Đại sứ Giorgio Aliberti: Việt Nam sẽ thu hút FDI mạnh mẽ hơn

'Năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế vượt bậc, khi các dòng đầu tư đang bị đóng băng bởi Covid-19 được nối lại', Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti đã nhận định như vậy trong buổi trò chuyện với TG&VN.

Ðại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Giorgio Aliberti.

Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và EU (EVFTA) sau năm tháng đi vào thực thi đã mang đến nhiều “trái ngọt”. Đánh giá của ông về kết quả này?

EVFTA ra đời trong bối cảnh thế giới gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Thế giới không ở trong trạng thái bình thường và tình hình kinh tế thế giới nói chung đang chịu tác động nghiêm trọng bởi Covid-19.

Kể từ khi đi vào thực thi, EVFTA mang đến những tín hiệu rất tích cực, đáng ghi nhận. Cụ thể, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và EU 10 tháng năm 2020 ước tính đạt 40,7 tỷ USD, giảm 1% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó, xuất khẩu đạt 28,9 tỷ USD, giảm 3%; nhập khẩu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 4,2%.

EVFTA đã bước đầu gặt hái được “trái ngọt”, đó là xóa bỏ thuế quan ngay lập tức đối với mặt hàng quan trọng như sản phẩm tôm, nông sản, gạo, ngô ngọt, tỏi, nấm, cá ngừ,… Nhiều mặt hàng của Việt Nam ngay lập tức được hưởng lợi từ EVFTA. Thêm vào đó, các máy móc thiết bị của EU cũng được xuất khẩu sang Việt Nam nhiều hơn.

Không chỉ thế, việc cải thiện tiếp cận thị trường EU, ví dụ điển hình là tôm, chỉ một tháng sau khi EVFTA đi vào thực thi, xuất khẩu tôm sang EU tăng 16%, xuất khẩu thủy sản tính đến tháng 10 đã tăng 10%, bất chấp đại dịch Covid-19.

EVFTA là một hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, vì vậy, khi nhìn vào bản chất, hiệp định này sẽ không mang lại lợi ích ngay trong ngắn hạn mà nên nhìn vào dài hạn. Tôi tin rằng, về dài hạn, Việt Nam và EU sẽ gặt hái được tối đa những ưu đãi trong hiệp định lịch sử này.

“Năm 2020 đặc biệt khó khăn vì Covid-19. Việc tôi ở đây được coi là may mắn ‘xa xỉ’, khi so sánh với châu Âu và các quốc gia khác trên thế giới, vì dịch đã được kiểm soát ở Việt Nam. Nhìn lại 12 tháng qua, tôi nghĩ Việt Nam đã trở thành ví dụ tốt về đối phó với đại dịch” (Đại sứ Giorgio Aliberti)

Không chỉ mang đến lợi ích cho xuất nhập khẩu, EVFTA còn được kỳ vọng sẽ kích hoạt làn sóng thu hút đầu tư trực tiếp (FDI) từ EU vào Việt Nam. Đâu là những lợi thế của Việt Nam trong quá trình thu hút FDI từ EU, thưa ông?

Đúng như câu hỏi của bạn, về EVFTA, chúng ta cần có cái nhìn tổng quát hơn. Hiệp định này không chỉ mang đến lợi ích giảm thuế về thương mại mà hãy coi nó như nền tảng mang lại lợi ích lớn hơn từ góc độ thu hút đầu tư.

Về lợi thế, nếu trong vai trò là CEO của một tập đoàn từ EU, tôi sẽ nhìn vào vấn đề dòng chảy thương mại của Việt Nam đang diễn ra như thế nào, có nhiều trao đổi thương mại không? Và việc trao đổi thương mại tích cực sẽ là cơ sở để đưa ra quyết định có đầu tư tại Việt Nam hay không. Khi thương mại diễn ra tốt đẹp, các nhà đầu tư EU sẽ nhìn thấy tiềm năng tại Việt Nam.

Tôi nghĩ, điều quan trọng nhất của Việt Nam lúc này là hãy trở thành mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu để thu hút dòng đầu tư chất lượng cao của EU. FDI từ EU vào Việt Nam chắc chắn sẽ mang đến cả cơ hội và thách thức, vì vậy, khi trở thành một mắt xích trong chuỗi giá trị toàn cầu, Việt Nam sẽ đứng trước cơ hội lớn như thu hút công nghệ tốt hơn, tạo công ăn việc làm, đạt được những tiêu chuẩn về môi trường và lao động cao hơn.

Dòng vốn FDI chất lượng cao từ EU sẽ đòi hỏi đảm bảo yêu cầu về môi trường, không xả chất thải ra môi trường, không tạo ra những tác động tiêu cực cho môi trường và hoạt động doanh nghiệp khi đầu tư tại Việt Nam.

Còn về thách thức thì sao?

Về thách thức, vấn đề khó khăn nhất của Việt Nam lúc này là làm thế nào để thu hút được dòng vốn FDI chất lượng cao và đón đầu dòng đầu tư đó. Tôi nghĩ rằng, yếu tố quan trọng mà Chính phủ Việt Nam cần quan tâm và xử lý là tính minh bạch hóa, khả năng có thể đoán định được những quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, vấn đề về quản trị, điều hành kinh tế và thể chế sẽ là nội dung rất quan trọng. Đây cũng là vấn đề khó bởi cần thời gian để thay đổi cách tiếp cận. Tuy nhiên, tôi tin tưởng, Chính phủ Việt Nam sẽ đưa ra những giải pháp thích hợp để thu hút hiệu quả FDI.

Dịch Covid-19 đang tác động đến các quyết định mở rộng đầu tư của doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam. Vậy tình hình mở rộng đầu tư của doanh nghiệp EU tại Việt Nam trong năm vừa qua như thế nào, thưa ông?

Covid-19 tác động đến kinh tế, gây áp lực đến hiệu quả hoạt động của hầu hết doanh nghiệp EU và doanh nghiệp trên toàn thế giới. Trong thời gian này, đầu tư của các doanh nghiệp buộc phải tạm dừng hoặc bị đóng băng.

Tuy nhiên, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), trong những khảo sát gần đây, đặt ra những vấn đề rằng, liệu doanh nghiệp EU có đầu tư tiếp tại Việt Nam hay không và doanh nghiệp cần làm gì tiếp theo trong tình hình hiện nay?

Mùa Hè năm 2020, EuroCham cho biết, có tới 88% doanh nghiệp EU tham gia khảo sát chỉ ra rằng doanh nghiệp của họ chịu tác động tiêu cực do hậu quả của đại dịch. Nhưng chưa đến sáu tháng sau, Hiệp hội cho biết, lãnh đạo các doanh nghiệp EU đã đưa ra cái nhìn tích cực hơn về tình hình kinh doanh tại Việt Nam, với 40% mô tả hoạt động của họ là “Xuất sắc” hoặc “Tốt”. Những kết quả này có được là nhờ khả năng kiểm soát tốt dịch Covid-19. Có thể khẳng định, Việt Nam là hiện tượng rất khác với các quốc gia khác trên thế giới.

Song song với đó, EVFTA là một nhân tố hết sức quan trọng góp phần vào quá trình thu hút FDI từ EU. Hiệp định này chính là “ánh sáng cuối đường hầm” trong giai đoạn khó khăn này.

Tôi cũng đánh giá, với những lợi thế về mặt địa lý chỉ với năm giờ bay có thể vươn tới một phần hai dân số thế giới, nền kinh tế năng động, có vị trí trong ASEAN, chính trị ổn định và bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung dần lắng xuống, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút FDI mạnh mẽ hơn.

Tôi tin rằng, năm 2021 và những năm tiếp theo, Việt Nam sẽ thấy triển vọng tăng trưởng kinh tế vượt bậc khi các dòng đầu tư đang bị đóng băng bởi Covid-19 được nối lại.

Theo Hội đồng Doanh nghiệp Việt Nam-EU, hiện có 72% doanh nghiệp EU đang cân nhắc đầu tư vào Việt Nam. Nhận định của Đại sứ về vấn đề này?

Giống như tôi vừa chia sẻ ở trên, Việt Nam hiện có đầy đủ các nhân tố cơ bản để thu hút FDI trong tương lai của doanh nghiệp EU thông qua EVFTA. Tôi nhận thấy, đặt trong bối cảnh quan hệ giữa EU và Việt Nam đang rất tích cực, Việt Nam có thể sẵn sàng đón 72% doanh nghiệp EU đến đầu tư.

Hiện các nhà đầu tư đang nhận thấy Việt Nam như một trung tâm sản xuất trong ASEAN. Cùng với đó, sự kiểm soát chặt chẽ của Covid-19 là yếu tố quan trọng để các nhà đầu tư cân nhắc rót vốn vào Việt Nam.

Gia Thành

(thực hiện)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-giorgio-aliberti-viet-nam-se-thu-hut-fdi-manh-me-hon-135845.html