Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử làm giàu từ những chiếc sừng

Sinh ra và lớn lên tại ngôi làng có truyền thống chạm sừng nổi tiếng hơn 400 năm, từng công đoạn chạm sừng đã trở nên quen thuộc với cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử (sinh năm 1960) ở làng Thụy Ứng, xã Hòa Bình, huyện Thường Tín (Hà Nội) ngay từ khi còn nhỏ. Tiếp bước thế hệ đi trước, ông Sử ngày ngày biến những mảnh sừng thô cứng trở nên mềm mại, có hồn và sáng tạo thêm nhiều sản phẩm mới.

Làm giàu từ nghề truyền thống

Tôi tìm đến cơ sở chạm sừng của cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử là lúc ông đang say sưa chế tác các sản phẩm từ sừng trâu, sừng bò. Thấy tôi đến, ông nhiệt tình tư vấn những sản phẩm trưng bày tại cơ sở và kể câu chuyện về làm nghề.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử cưa sừng chế tác sản phẩm.

Nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, tháng 2-1979, chàng trai trẻ Nguyễn Văn Sử đã lên đường tòng quân bảo vệ biên giới phía Bắc. Sau hơn 4 năm phục vụ quân ngũ, tháng 6-1983, anh thanh niên xuất ngũ trở về quê nhà. Với sự yêu thích đặc biệt với nghề truyền thống của ông cha, khi trở về cuộc sống đời thường, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử quyết định làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Vừa say sưa chế tác sản phẩm từ sừng, ông Sử cho biết, tính đến nay ông đã có hơn 50 năm gắn bó với nghề truyền thống của làng. Từ khi lên 9-10 tuổi, ông đã bắt đầu phụ giúp cha mẹ công đoạn mài sừng. Khó khăn nhất khi làm nghề thời ấy là sừng khan hiếm, không có nhiều như ngày nay. Lúc bấy giờ con trâu, con bò chỉ để dùng sức kéo cày, khi nào già yếu hay nơi nào có lễ hội, cỗ bàn mổ trâu, bò thì mới có để mua.

Hiện nay, trâu, bò được sử dụng làm thực phẩm nhiều nên việc thu mua sừng trâu, sừng bò không còn khó khăn như trước. Khi nguồn sừng trong nước không đủ, có thể nhập sừng từ Lào, Thái Lan, Campuchia và các nước châu Phi.

Chỉ vào những chiếc lược nhỏ đang trưng bày một góc tại cơ sở, ông Sử cho biết: “Giá của nó chỉ vài chục nghìn, nhưng để tạo ra phải trải qua 30 công đoạn mới hoàn thành”.

Những chiếc lược được tạo ra phải qua rất nhiều công đoạn.

Đầu tiên, sừng trâu, sừng bò khi mua về sẽ rút lõi cứng ra, tiếp tới hơ lửa hoặc luộc sừng trong dầu để làm mềm. Sau đó, sử dụng máy ép thủy lực ép sừng cho bẹp, rồi cắt thành những mảnh nhỏ gọi là phôi. Từ phôi sẽ chế tác thành các sản phẩm. Các sản phẩm thô tiếp tục được đánh bóng và lên màu tự nhiên. Tiếp tới công đoạn được coi là khó nhất, đó chính là cắt răng lược, không khéo sẽ bị gãy và không đều. Cuối cùng là chạm khắc những họa tiết làm đẹp cho chiếc lược hoàn chỉnh, có tính thẩm mỹ cao.

Những chiếc lược sau khi được chế tác hoàn chỉnh.

Sáng tạo để vươn xa

Không chỉ dừng lại ở việc chế tác những chiếc lược sừng, với đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử còn làm ra những sản phẩm mỹ nghệ độc đáo, tinh xảo như: Chùa Một cột, con rùa, con rồng, khung tranh, đèn ngủ, trang sức, thìa, bát, đĩa,… những sản phẩm ông Sử chế tác đa dạng về chủng loại, phong phú về mẫu mã, đáp ứng được nhu cầu thị hiếu của khách hàng đã mang lại giá trị kinh tế cao.

Nhiều sản phẩm mới được cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử tạo ra từ sừng.

Nhiều sản phẩm của ông không chỉ được khách hàng khắp nơi trong nước ưa chuộng mà còn xuất khẩu sang nước ngoài, trở thành sản phẩm thủ công mỹ nghệ vô cùng độc đáo của Việt Nam. Trong năm 2023, bộ sản phẩm gỗ, sừng Khuê Văn Các do ông chế tác đã đoạt giải nhất cuộc thi thiết kế mẫu sản phẩm thủ công mỹ nghệ Hà Nội và sản phẩm bộ đôi đèn ngủ chế tác từ sừng của ông được chứng nhận là sản phẩm công nghệ nông thôn tiêu biểu cấp thành phố do UBND thành phố Hà Nội trao giấy chứng nhận. Trước đó, khi huyện Thường Tín vẫn thuộc tỉnh Hà Tây, năm 2005 cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử của ông đã được UBND tỉnh Hà Tây trao giấy chứng nhận danh hiệu “Tinh hoa quê lụa”.

Ông Sử tư vấn sản phẩm cho khách tham quan tại hội chợ.

Hàng chục năm qua, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử là Giám đốc của cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử, tạo công ăn việc làm cho hơn 10 lao động thường xuyên với mức thu nhập khá.

Cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương.

Đầu năm 2023, làng nghề lược sừng Thụy Ứng (Thường Tín, Hà Nội) đã đón nhận quyết định của UBND thành phố Hà Nội công nhận là điểm du lịch làng nghề. Trong đó, cơ sở sản xuất của ông Sử được chọn làm địa điểm trải nghiệm chế tác các sản phẩm từ sừng cho khách du lịch.

“Chúng tôi sẵn sàng đón khách du lịch, kể những câu chuyện về chiếc lược sừng và giới thiệu về nền văn hóa, sự phát triển của làng nghề. Bên cạnh đó, du khách tham quan tìm hiểu làng nghề, biết được những dụng cụ từ thời cha ông đã sáng tạo ra. Những dụng cụ thủ công là gốc gác quan trọng của làng nghề chúng tôi”, nghệ nhân Nguyễn Văn Sử bày tỏ.

Ông Nguyễn Văn Sử là một trong số 100 nghệ nhân, thợ giỏi trong lĩnh vực thủ công mỹ nghệ toàn quốc có buổi gặp mặt thân mật với Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong năm 2023.

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử có hai người con trai, hiện nay sau khi học xong đại học, hai anh đã quyết định nối nghiệp và phát triển cơ sở sản xuất mỹ nghệ sừng Mười Sử của bố.

Anh Nguyễn Thành Trung, con trai cả của ông Sử chia sẻ: “Hiểu được tâm tư của bố muốn gìn giữ và phát triển nghề truyền thống của quê hương, chính bởi vậy mình đã cùng em trai góp sức phát triển nghề. Nhận thấy làm thủ công cho sản lượng thấp, cách đây khoảng 10 năm, gia đình mình đã đầu tư hàng trăm triệu đồng mua máy móc, cải tiến mẫu mã và áp dụng những kiến thức về công nghệ thông tin, đồ họa,…mình học được ở trường đại học vào công việc kinh doanh. Bên cạnh đó, mình học thêm ngoại ngữ, làm trang thông tin giới thiệu sản phẩm, kết nối với thị trường nước ngoài để giúp cho nghề truyền thống của quê hương có thể tiếp cận với nhiều khách hàng hơn nữa”.

Trong căn phòng khách là rất nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của các cấp trao tặng cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử.

Đồng chí Hoàng Đình Tuân, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Hòa Bình (Thường Tín, Hà Nội) cho biết, cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử không chỉ là một hội viên làm kinh tế giỏi mà còn là người luôn đi đầu trong mọi hoạt động của Hội. Với sự nỗ lực, tích cực của bản thân, ông Sử đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen, giấy chứng nhận của các cấp về việc gìn giữ, phát triển làng nghề truyền thống và làm kinh tế giỏi. Đặc biệt, năm 2020 ông được Hội Cựu chiến binh Thành phố Hà Nội trao tặng giấy chứng nhận đạt danh hiệu Cựu chiến binh sản xuất kinh doanh giỏi cấp thành phố. Cựu chiến binh Nguyễn Văn Sử xứng đáng là một tấm gương sáng cho các hội viên trong Hội học tập và noi theo.

Bài, ảnh: DIỆU HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/cuu-chien-binh-nguyen-van-su-lam-giau-tu-nhung-chiec-sung-754001