Đặc khu kinh tế (bài 2): Làm thế nào để thu hút được nhân tài

Cơ chế về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực cho đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (gọi tắt là đặc khu) là vấn đề được quan tâm đặc biệt bởi muốn vận hành bất cứ cơ chế nào cũng cần con người. Nếu không có được yếu tố nền tảng đó, thì sẽ không thể vận hành được một cơ chế vượt trội.

Đây cũng là vấn đề đang nhận được nhiều ý kiến thảo luận, góp ý của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, các bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh liên quan góp ý vào dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.

Đề xuất nhất thể hóa chức danh Bí thư kiêm Chủ tịch

Về mô hình chính quyền đặc khu trong dự thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, đồng chí Trần Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho biết, chính quyền địa phương đặc khu được xác định là một cấp chính quyền, có HĐND và UBND. HĐND đặc khu sẽ có từ 9 - 15 đại biểu, không tổ chức thường trực HĐND và các ban của HĐND.

Hội nghị trực tuyến về tổ chức hệ thống chính trị và các vấn đề có liên quan tại các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. (Ảnh: HH)

UBND đặc khu bao gồm chủ tịch và 2 phó chủ tịch. Theo phương án của Bộ Nội vụ, chủ tịch UBND đặc khu sẽ do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của bộ trưởng Bộ Nội vụ, sau khi thống nhất với chủ tịch UBND tỉnh, trình Thủ tướng phê chuẩn sau khi HĐND bầu.

Quan điểm này không được các địa phương ủng hộ, mà cho rằng nên là ngược lại, do tỉnh đề xuất và các cấp Trung ương thẩm định nhân sự bầu trưởng đặc khu, để HĐND đặc khu bầu và Thủ tướng phê chuẩn.

Phó chủ tịch UBND đặc khu do HĐND đặc khu bầu theo giới thiệu của chủ tịch UBND đặc khu và được chủ tịch UBND tỉnh phê chuẩn.

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đề nghị “Nếu Bí thư mà không là Chủ tịch UBND thì bộ máy vẫn như cũ, không có gì đặc biệt cả. Khi Bí thư là Chủ tịch UBND đặc khu rồi thì đề nghị có 1 Phó Bí thư là Chủ tịch HĐND kiêm công tác tổ chức đảng và hệ thống chính trị luôn”.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc cũng kiến nghị xem xét lại quy định chủ tịch UBND đặc khu do Bộ trưởng Nội vụ giới thiệu mà nên giao việc này cho Chủ tịch UBND tỉnh. "Chủ tịch tỉnh là những người nắm chắc cơ sở, hiểu rõ cán bộ tại chỗ để trình HĐND bầu chủ tịch đặc khu. Các cơ quan trung ương trên cơ sở thẩm định, trình Thủ tướng phê chuẩn thì đúng hơn. Quy trình này tương đương với chức danh Phó chủ tịch UBND tỉnh", đồng chí Nguyễn Văn Đọc phân tích.

Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa Lê Thanh Quang cũng đề nghị Trưởng đặc khu phải do Thường vụ Tỉnh ủy nghiên cứu tiêu chuẩn, điều kiện đề xuất Bộ Nội vụ thẩm định rồi mới trình Thủ tướng cho phép HĐND đặc khu bầu, sau đó Thủ tướng phê chuẩn.

Tuy nhiên, về vấn đề trên, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính cho rằng, “công tác cán bộ không khép kín, không nhất thiết là cán bộ trung ương về hay chỉ có cán bộ tại địa phương”.

Trong cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển các đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh, đây không phải là vấn đề của 3 tỉnh mà là của Quốc gia, dân tộc. Tổ chức bộ máy cán bộ phải có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ bây giờ, gọn nhẹ hơn, tinh nhuệ hơn, đổi mới hơn, thu hút được nhân tài của đất nước, trở thành công dân toàn cầu, phải nói ngoại ngữ thành thạo.

Nhiều đột phá thử nghiệm để thu hút nhân tài

Thực tế, trong nhiều cơ chế đề xuất cho đặc khu, cơ chế về thu hút, đào tạo nguồn nhân lực là điểm được quan tâm bởi muốn vận hành bất cứ cơ chế nào cũng cần con người. Nếu không có được yếu tố nền tảng đó, thì sẽ không thể vận hành được một cơ chế vượt trội.

Đơn cử như tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn với tổng mức đầu tư là 7.500 tỷ đồng. Cụm công trình này là phức hợp giải trí bào gồm có cả Casino, tổng mức đầu tư dự tính gần 2,1 tỷ đô la Mỹ. Nếu trở thành đặc khu kinh tế, vùng đất này thực sự sẽ thay da đổi thịt. Song cũng đặt ra một vấn đề không nhỏ, đó là con người vận hành ra sao.

Theo đồng chí Bùi Văn Cẩn, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện Vân Đồn, khi thành lập đặc khu, chức năng nhiệm vụ của nó lớn hơn, do đó đòi hỏi đội ngũ cán bộ có năng lực có trình độ chuyên môn cao hơn mới thực hiện được.

Để đáp ứng yêu cầu của thời cơ mới, việc chuẩn bị và phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho Vân Đồn là hết sức quan trọng. Dự kiến đến năm 2020, đặc khu này có thể thu hút tới 95.000 lao động mới và trên 110.000 lao động vào năm 2030.

Bà Đinh Thị Quỳnh Vân, Tổng Giám đốc công ty cung cấp dịch vụ tư vấn thuế hàng đầu tại Việt Nam (PwC Việt Nam) cho biết, các nhà đầu tư vào đấy thì họ cũng thấy xây nhà máy xong có công nhân và kỹ sư nguồn lực đó ở đâu ra, chúng ta phải thu hút nếu nguồn lực đó ở Quảng ninh không có.

Vấn đề chất lượng cán bộ của đặc khu trong tương lai gần quả là một bài toán khó. Điều trăn trở của những địa phương này, là phải chuẩn bị nguồn cán bộ ra sao khi trở thành đặc khu kinh tế của cả nước.

Đồng chí Phạm Vũ Hồng, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết, trăn trở lớn nhất mà tỉnh cũng như Phú Quốc phải làm là làm sao đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đặc khu, không chỉ dưới góc độ quản lý nhà nước của đặc khu mà còn là nguồn nhân lực quản lý, quản trị các doanh nghiệp, nguồn nhân lực để phục vụ cho phát triển các doanh nghiệp ngoài xã hội. Mới phát triển du lịch thôi đã hụt hẫng nhân lực rồi, trong khi đó nguồn nhân lực đặc khu cần có sự năng động hơn và đòi hỏi chất lượng cao hơn.

“Cán bộ là gốc của mọi công việc”. Sự thành bại của một đặc khu phụ thuộc vào chính con người sẽ quản trị điều hành bộ máy chính quyền của đặc khu. Tuy nhiên, đã là đặc khu thì công tác quy hoạch, bổ nhiệm và thu hút nhân tài cũng phải đặc biệt. Bởi lẽ, chỉ nhìn sự hỗn loạn về thị trường đất ở Phú Quốc và Vân Đồn hiện nay cũng đủ thấy, thách thức đối với đội ngũ cán bộ ở các đặc khu tới đây sẽ lớn như thế nào, khi khối lượng và sự phức tạp của công việc ở đây chỉ sau 1 đêm sẽ tăng lên gấp bội.

Để tuyển chọn được cán bộ giỏi, ngang tầm với nhiệm vụ thì việc đãi ngộ cán bộ như thế nào cũng là vấn đề đặt ra. Muốn thu hút được nhân tài thì chúng ta cần triển khai đồng bộ các khâu trong công tác tổ chức cán bộ với sự công khai, minh bạch, đồng thời cũng cần có sự chuẩn bị kỹ càng ngay từ bây giờ.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, ngay từ lúc này cần phải có những tiểu dự án riêng về vấn đề nhân lực. Bởi Mỗi đặc khu này từ nay đến năm 2020 có quy hoạch từ 90.000 đến 100.000 lao động, mà đây không phải là lao động giản đơn.

Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, tất cả ngành nghề đó đòi hỏi chúng ta cần có một chiến lược cụ thể thì khi đó đội ngũ này chúng ta mới áp dụng vào thực thi trong quá trình tổng thể cho phát triển. Đây cũng là sự bền vững của các đặc khu và phù hợp với xu hướng phát triển của quốc tế. Cần có cơ chế để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và phải có kế hoạch để đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực này để chúng ta không bị động.

Nhận rõ được những thách thức này, tại phiên họp vừa qua các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã dành nhiều thời gian để thảo luận về vấn đề nguồn nhân lực khi cho ý kiến vào dự thảo thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt

Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, người ta lo lắng đội ngũ cán bộ nào vào đây để làm nên lịch sử của 3 đặc khu này do đó việc chuẩn hóa cán bộ, cách tuyển dụng như thế nào cần phải làm rõ. Đọc dự án Luật thì chúng ta thấy đây là bộ máy đã có sẵn rồi và chỉ chuyển dần qua, nhưng chuyển sang 1 cái mới cái khó như thế nào là điều chúng ta phải tính.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, bây giờ cán bộ công chức nguyên trạng vẫn còn biên chế, còn đội mới vào đây thì sẽ theo cơ chế có thời hạn. "Không hiểu là với mong muốn của chúng ta là phải có đội ngũ rất mạnh, tiêu chí rất cao thì bao nhiều phần trăm cán bộ của 3 huyện này còn giữ lại đáp ứng được yêu cầu? Chúng ta giữ ít thì bộ máy không mạnh để chúng ta xử lý chính sách cho đặc khu, giữ lại nhiều thì phần dôi dư ra trong bối cảnh thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả thì 3 tỉnh sắp xếp đội ngũ dôi dư này như thế nào?".

Được biết, đối với cán bộ chính quyền thì trong dự án Luật đưa ra cơ chế Công chức hợp đồng một số chế độ đãi ngộ giao cho ông trưởng đặc khu một số thẩm quyển để thu hút nguồn cán bộ chất lượng cao làm cho các cơ quan nhà nước. Đồng thời, trong dịp này, Ban Tổ chức Trung ương cũng đã có đề án về tổ chức hệ thống chính trị và các phương án nhân sự và đang lấy ý kiến của các cấp, các ngành và đơn vị địa phương.

Theo ông Nguyễn Văn Phúc, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, có một cơ chế để thu hút nhân tài vào làm việc trong đặc khu và một trong những điểm rất mới của dự thảo Luật lần này là cơ chế tuyển dụng công chức hợp đồng. Công chức làm việc theo cơ chế hợp đồng. Tức là trừ những vị trí trưởng các đơn vị chủ chốt của đặc khu còn lại công chức vào đấy được tuyển theo hợp đồng làm việc theo vị trí việc làm và được trả 1 mức lương cao hơn hẳn so với bên ngoài. Tuyển dụng theo hợp đồng là anh có thể tuyển các chuyên gia trong nước và quốc tế làm việc cho đặc khu. Đó là một đột phá thử nghiệm rất hay.

Cho đến nay, dự thảo Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt đã được tiếp thu, chỉnh lý nhiều lần. Dự thảo Luật sau khi chỉnh lý, tiếp thu báo cáo UB Thường vụ Quốc hội tại phiên họp lần thứ 23 gồm 6 Chương, 84 Điều và 6 Phụ lục. So với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4, đã bổ sung: 26 điều, bỏ 29 điều chủ yếu là chuyển nội dung sang các điều khác để bảo đảm logic, hợp lý hơn.

Tại phiên họp lần thứ 23 của UBTVQH ngày 16/4/2018, đa số thành viên UBTVQH đánh giá dự thảo Luật đã được hoàn thiện, tiếp thu chỉnh lý nhiều nội dung theo ý kiến của các đại biểu Quốc hội và đề nghị tiếp tục nghiên cứu rà soát một số nội dung. Trên cơ sở ý kiến của UBTVQH, hiện UBPL đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan tiếp tục chỉnh lý dự thảo Luật để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp lần thứ 5 sắp tới./.

Hoa Hiền

Nguồn Đảng Cộng Sản VN: http://cpv.org.vn/xay-dung-dang/dac-khu-kinh-te-bai-2-lam-the-nao-de-thu-hut-duoc-nhan-tai-481669.html