Đại dịch COVID-19: Cơn sốc sẽ khó quên

Bài viết dưới đây của nhà báo Đức Christoph Strack cho thấy một cái nhìn và cảm nhận sâu sắc về đại dịch COVID-19 đang diễn ra.

Con số nạn nhân tăng 'chóng mặt' giữa đại dịch COVID-19 đang làm sang chấn châu Âu, giống như trận động đất tại Lisbon 265 năm về trước. Và thế giới đang phải đối mặt với những vấn đề vô cùng gai góc khi số người tử vong vì nhiễm COVID-19 không ngừng tăng.

Những bức ảnh được truyền tải từ miền Bắc Italy đang gây rúng động. Chúng để lại một ấn tượng khó tả: các đoàn xe quân sự chở những cỗ quan tài của những người xấu số từ thành phố Bergamo đã gieo rắc nỗi sợ hãi về sự tàn khốc của COVID-19 bao phủ trong những ngày gần đây. Một vài chuyến xe phải vượt hàng trăm cây số để di chuyển đến các thành phố khác vì nghĩa trang địa phương không còn đủ sức chứa. Cái chết lấn át sự sống đã khiến cả vùng Lombardy quá tải.

Bergamo là thành phố thu hút nhiều khách du lịch thứ hai sau Milan tại vùng Lombardy. Ảnh: railtour.ch

Ngày nối ngày, những số liệu thống kê cập nhật về số người tử vong vì nhiễm virus COVID-19 tịnh tiến: 427, 627, 793. Ngày tiếp ngày, hàng trăm mạng sống bị hủy diệt. Số người chết đã khiến tất cả các nhà nhà dưỡng lão ở Bergamo trở nên trống không. Các làng quê ở thung lũng chân đồi Alpine như bị tàn sát. Các bác sỹ và các nhân viên y tế cũng như hàng chục linh mục, những người đã túc trực bên giường bệnh, đã mãi ra đi. Tử thần đang bủa vây Italy, đất nước vốn được coi là khúc ca mùa hè êm đềm đối với nhiều người châu Âu. Và những người châu Âu đang cảm nhận và sợ hãi lưỡi hái của tử thần sẽ không dừng bước. Những gì đang xảy ra tại Italia giống như một điềm báo.

Câu hỏi 'Vì sao?'

Italia đang vật lộn với tử thần. Châu Âu và thế giới đang trong cơn sốc và lo sợ. Những hình ảnh chúng ta nhìn thấy trên mạng và những gì chúng ta đang trải qua đã vượt ngoài sức tưởng tượng của chính mình chỉ một vài tuần trước đó. Nó khiến chúng ta liên tưởng đến thảm họa sóng thần Tsunami đã diễn ra tại Đông Nam Á vào năm 2004, cướp đi ít nhất 230.000 sinh mạng.

Có lẽ, cũng có thể so sánh đại dịch COVID-19 với trận động đất năm 1755 tại thủ đô Lisbon (Bồ Đào Nha) khiến khoảng 60.000 người thiệt mạng vì tính chất về sự 'kỳ quái' của nó. Cho dù sau đó thế giới đã tiếp tục con đường tiến lên sự tân tiến, niềm tin vào sự tiến bộ có phần nào phôi phai. Câu hỏi “vì sao” sẽ còn dằn vặt nhiều người mãi về sau. Lisbon là một bước ngoặt lịch sử đối với nhiều sử gia, các triết học gia, các học giả văn chương và các chuyên gia nghiên cứu về thần học.

Và như mọi người đã làm năm 1755, ngày nay chúng ta cũng sẽ phải nhìn lại chính mình, những nguyên tắc và những thứ chúng ta vẫn coi hiển nhiên cho đến nay, về những quan niệm về sự đoàn kết, về những giới hạn của con người.

Khi tử thần gõ cửa

Những đoàn xe quân sự lầm lũi đi xuyên trong màn đêm khắc lại một hình ảnh khó thể rũ bỏ. Mọi người đều cảm thấy hãi hùng. Và thật dễ hiểu khi các bác sỹ Italy và các chính khách cùng đưa ra những thông điệp: Hãy ở nhà! Giữ khoảng cách! Hãy tạm gác bỏ những thú vui đời thường bên ngoài! Hãy ngăn chặn sự lây nhiễm!

Những hình ảnh và những cảnh tượng chúng ta đã nhìn thấy như là một lời cảnh báo. Chúng ta hãy nhìn nhận những lời kêu gọi này một cách nghiêm túc vì đó là những việc đúng đắn cần làm. Đây là những biện pháp phòng ngừa quan trọng nhất trước khi thuốc thang cũng vô hiệu.

Ký ức sẽ còn ám ảnh chúng ta

Những đoàn xe quân sự sẽ gợi nhớ một sự kiện lịch sử về một đất nước dường như đang trong một cuộc chiến với kẻ thù vô hình. Và nhiều nạn nhân trong cuộc chiến tranh này là những người già cả và ốm yếu. Những ai am tường về cuộc sống tại Italy thường nghĩ đến những gương mặt thân thiện, cởi mở tràn ngập niềm vui, sức sống, đến bề dày lịch sử của đất nước tuyệt đẹp này. Thậm chí ngôi làng nhỏ bé nhất ở đây cũng có nghĩa trang và tưởng niệm người chết theo nghi lễ tôn giáo của mình.

Song hiện tại, cũng chính trong ngôi làng đó, người dân đang chết trong cô đơn và chỉ được nhắc tên trong lễ hỏa táng. Ký ức này, cho dù cơn đại dịch corona có qua đi, sẽ vẫn là nỗi đau khôn nguôi ám ảnh đất nước Italy. Và tùy theo diễn biến kịch tính của đại dịch COVID-19, ký ức này sẽ còn đeo đẳng toàn châu Âu./.

CTV Xuân Hương/VOV.VN (lược dịch)
Nguồn: DW

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/dai-dich-covid19-con-soc-se-kho-quen-1026149.vov