảng điều vào chiến trường Quân khu 5 và giữ các chức vụ: Trưởng đoàn Kiểm tra của Đảng ủy Quân sự Trung ương nghiên cứu công việc của Quân khu 5; Phó Bí thư Khu ủy rồi Bí thư Quân khu ủy, Chính ủy Quân khu 5…

Tháng 3/1977 - 12/1986, đồng chí đảm nhiệm chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, Phó Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương, Trưởng ban Kiểm tra Đảng ủy Quân sự Trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước tháng 7/1981. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ III (năm 1960), đồng chí được bầu là Ủy viên BCH Trung ương Đảng. Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (năm 1976) và Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V (năm 1982), đồng chí được bầu lại vào BCH Trung ương Đảng, được Trung ương bầu vào Bộ Chính trị. Đồng chí là Đại biểu Quốc hội khóa II, VI, VII. Tháng 12/1986, đồng chí nghỉ công tác. Ngày 1/7/2006, đồng chí từ trần, hưởng thọ 93 tuổi.

Vị tướng đức độ, tài cao

Ngay từ những năm tháng đầu tiên tham gia cách mạng, đồng chí Chu Huy Mân đã gắn bó với lực lượng vũ trang. Vận dụng đường lối, nghệ thuật quân sự của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng chí luôn sâu sát thực tiễn chiến trường, tổng kết, đúc rút, đề ra những phương châm, phương pháp tác chiến phù hợp, qua đó không ngừng trưởng thành trong thực tiễn chiến tranh cách mạng giải phóng dân tộc và trở thành một nhà quân sự tài năng. Tài thao lược của đồng chí gắn liền với nhiều chiến công vang dội của quân và dân ta trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.

Trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đồng chí Chu Huy Mân đã lãnh đạo Đội Tự vệ Đỏ đẩy mạnh đấu tranh bảo vệ chính quyền cách mạng. Trên cương vị Bí thư Chi bộ xã Yên Lưu, đồng chí đã trực tiếp lãnh đạo phục hồi sau “khủng bố trắng” của thực dân Pháp (1933 - 1935) và tích cực tham gia các hoạt động trong phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ trong giai đoạn 1936 - 1939, xây dựng cơ sở và lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân nhà máy xe lửa Trường Thi, tạo được tiếng vang lớn, góp phần lan tỏa, thúc đẩy phong trào đấu tranh của công nhân ở nhiều địa phương.

Đại tướng Chu Huy Mân, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thăm, chúc Tết cán bộ, chiến sĩ Đoàn Không quân Thăng Long nhân dịp Tết Nguyên đán Giáp Tý (1984). Ảnh tư liệu.

Trong giai đoạn 1937 - 1942, đồng chí Chu Huy Mân nhiều lần bị địch bắt, giam cầm, đánh đập, tra tấn dã man và đưa đến nhiều nhà lao. Trong chốn lao tù, đồng chí luôn giữ vững khí tiết của một người cộng sản kiên trung; tham gia lãnh đạo cuộc đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù đế quốc, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Trong Chiến dịch Việt Bắc - Thu Đông 1947, trên cương vị Trung đoàn trưởng Trung đoàn 72, đồng chí đã phối hợp với chính quyền tỉnh Bắc Kạn chủ động chuẩn bị về mọi mặt, tổ chức đánh địch nhiều trận giành thắng lợi, góp phần buộc quân Pháp phải rút khỏi Bắc Kạn. Năm 1950, đồng chí đã chỉ huy Trung đoàn 174 tham gia đánh trận then chốt Đông Khê và giành thắng lợi trong Chiến dịch Biên giới.

Ngày 01/5/1951, đại đoàn 316 được thành lập. Đồng chí Chu Huy Mân được phân công giữ các chức Phó Chính ủy, Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Đại đoàn. Đồng chí đã cùng tập thể lãnh đạo, chỉ huy Đại đoàn tham gia nhiều chiến dịch, từ Bắc Giang đến Hòa Bình, Tây Bắc, Thượng Lào, đánh thắng nhiều trận, tiêu biểu là tiến công cứ điểm Đồi A1, cứ điểm C1, C2 trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Quán triệt tư tưởng quân sự của Chủ tịch Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về chiến tranh nhân dân vào thực tiễn chiến trường; với tài năng quân sự và nhãn quan chính trị sắc sảo, đồng chí luôn có những dự đoán và phát hiện những vấn đề nảy sinh trên chiến trường để xác định cách đánh phù hợp. Đồng chí đã chỉ đạo lực lượng vũ trang tích cực thực hiện phương châm kết hợp đấu tranh quân sự với đấu tranh chính trị, đánh địch bằng hai chân, ba mũi giáp công trên cả ba vùng chiến lược. Đồng chí luôn bám sát thực tế chiến trường để kịp thời hướng dẫn, chỉ thị cho các đơn vị, địa phương tăng cường phối hợp chiến đấu. Nghệ thuật quân sự, đặc biệt là nghệ thuật chiến dịch tổng hợp gồm hai lực lượng: Chính trị (đấu tranh chính trị, binh vận), quân sự (ba thứ quân) là một trong những phát triển sáng tạo, độc đáo, nổi bật của chiến tranh cách mạng Việt Nam và của quân dân Khu 5, trong đó có sự đóng góp của đồng chí Chu Huy Mân.

Trong kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Chu Huy Mân đã cùng tập thể Khu ủy, Quân khu ủy và Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lãnh đạo quân và dân ta lần lượt đánh bại các chiến lược, chiến thuật của địch. Khu 5 là địa phương “đi đầu diệt Mỹ” với những chiến công vang dội, như Núi Thành, Vạn Tường, Plei Me - Ia Đrăng. Đây cũng là chiến trường đồng chí đã tham gia chỉ đạo xây dựng thành công “vành đai diệt Mỹ” - một hình thức đánh giặc độc đáo, sáng tạo của chiến tranh nhân dân Việt Nam; chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các chiến dịch tiến công tổng hợp Ba Gia (1965), Sa Thầy (1966), Tết Mậu Thân (1968), chiến dịch Huế, Đà Nẵng (1975)..., góp phần cùng quân dân cả nước “Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Chu Huy Mân luôn đặt lợi ích của Tổ quốc, của Đảng lên trên lợi ích cá nhân; suốt đời cống hiến vì sự nghiệp cách mạng, thực sự “cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư”, không lùi bước trước khó khăn, thử thách, luôn có mặt ở những nơi nguy hiểm, khó khăn nhất, chung lưng, đấu cật với đồng chí, đồng đội, hết lòng phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân dân.

Nguyễn Hưởng (tổng hợp)

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/quoc-phong/401203/da-i-tuo-ng-chu-huy-man-nguoi-cong-san-kien-trung-mau-muc.html