Đại biểu vạch rõ 'khe hở' dễ bị lợi dụng trong dự án Luật Đầu tư công

Góp ý cho Luật đầu tư công, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (đoàn An Giang) đã chỉ rõ các khe hở dễ bị lợi dụng, gây thất thoát nguồn vốn của nhà nước như: Xé lẻ dự án lớn thành các dự án nhỏ; đưa dự án vào dạng khẩn cấp…

Thời hạn giải ngân tối đa chỉ nên là 2 năm

Chiều 16/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (TP Hà Nội) cho rằng, đây là một trong những dự thảo luật có đời sống ngắn nhất bởi vừa áp dụng được 3 năm đã phải sửa đổi, bổ sung do một số quy định của Luật Đầu tư công chưa bao quát hết được những vấn đề thực tiễn đặt ra.

“Vì vậy, trong lần sửa đổi này, tôi cho rằng cần đánh giá toàn diện, sâu sắc, bao quát đầy đủ những vấn đề mà thực tiễn đặt ra. Theo đó, cần khắc phục triệt để những hạn chế về thể chế, chính sách để tạo lập một khuôn khổ pháp lý ổn định, có sức sống lâu bền và tránh tình trạng vừa ban hành đã phải sửa đổi, bổ sung” - đại biểu Lưu Mai nói. Theo bà Mai, có 3 vấn đề cần phải đưa vào phạm vi điều chỉnh.

Thứ nhất, liên quan đến thể chế, chính sách, đại biểu Mai cho rằng, dự thảo luật thiếu vắng các tiêu chí lựa chọn dự án, chưa gắn việc phân bổ nguồn lực với hiệu quả đầu ra. Đồng thời, dự thảo cũng chưa quy định cụ thể về trách nhiệm trực tiếp của tổ chức, cá nhân đối với hiệu quả dự án, nhất là trong trường hợp đầu tư không hiệu quả, thất thoát, lãng phí.

“Tôi xin phép được kiến nghị, trong lần sửa đổi này, cần bổ sung các tiêu chí đánh giá dự án gắn với hiệu quả đầu ra. Theo đó, cương quyết không đưa vào dự thảo luật những dự án chưa đánh giá được hiệu quả kinh tế - xã hội. Không phân bổ cho các dự án ở giai đoạn sau nếu chưa làm rõ hiệu quả đầu tư ở giai đoạn trước. Đồng thời cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của tổ chức cá nhân đối với hiệu quả đầu tư” - đại biểu Mai đề nghị.

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai

Thứ hai, đại biểu đoàn Hà Nội cho rằng, thời gian qua, việc thiếu vắng các quy định về thẩm quyền đã gây ra những vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện. “Luật Đầu tư công hiện hành chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, sử dụng nguồn lực dự phòng ở các bộ, ngành, địa phương và Trung ương nên trên thực tế khi triển khai thực hiện đã không thể thực hiện được. Luật hiện hành cũng chưa quy định về thẩm quyền quyết định danh mục dự án" - đại biểu Mai thông tin.

“Hai nội dung này đều mới chỉ thể hiện ở Nghị quyết 26 dẫn đến trong quá trình thực hiện đã phát sinh những tranh luận, những ý kiến, cách hiểu khác nhau. Ngay tại nghị trường này, trong 1 tuần qua khi xem xét về phân bổ nguồn lực dự phòng đã có những ý kiến trái chiều. Nếu như trong Luật Đầu tư công hiện hành quy định cụ thể vấn đề này thì sẽ không phát sinh vướng mắc, tranh luận như vậy” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nói.

Liên quan đến thẩm quyền kéo dài thời hạn thực hiện giải ngân, bà Mai cho biết, hiện nay, luật hiện hành cho phép kéo dài thời hạn giải ngân 2 năm trong trường hợp cần thiết có thể lên tới 5 năm. Quy định này chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ thực hiện dự án, tăng lãi suất phải trả và chưa phù hợp với một số nguyên tắc quy định tại Luật Ngân sách nhà nước.

“Tôi đề nghị chỉnh sửa theo hướng chỉ cho phép kéo dài thời hạn giải ngân tối đa là 2 năm, nếu như không thực hiện nghiêm quy định này có thể thu hồi dự toán” - đại biểu Vũ Thị Lưu Mai nêu ý kiến.

Nhiều khe hở dễ bị lợi dụng

Góp ý cho Dự thảo Luật Đầu tư công, đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang) chỉ ra, tại mục c khoản 6 Điều 18 Dự thảo Luật có quy định, các dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư là dự án khẩn cấp. Trong khi đó, tại khoản 13 Điều 4 giải thích từ ngữ về "dự án đầu tư công khẩn cấp" thì lại quy định quá rộng, đó là “dự án cần thực hiện ngay nhằm các mục tiêu bảo vệ chủ quyền quốc gia, ứng cứu kịp thời hoặc ngăn chặn hậu quả có thể xảy ra do thiên tai, sự cố bất khả kháng và các trường hợp khẩn cấp khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định."

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết

“Nếu quy định như thế sẽ mở lớn đối tượng, không cụ thể rõ đối tượng không phải quyết định chủ trương đầu tư và thiếu chặt chẽ khi tổ chức thực hiện” - đại biểu Ánh Tuyết nói và đề nghị cần quy định cụ thể tiêu chí, nguyên tắc, đối tượng dự án không phải quyết định chủ trương đầu tư, không quy định chung chung “dự án khẩn cấp, dự án đặc biệt” như dự thảo luật để đảm bảo tính chặt chẽ, minh bạch trong quản lý vốn đầu tư.

“Đây sẽ là khe hở để các chương trình dự án quy mô lớn lách luật để đưa vào đối tượng dự án đầu tư khẩn cấp” - đại biểu Ánh Tuyết cảnh báo.

Tương tự, tại khoản 2 Điều 6 về phân loại dự án đầu tư công, Luật quy định: “Căn cứ vào mức độ quan trọng và quy mô dự án đầu tư công được phân chia thành các dự án thành phần bao gồm thành phần chuẩn bị đầu tư, đền bù tái định cư giải phóng mặt bằng, thực hiện dự án đầu tư”.

Theo đại biểu Ánh Tuyết, quy định như vậy là quá chung chung và là khe hở để nhiều dự án quy mô lớn xé thành nhiều dự án nhỏ, là cơ sở để lọt khe các thủ tục tiếp theo và cả khâu chọn thầu và chỉ định thầu gây thiếu minh bạch, thất thu ngân sách, thất thoát ngân sách đang diễn ra rất phổ biến và phức tạp nhưng chưa có quản lý còn lỏng lẻo như hiện nay.

Phát biểu tại Nghị trường, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát để quy định cụ thể, rõ ràng hơn chế độ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong từng khâu của quá trình thực hiện các dự án đầu tư công; Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát các điều khoản để tiếp cận thông lệ quốc tế tốt nhất đối với đầu tư công. Đặc biệt, nghiên cứu để xây dựng các tiêu chí, lựa chọn các dự án đầu tư hay việc đánh giá hiệu quả đầu tư.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/dai-bieu-vach-ro-khe-ho-de-bi-loi-dung-trong-du-an-luat-dau-tu-cong-619605/