Cựu chiến binh phát triển nghề làm cốm truyền thống

Năm 1999, khi thôn Trác Châu bắt đầu khôi phục nghề làm cốm truyền thống, ông Toản đã bỏ cấy thóc tẻ để cấy 3 mẫu nếp hương.

Ông Toản mong muốn đưa đặc sản cốm quê hương ngày càng vươn xa

Ông Toản mong muốn đưa đặc sản cốm quê hương ngày càng vươn xa

“Từ nhỏ tôi đã được ăn những hạt cốm non thơm do ông nội làm, thích đến mức nhiều khi đòi ăn thay cơm. Khi địa phương tạo điều kiện khôi phục nghề làm cốm truyền thống, tôi đã động viên gia đình với niềm tin cốm sẽ là cái tên được nhắc nhiều nhất khi nói về đặc sản của Hải Dương sau này!”. Đó là chia sẻ của cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Đình Toản ở thôn Trác Châu, xã An Thượng (TP Hải Dương) những ngày đầu xuân này.

Ở vùng đất Trác Châu vốn nổi tiếng với sản phẩm gạo nếp và cốm, ông Toản được biết đến là một CCB tiêu biểu trong phát triển kinh tế. Sinh năm 1965, 18 tuổi ông Toản lên đường nhập ngũ, tham gia chiến tranh biên giới phía Bắc. Năm 1987, khi mới xuất ngũ ông Toản tâm niệm sẽ gắn bó với mảnh ruộng, con trâu, cái cày. Nhưng làm nghề nông chỉ đủ ăn, thậm chí có năm mất mùa đói kém là điều ông Toản luôn trăn trở. Xã An Châu (cũ) quê ông có nghề làm cốm truyền thống. Theo lịch sử Đảng bộ xã, từ năm 1890 xã An Châu đã có 20 gia đình làm cốm, tập trung ở các thôn Thượng, Trác Châu. Ông nội của ông Toản từ năm 1945 đã có của ăn của để từ nghề làm cốm. Cốm Trác Châu khác với cốm ở các vùng bởi được làm từ chính lúa nếp do dân làng tự cấy trồng, vị thơm, dẻo ngọt.

Năm 1999, khi thôn Trác Châu bắt đầu khôi phục nghề làm cốm truyền thống, ông Toản đã bỏ cấy thóc tẻ để cấy 3 mẫu nếp hương. Ban đầu ông làm cốm giã tay với quy mô nhỏ, đem ra chợ làng, chợ huyện bán. Dần dần vợ chồng ông mở rộng sản xuất, bán cốm ở nhiều nơi. Ông vay vốn để đầu tư trang thiết bị, nâng cấp dây chuyền làm cốm. “Lúc vay tiền tôi cũng run lắm vì chẳng may thất bại thì cả nhà sẽ ở đâu. Nhưng tôi nghĩ cốm An Châu ngon có tiếng, nếu bảo đảm vệ sinh, thơm ngon, giá cả hợp lý thì lo gì không có khách", ông Toản nói. Khi sản phẩm đã đạt đến độ ngon như mong đợi, vợ chồng ông Toản đem đi giới thiệu ở các nơi trong và ngoài tỉnh nên khâu tiêu thụ dần ổn định.

Đến nay, ông Toản đã có một cơ sở sản xuất cốm rộng hơn 2.000 m2, 3 mẫu ruộng lúa nếp. Mỗi tháng, cơ sở của ông làm được từ 1,5-2 tấn cốm. Từ cốm dẻo, tùy theo nhu cầu của khách ông Toản còn chế biến thành cốm khô, cốm rang... cung cấp cho các lễ hội, điểm tham quan du lịch, cửa hàng bán lẻ, quán ăn.

Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (Covid-19) đang gây ảnh hưởng đến mùa làm ăn chính của người làm cốm khiến gia đình ông Toản và nhiều hộ ở xã An Thượng lao đao. Không chịu lùi bước, thay vì mang sản phẩm bán tại các di tích, lễ hội, quán ăn như trước, ông Toản cùng cả nhà kiên trì tới các nhà hàng, khách sạn, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị để giới thiệu mặt hàng.

Ông cũng giới thiệu sản phẩm trên các trang mạng xã hội và chuyển từ bán lẻ ở một điểm sang giao hàng tận nơi nếu khách yêu cầu. Ông cũng liên hệ với các cơ sở có nhu cầu sử dụng cốm làm nguyên liệu chế biến thực phẩm. Nhiều khách hàng ở cả các địa phương lân cận như TP Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Ninh đã ký hợp đồng mua cốm của ông Toản với số lượng lớn để chế biến các món như chả cốm, tôm tẩm cốm chiên, bánh cốm, xôi chè cốm, kem cốm...

Sau kỳ nghỉ Tết, nhiều du khách, bà con Việt Kiều nghe tiếng cốm của gia đình ông còn tìm về tận nhà đặt mua làm quà ra nước ngoài. Để đáp ứng lượng khách tăng mạnh, ông Toản vừa sáng chế được máy giã cốm, tiết kiệm chi phí thuê nhân công. Trong vòng 1 giờ, máy giã được khoảng 15 kg nếp, nhiều hơn 5 kg so với giã bằng tay. Cốm được giã bằng máy cũng đẹp và đều hơn so với giã thủ công. Khi hỏi về những khó khăn trong những ngày qua, ông Toản nói rằng: “Chính nhờ thử thách mà ý chí sáng tạo của cả gia đình được phát huy!”.

Nhờ nghề làm cốm, gia đình ông Toản đã xây được ngôi nhà khang trang. Ông được công nhận là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp nhiều năm liền, được Hội CCB các cấp khen thưởng. Thời gian tới, ông Toản mong muốn chung sức cùng nhiều người dân vượt qua thử thách, đưa đặc sản cốm An Thượng ngày càng vươn xa.

THU HẰNG

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/kinh-te---tieu-dung/cuu-chien-binh-phat-trien-nghe-lam-com-truyen-thong-128175