Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga - Nhà ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ và nhiệt huyết trong tôi

Được tin Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga qua đời, tôi thật sự bàng hoàng và đau xót. Dù biết chị đã chiến đấu với bệnh tật trong một thời gian dài, tôi vẫn không thể tin ngày này đến nhanh đến vậy. Cảm giác như một khoảng trống lớn vừa mở ra trong trái tim và ký ức của những người từng làm việc và gắn bó với chị.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga công tác tại Indonesia tháng 8/2016. (Ảnh TGCC)

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga công tác tại Indonesia tháng 8/2016. (Ảnh TGCC)

Trong suốt sự nghiệp ngoại giao, chị để lại những dấu ấn không thể phai mờ – từ các cuộc đàm phán quốc tế cho đến những chiến lược hội nhập vĩ mô của đất nước. Nhưng trên tất cả, chị để lại trong lòng đồng nghiệp sự kính trọng và ngưỡng mộ về phẩm chất một nhà ngoại giao bản lĩnh, trí tuệ, nghiêm túc kỷ luật, đầy năng lượng sáng tạo và luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết.

Hôm nay, khi viết những dòng này, tôi không chỉ tưởng nhớ đến chị, mà còn muốn kể lại một kỷ niệm mà tôi vẫn nhớ như in, như thể sự kiện ấy vừa diễn ra hôm qua. Đó là một buổi chiều tháng Tám ở Jakarta, khi tôi đang giữ cương vị Đại sứ Việt Nam tại Indonesia và có cơ hội đồng hành cùng chị trong một sự kiện chưa từng có tiền lệ.

Bối cảnh và cơ duyên

Ngày 10/8/2016, Jakarta rực nắng, nhưng bên trong trụ sở Bộ Ngoại giao Indonesia, bầu không khí chính trị và kinh tế nóng hơn bao giờ hết. Khi ấy, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang là chủ đề trọng tâm của khu vực. Thế giới theo dõi từng động thái của ASEAN và Indonesia được kỳ vọng sẽ tham gia, nhưng nội bộ nước này vẫn còn nhiều tranh luận gay gắt.

Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao Indonesia thông qua Đại sứ quán Việt Nam tại Indonesia muốn mời một đoàn nước ta sang chia sẻ kinh nghiệm đàm phán tham gia TPP. Qua đề nghị của tôi, Việt Nam quyết định cử một đoàn công tác sang Indonesia để chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm về TPP, với mục tiêu tạo sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau.

Người được chọn làm diễn giả chính cho buổi đối thoại cấp cao với Bộ Ngoại giao Indonesia là Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – một nhà ngoại giao mà tôi luôn ngưỡng mộ về tầm nhìn và khả năng truyền đạt các ý tưởng chiến lược một cách mạch lạc, dễ hiểu.

Ngay khi nhận thông báo chị sẽ sang, tôi hiểu đây không chỉ là một cuộc trao đổi, mà là cơ hội để Việt Nam khẳng định vị thế tiên phong và tư duy chủ động trong hội nhập. Tôi nói với anh em trong Đại sứ quán: “Chúng ta phải chuẩn bị sự kiện này thật chỉn chu, vì nó sẽ là dấu ấn đối ngoại của Việt Nam tại Indonesia”.

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga làm việc tại Bộ Ngoại giao Indonesia tháng 8/2016. (Ảnh NVCC)

Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga làm việc tại Bộ Ngoại giao Indonesia tháng 8/2016. (Ảnh NVCC)

Sự kiện chưa từng có tiền lệ

Đó là lần đầu tiên trong lịch sử hợp tác song phương mà Bộ Ngoại giao Indonesia tổ chức hai phiên làm việc cho một diễn giả Việt Nam: Một phiên kín cho lãnh đạo cấp cao và một buổi đối thoại mở với công chúng, báo chí và giới học giả.

Ngày hôm ấy, hội trường lớn của KEMLU (Bộ Ngoại giao Indonesia) chật kín với hơn 200 người tham dự, trong đó có 3 Tổng Vụ trưởng (tương đương Thứ trưởng), gần 20 Vụ trưởng, đại diện 19 bộ, ngành Indonesia, các nhà ngoại giao, phóng viên và sinh viên đến từ nhiều trường đại học. Ghế VIP đặt ngay trung tâm. Khi chị bước lên bục, cả khán phòng lặng đi trong giây lát rồi vang lên những tràng pháo tay dài.

Tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh chị Nguyệt Nga trong bộ vest màu hồng sáng, nét mặt rạng rỡ nhưng đầy sự tập trung. Chị mở đầu bằng một lời chào trang trọng nhưng gần gũi, sau đó đi thẳng vào vấn đề: Tại sao TPP không chỉ là một hiệp định thương mại, mà là “một bước ngoặt chiến lược để ASEAN nâng cấp vai trò trung tâm”?.

Từng chứng kiến nhiều bài thuyết trình ngoại giao, nhưng hôm ấy, tôi thực sự bị cuốn hút bởi cách chị phân tích. Không đọc diễn văn khô khan, chị nói chuyện như một người bạn đồng hành, kết hợp giữa tầm nhìn vĩ mô và dẫn chứng cụ thể.

Chị nhấn mạnh: “Hội nhập không phải là cuộc chơi ngắn hạn về lợi ích thương mại. Đó là chiến lược dài hạn để bảo đảm ASEAN giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực đang biến động”.

Câu nói ấy vẫn vang vọng trong tôi đến bây giờ. Chị khẳng định Việt Nam và Indonesia – hai nền kinh tế lớn của ASEAN – phải cùng nhau định hình luật chơi, thay vì chỉ phản ứng với biến động.

Phần hỏi đáp là một minh chứng về bản lĩnh của chị. Câu hỏi từ học giả Indonesia: “Liệu TPP có làm suy yếu ASEAN không?”. Chị mỉm cười, trả lời nhẹ nhàng nhưng đầy sức thuyết phục: “TPP không phải là thách thức cho ASEAN, mà là cơ hội để ASEAN nâng cấp chính mình”.

Cả khán phòng vang dậy tiếng vỗ tay. Tôi thấy ánh mắt nhiều quan chức Indonesia đầy thiện cảm và thán phục.

Thành công vang dội và dấu ấn truyền thông

Hôm sau, truyền thông Indonesia đồng loạt đưa tin về sự kiện. Tôi đọc từng bài báo mà lòng đầy tự hào. The Jakarta Post chạy dòng tít nổi bật: “Indonesia được kêu gọi tham gia hiệp định TPP quy mô lớn”, nhấn mạnh thông điệp Việt Nam chia sẻ kinh nghiệm và khuyến nghị Indonesia gia nhập TPP để tăng sức cạnh tranh.

MetroTV News viết: “Việt Nam thúc đẩy Indonesia tham gia TPP”, dẫn lời chị Nguyệt Nga:

“Indonesia cần đi đầu để ASEAN tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực.”

Các tờ báo khác như Harnas, Warta Ekonomi đều ca ngợi phần trình bày của Việt Nam, đánh giá TPP sẽ mang lại lợi ích chiến lược và kinh tế cho Indonesia. Nhiều học giả còn bình luận trên mạng xã hội: “Đây là một trong những bài thuyết trình đối ngoại ấn tượng nhất tại KEMLU năm 2016.”

Đối với tôi, sự kiện này không chỉ là thành công về mặt đối ngoại mà còn là minh chứng cho trí tuệ và phong cách của một nhà ngoại giao Việt Nam tiêu biểu – Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga.

Một tấm gương cống hiến trọn đời

Nhìn lại kỷ niệm ấy, tôi càng thấm thía giá trị của sự chuẩn bị kỹ lưỡng, ý thức kỷ luật và tầm nhìn chiến lược – những điều chị luôn đặt lên hàng đầu. Chị không chỉ là người đàm phán giỏi, mà còn là người truyền cảm hứng, mở đường cho thế hệ ngoại giao trẻ.

Chị ra đi để lại khoảng trống lớn cho ngành, nhưng những gì chị cống hiến sẽ còn mãi. Với riêng tôi, hình ảnh chị trên bục phát biểu hôm ấy, phía sau là hai lá cờ Việt Nam – Indonesia, vẫn sáng rõ trong tâm trí: một người phụ nữ Việt Nam bản lĩnh, trí tuệ, đĩnh đạc, đại diện cho sức mạnh mềm của đất nước.

Lời tiễn biệt

Xin vĩnh biệt chị – Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga, người đồng nghiệp, người chị mà tôi vô cùng kính trọng. Viết những dòng này, tôi vẫn nghe vang vọng tiếng vỗ tay của hội trường Jakarta năm ấy. Kỷ niệm đó không chỉ là một trang đẹp trong quan hệ Việt Nam – Indonesia, mà còn là minh chứng cho một cuộc đời cống hiến của chị.

Chị đã sống trọn vẹn với lý tưởng ngoại giao, và ra đi như một biểu tượng. Với tôi, hình ảnh ấy sẽ mãi là động lực, nhắc nhở rằng tri thức, tầm nhìn rộng mở và trái tim vì Tổ quốc chính là chìa khóa để đưa ánh hướng và tầm vóc ngoại giao Việt Nam vươn xa.

Xin vĩnh biệt chị!

San Francisco, 17/7/2025

Hoàng Anh Tuấn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-nguyen-nguyet-nga-nha-ngoai-giao-ban-linh-tri-tue-va-nhiet-huyet-trong-toi-321313.html