Đặc sản Bắc Giang vươn xa

Khau nhục, mỳ Chũ, bánh chưng Vân, gà đồi Yên Thế, miến dong Sơn Động, táo Phì Điền, cam lòng vàng Lục Ngạn, nem nướng Liên Chung… là những đặc sản của Bắc Giang được nhiều người ưa chuộng trong dịp Tết Nguyên đán. Tháng Chạp, các làng nghề đỏ lửa, không khí lao động rộn ràng suốt ngày đêm để thu hoạch, chế biến các sản phẩm kịp cho mâm cỗ Tết của mọi nhà.

Đặc sản vùng miền hút khách

Những ngày này, bếp ở Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ - Nông nghiệp Thiện Lợi, xã Yên Định (Sơn Động) luôn đỏ lửa. Làm nghề quanh năm song tấp nập nhất là từ đầu tháng Chạp. Thời điểm này, HTX phải chuẩn bị nguyên liệu từ thịt lợn cho đến gia vị để cho ra những mẻ khau nhục thơm ngon.

Sản phẩm táo Phì Điền (Lục Ngạn) được nhiều người lựa chọn dịp Tết Nguyên đán.

Anh Hoàng Văn Thiện, Giám đốc HTX chia sẻ: “Khau nhục là món ăn truyền thống của bà con dân tộc quê tôi. Trong mâm cỗ, nhà nào có món khau nhục thì mới đúng là cỗ Tết. Hằng năm, từ tháng 9 Âm lịch, gia đình đã nuôi lợn để lấy những miếng thịt ba chỉ ngon nhất làm khau nhục. Cùng đó, chuẩn bị gia vị gồm tỏi, địa liền... Sau này, thấy nhiều người yêu thích món ăn dân dã này nên chúng tôi thành lập HTX chế biến và phân phối sản phẩm đến khắp mọi miền”.

Món khau nhục được chế biến cầu kỳ, từ việc chọn miếng thịt lợn có phần bì mỏng để sau khi tẩm ướp gia vị và chế biến mới cho màu vàng đều. Khi chế biến, cắt thịt thành miếng vuông chừng nửa cân, rửa sạch, luộc chín rồi vớt ra để nguội, châm bì kỹ rồi chế biến. Thịt cắt thành 6 miếng đều, xếp vào bát tô, rắc gia vị. Sau đó cho vào nồi hấp cách thủy trong 4 giờ để thịt nhừ, gia vị quyện đều. Khi ăn, chỉ cần úp ra đĩa, các miếng thịt được tạo hình tròn theo khuôn bát, có màu vàng cánh gián của bì thịt phía trên.

Khau nhục mềm, ngon, béo ngậy và đậm vị. Là món ăn chín nên để vận chuyển đi xa và bảo quản được lâu, mỗi bát khau nhục được đóng gói, hút chân không, ướp đá cẩn thận. Món khau nhục của HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Thiện Lợi đã được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao.

Khau nhục là món ăn phổ biến ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, mỗi nơi bà con lại có bí quyết để tạo nên hương vị đậm đà riêng của miếng thịt chín mềm đẫm gia vị. Cũng bởi lẽ đó mà khau nhục Yên Định đã được nhiều người biết đến. Dịp Tết Nguyên đán năm nay, HTX Dịch vụ - Nông nghiệp Thiện Lợi dự kiến cung cấp khoảng 2 nghìn suất ra thị trường; giá bán 150 nghìn đồng/suất. Để đáp ứng nhu cầu, HTX đầu tư nồi hơi để giảm công lao động và tăng năng suất.

Từ lâu, bánh gio Song Vân, bánh nhôm Ngọc Thiện (Tân Yên) là món quà quê của bao người. Trong ngày Tết, món này được nhiều người ưa thích bởi dễ ăn, giúp thức ăn nhanh tiêu, chống ngán, gợi nhắc hương vị Tết xưa. Theo lời ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Thiện, bánh gio vốn đã quen thuộc song cái tên bánh nhôm thì nhiều người chưa nghe bao giờ. Vậy nhưng món ăn này đã có từ lâu đời ở Ngọc Thiện và chủ yếu được làm từ đôi tay của người dân thôn Trại Rừng.

Đặc sản bánh nhôm Ngọc Thiện (Tân Yên).

Nguyên liệu làm bánh nhôm giống với bánh gio, cũng cần vỏ bưởi, rễ gấc, nước măng và thêm một số cây nguyên liệu đốt thành tro, pha với nước vôi trong, sau đó ngâm gạo nếp để làm. Tuy nhiên bánh nhôm được gói lớn hơn, thời gian luộc lâu hơn bánh gio và ở giữa có nhân đỗ xanh. Nhờ những loại nguyên liệu thảo mộc đốt cháy hòa lẫn nước vôi trong theo tỷ lệ phù hợp, bánh có màu vàng cam rất đẹp. Bánh có thời gian bảo quản không lâu nên thường các hộ tập trung tăng ca gói bánh từ ngày 23 tháng Chạp. Thời điểm này, các hộ làm bánh ở xã Ngọc Thiện đã nhận nhiều đơn hàng bánh Tết từ khách buôn, khách lẻ.

Nhiều đặc sản khác của vùng quê Bắc Giang cũng đang rất đắt hàng như miến dong Sơn Động; nem nướng Liên Chung (Tân Yên); chè lam, kẹo lạc Tân Mỹ (TP Bắc Giang); bánh đa nem Thổ Hà (Việt Yên); bánh chưng Vân, gạo nếp Thái Sơn (Hiệp Hòa); gà đồi Yên Thế; táo Phì Điền, cam ngọt Lục Ngạn.

Đưa sản vật đi xa

Hiện nay, với sự đa dạng của các mặt hàng, người dân dễ dàng chọn lựa những sản phẩm ngon, bảo đảm an toàn thực phẩm cho gia đình. Song mỗi độ Tết đến xuân về, những món ăn gợi nhắc về quê hương vẫn được nhiều người ưa chuộng. Để các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang được nhiều người biết đến, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và tham gia các gian hàng, hội chợ giới thiệu sản phẩm. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản vật vươn xa.

Để các sản phẩm đặc trưng của Bắc Giang được nhiều người biết đến, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng, trang mạng xã hội và tham gia các gian hàng, hội chợ giới thiệu sản phẩm. Từ đó mở rộng thị trường tiêu thụ, đưa sản vật bay xa khắp mọi miền Tổ quốc.

Huyện Lục Ngạn được biết đến với nhiều đặc sản nổi tiếng như: Mỳ Chũ, bưởi ngọt, cam ngọt, cam lòng vàng, quýt Tân Mộc, táo Phì Điền. Mấy năm nay, các hộ trồng cây ăn quả, HTX trên địa bàn huyện đã đầu tư kinh phí in bao bì, hộp giấy đầy đủ nhãn hiệu, xuất xứ để gói, đựng làm quà.

Theo bà Nguyễn Thị Mai, hộ làm mỳ ở thôn Thủ Dương, xã Nam Dương (Lục Ngạn), gia đình đã đầu tư kinh phí làm bao bì đẹp, đa dạng để khách hàng lựa chọn.

Gạo nguyên liệu làm mỳ sản xuất trong nước được chọn kỹ và rau, củ quả bảo đảm chất lượng cho mỳ màu, không sử dụng chất bảo quản. Để phát triển và giữ thương hiệu các sản phẩm đặc trưng, tỉnh Bắc Giang quan tâm xây dựng các làng nghề truyền thống, khuyến khích thành lập HTX. Ví như HTX Sản xuất thương mại, dịch vụ nông nghiệp Phì Điền (Lục Ngạn) thành lập năm 2019 chuyên trồng vải thiều và táo.

Với sự cần cù, chịu khó học hỏi kỹ thuật của người dân, táo Phì Điền đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh. Khi thu hoạch, quả táo to đều, xanh cốm ngả vàng bóng, giòn ngọt. Anh Phan Văn Nết, Giám đốc HTX cho hay: "Chúng tôi giới thiệu sản phẩm trên trang thương mại điện tử và tích cực tham gia các gian hàng, chương trình quảng bá để thương hiệu táo Phì Điền được nhiều người biết đến. Dịp Tết Nguyên đán sắp tới, HTX dự kiến cung cấp khoảng 40 tấn táo tới các tỉnh, TP như: Hà Nội, Hải Dương, Bắc Ninh, Thái Nguyên... Hiện nay nhiều tư thương đã đặt hàng".

Không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, trên "chợ điện tử", đặc sản vùng miền của tỉnh Bắc Giang còn được quảng bá trong hệ thống bán lẻ hiện đại, siêu thị. Tại siêu thị GO!, Co.opmart, đặc sản bán Tết khá đa dạng đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, trong đó có một số sản phẩm của Bắc Giang như: Mỳ Chũ, cam V2. Chị Hoàng Việt Anh ở quận Thanh Xuân (TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi rất thích các loại quả, mỳ của huyện Lục Ngạn nên năm nào cũng nhờ người quen mua giúp để dùng và làm quà Tết cho người thân. Mọi người ai cũng thích. Năm nay tôi đã đặt 1 tạ mỳ Chũ, 200 quả bưởi và 1 tạ cam ngọt”.

Trong tiết trời se lạnh cuối năm, các nhà vườn, làng nghề trên địa bàn tỉnh đang tất bật vào vụ; công phu gửi gắm hương vị Tết vào mỗi sản phẩm đặc trưng đi muôn nơi để Tết thêm ấm áp, đậm đà tình quê.

Bài, ảnh: Hoài Thu

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/kinh-te/418523/dac-san-bac-giang-vuon-xa.html