Cựu Toàn quyền Australia: Dấu ấn thể hiện sự gắn kết của Việt Nam

Cựu Toàn quyền Peter Cosgrove khẳng định Việt Nam là đối tác và người bạn lâu dài của Australia, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng khi năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Cựu Toàn quyền Australia Peter Cosgrove. (Nguồn: AAP)

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Sydney về trường phái “ngoại giao cây tre” của Việt Nam, cựu Toàn quyền Australia Peter Cosgroven nhận định đây là dấu ấn thể hiện sự gắn kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế.

Theo cựu Toàn quyền Peter Cosgrove, đối với người Australia, các đặc điểm của cách tiếp cận này - một nền tảng lý tưởng vững chắc cùng khả năng thích ứng với thế giới như nó vốn có - là rất quen thuộc.

Chính sách đối ngoại của Australia cũng có đặc điểm tương tự về mục đích, nguyên tắc và tính thực dụng.

Đó là lý do Chính phủ Australia coi việc tăng cường hợp tác với Đông Nam Á là ưu tiên hàng đầu.

Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện của Australia với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là trọng tâm trong nỗ lực của Chính phủ Australia nhằm hợp tác với các đối tác để thực hiện quyền tự quyết và duy trì trạng thái cân bằng có lợi cho tất cả.

Cựu Toàn quyền Peter Cosgrove bày tỏ tin tưởng rằng sự tin cậy chiến lược mạnh mẽ giữa hai quốc gia dựa trên quan điểm chung này.

Đề cập vai trò của Việt Nam tại khu vực, cựu Toàn quyền Peter Cosgrove nêu rõ Australia coi trọng vai trò dẫn dắt của Việt Nam trong ASEAN.

Điều này xuất phát từ sự tin tưởng của Australia vào cách ứng xử đối ngoại của Việt Nam - đó là biết cách làm việc với các nước láng giềng và đối tác thân cận để hình thành một khu vực ổn định, tạo điều kiện cho sự thịnh vượng và an ninh của tất cả mọi người .

Việt Nam đóng vai trò dẫn dắt quan trọng tại tiểu vùng Mekong. Sự tham gia của Việt Nam vào các tổ chức như Ủy hội Sông Mekong đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ về các vấn đề nước xuyên biên giới, biến đổi khí hậu và an ninh lương thực.

Australia cũng ủng hộ và đánh giá cao đóng góp của Việt Nam ở Biển Đông, đặc biệt là thúc đẩy vai trò của luật pháp quốc tế thông qua Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 - lập trường mà Australia chia sẻ.

Cựu Toàn quyền Peter Cosgrove cho rằng Australia và Việt Nam sẽ cần cùng nhau định hình các quy tắc và chuẩn mực làm nền tảng cho an ninh và sự thịnh vượng của hai nước, đảm bảo quyền tiếp cận trong một khu vực mở và bao trùm, đồng thời có thể quản lý cạnh tranh một cách có trách nhiệm.

Ông nêu rõ trong bối cảnh khu vực ngày càng trở nên cạnh tranh hơn, mối quan hệ đối tác giữa Australia và Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng.

Hai nước chia sẻ cam kết về một khu vực hoạt động theo quy tắc, tiêu chuẩn và nguyên tắc, nơi các nước lớn hơn không thể quyết định số phận của các nước nhỏ hơn; nơi mỗi quốc gia có thể theo đuổi khát vọng của riêng mình, sự thịnh vượng của chính mình.

Thông báo về ý định chung của hai nước nhằm nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện phản ánh mức độ tin cậy và tham vọng chiến lược cao trong mối quan hệ và sẽ đưa Australia vào nhóm đối tác thân thiết nhất của Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Toàn quyền Australia David Hurley thăm cấp Nhà nước Việt Nam. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Ông Peter Cosgrove khẳng định Việt Nam là một đối tác và người bạn lâu dài của Australia, điều đó càng có ý nghĩa quan trọng khi năm 2023, hai nước kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Như chuyến thăm gần đây của Thủ tướng Australia Anthony Albanese đến Việt Nam đã chứng minh, mối quan hệ giữa hai nước rất sâu rộng.

Australia và Việt Nam có quan hệ thương mại, đầu tư, giáo dục và quốc phòng sôi động. Tăng trưởng kinh tế ấn tượng của Việt Nam đang được các công ty Australia theo dõi chặt chẽ.

Chiến lược Tăng cường Hợp tác Kinh tế giữa Australia và Việt Nam đã đưa hai nước vào lộ trình mở rộng kết nối và mở rộng hợp tác để bao trùm quá trình chuyển đổi kỹ thuật số và nền kinh tế kỹ thuật số.

Ông Peter Cosgrove lưu ý Australia là một đối tác nhất quán và đáng tin cậy trong quá trình phát triển của Việt Nam, đã cung cấp hơn 3 tỷ AUD (gần 2 tỷ USD) viện trợ phát triển chính thức cho Việt Nam.

Trong những năm qua, Australia đã điều chỉnh cách tiếp cận của mình để đáp ứng nhu cầu phát triển nhanh chóng của Việt Nam.

Australia đã giúp xây dựng kết nối điện giữa miền Bắc và miền Nam Việt Nam, đường truyền vệ tinh đầu tiên cho các cuộc gọi điện thoại và đường cáp quang biển đầu tiên.

Những liên kết này cũng đang phát triển khi hợp tác giữa Australia và Việt Nam mở rộng sang lĩnh vực biến đổi khí hậu, năng lượng và môi trường.

Điều này được củng cố bởi cam kết của Thủ tướng Albanese dành 105 triệu AUD để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững và chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese chụp ảnh chung. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Hợp tác song phương càng được làm phong phú thêm nhờ mối quan hệ mật thiết giữa người với người và sự đóng góp của hơn 300.000 người Australia gốc Việt cho cộng đồng của hai nước.

Theo ông, hai nước có tiềm năng đáng kể để đưa mối quan hệ thương mại và đầu tư song phương tiến xa hơn.

Đặc phái viên của Australia phụ trách khu vực Đông Nam Á sẽ đề ra Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2040.

Chiến lược đó sẽ xây dựng dựa trên những kết nối này bằng cách xác định các cơ hội mới để củng cố tương lai kinh tế chung của hai nước./.

Thanh Tú (TTXVN/Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/cuu-toan-quyen-australia-dau-an-the-hien-su-gan-ket-cua-viet-nam/872923.vnp