Cựu chiến binh làm giàu trên vùng đất khó

ĐBP - Gần chục héc ta đất hoang hóa, khô cằn trên đồi Púng Cô đã được phủ một màu xanh mướt của lúa, ngô, mía, cà phê, cây ăn quả và cây lấy gỗ. Đó là kết quả của sự lao động không ngừng nghỉ của cựu chiến binh Bạc Cầm Phiu, bản Nà Dên, xã Xuân Lao (huyện Mường Ảng) - người luôn tâm niệm học Bác từ những việc nhỏ, không từ bỏ mục tiêu phấn đấu và không chấp nhận đói nghèo.

Ông Bạc Cầm Phiu chăm sóc vườn cây ăn quả.

Ông Bạc Cầm Phiu tiếp chuyện chúng tôi trong căn nhà sàn khang trang, rộng rãi giữa sườn đồi với bạt ngàn cây cối được quy hoạch bài bản. Chiếc áo blu dông bạc màu và túi thổ cẩm đeo vắt chéo qua hông, giọng hào sảng, ông Phiu hồ hởi kể: “Tôi rời quân ngũ từ Đồn Biên phòng Ka Lăng, huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu) năm 1988. Hành trang trở về là chiếc ba lô và ý chí của người lính. Tài sản lớn nhất của gia đình lúc đó là chiếc xe đạp Thống Nhất mà gia đình phải tích cóp mãi mới mua được ở cửa hàng mậu dịch Tuần Giáo. Giờ đây, dù tiềm lực kinh tế đã mạnh, gia đình đã mua 2 xe ô tô tải để vận chuyển nông sản, mua bán hàng hóa nhưng với tôi, chiếc xe đạp Thống Nhất vẫn là kỷ vật để nhắc nhở một thời gian khó”.

Chỉ tay lên ngọn đồi Púng Cô, ông Bạc Cầm Phiu phân trần: Chỗ này trước đây là đất hoang hóa, lớp đất màu trên bề mặt bị rửa trôi bởi những cơn mưa, trơ ra toàn sỏi, đến cỏ gianh cũng vàng vọt, cằn cỗi. Không ngại khó khăn, tôi bắt tay cải tạo, ngăn khe, be bờ, quy hoạch đất thành từng lô. Chỗ có mạnh nước ngầm thì ngăn bờ làm ruộng, khu vực cao hơn cải tạo trồng cà phê, còn dưới khe đồi tích nước làm ao thả cá. Kết quả sau nhiều năm nỗ lực, gia đình tôi cải tạo được 4.000m2 lúa nước, trồng 6ha cà phê.

Những năm đầu, cà phê được mùa, giá bán ổn định đã mang lại nguồn thu chính cho gia đình. Vài năm trở lại đây giá cà phê giảm mạnh nhưng ông Phiu không chặt bỏ mà tìm cách trồng xen canh 300 cây mắc ca và trên 1.000 cây dổi. “Cây mắc ca đến nay đã ra quả vụ thứ 2, còn cây dổi đang trong thời kỳ phát triển mạnh, cây bé nhất cũng bằng cái phích Rạng Đông, còn cây to hơn cũng gần bằng cái cột nhà”- ông Bạc Cầm Phiu vui vẻ chia sẻ.

Theo cách giải thích của ông Phiu, hai loại cây này tuy giá trị kinh tế khác nhau, nhưng đều có chung một lợi ích là tạo bóng mát cho cây cà phê. Vì thế mô hình trồng cây nông - lâm kết hợp đã cho thu nhập kép; dù cà phê không còn bán được giá cao như trước, nhưng với cách làm này gia đình ông vẫn có lãi, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng mỗi năm; riêng cây mắc ca, vụ thứ 2 đã thu về trên 70 triệu đồng từ bán hạt.

“Chăm sóc mô hình này dễ lắm, đối với cà phê thì khi hái quả xong phải tỉa cành, lúc cây ra hoa thì tỉa một lần nữa những cành già, không ra hoa; còn với cây dổi thì chỉ tỉa cành vào mùa mưa để cho cây phát triển toàn diện, khi mùa khô đến, cành cao đã tỏa bóng, che mát cho cà phê” - ông Phiu chia sẻ kinh nghiệm.

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình trang trại gần chục héc ta với đủ các loại cây, ông Phiu giới thiệu: Kia là trên 1.000 cây chuối tiêu, còn bên cạnh là 5.000m2 mía tím. Với chuối tiêu, tôi trồng vào tháng 4, 5; cứ 2 năm trồng lại một lần, chuối phát triển mạnh, ra hoa, trổ buồng tốt hơn. Dưới khe đồi là gần 200m2 ao với đủ các loại cá trôi, trắm, chép, rô phi… Hướng mắt về phía đàn gà dưới tán cây xanh, ông Bạc Cầm Phiu bộc bạch: Do gà được chăn thả trong môi trường tự nhiên, chất lượng thịt ngon nên các thương lái vào tận nhà thu mua. Từ mô hình nông lâm kết hợp này, trừ chi phí, gia đình tôi có thu nhập 300 triệu đồng/năm; tạo việc làm cho 15 lao động địa phương theo thời vụ.

Là người có tính hào sảng, rộng lượng, ông Bạc Cầm Phiu luôn gương mẫu đi đầu trong các phong trào thi đua của địa phương. Được biết, năm 2014, khi xã có chủ trương làm đường liên bản Nà Dên - Huổi Cắm, ông Phiu đã tự nguyện hiến trên 1.000m2 đất của gia đình để nắn lại con đường cho thẳng. Cũng vì thế mà giờ đây, trang trại của gia đình ông chia làm đôi bởi con đường liên bản chạy qua.

Ghi nhận những đóng góp của ông Bạc Cầm Phiu trong phong trào phát triển kinh tế, những năm qua, các cấp chính quyền huyện Mường Ảng nhiều lần tặng giấy khen. Đặc biệt, năm 2017 ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh. Còn nhớ tại Hội nghị điển hình tiên tiến huyện Mường Ảng lần thứ II, ông Bạc Cầm Phiu vinh dự được lựa chọn phát biểu tham luận, ông chia sẻ rằng: “Học Bác là học từ những việc làm nhỏ nhất, khi muốn làm việc gì phải phấn đấu làm đến cùng, không vì khó khăn mà từ bỏ mục tiêu phấn đấu, không chấp nhận sự đói nghèo.”

Bài, ảnh: Tú Anh

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/180526/cuu-chien-binh-lam-giau-tren-vung-dat-kho