Cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế

Hội Cựu chiến binh (CCB) phường Tân Thành (T.P Thái Nguyên) có 16 chi hội, 342 hội viên. Từ năm 2017, Hội không còn gia đình hội viên nghèo. Ở mặt trận phát triển kinh tế, tất cả những CCB, dù không cùng thế hệ, nhưng luôn đoàn kết, chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ nhau vượt khó vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Lã Đức Thành, Chủ tịch Hội CCB phường Tân Thành (ngoài cùng bên phải) trao đổi với các hội viên về phong trào sản xuất, kinh doanh giỏi (ảnh chụp tại xưởng mộc của CCB Nguyễn Ngọc Chuyển, Chi hội 12).

Việc “áo, cơm” không phải chuyện đùa với nhiều CCB. Nhưng ý chí tự lực, tự cường đã thôi thúc, động viên các CCB khắc phục khó khăn, vượt lên chính mình, trở thành tấm gương sáng trong phong trào làm kinh tế giỏi. Ông Nguyễn Văn Bình, Chi hội 3, một trong những hội viên CCB làm kinh tế giỏi chia sẻ: Hầu hết hội viên chúng tôi đều bắt đầu lập thân từ đôi bàn tay trắng. Song bằng ý chí, nghị lực, quyết tâm vươn lên, nhiều người trong chúng tôi trở thành hộ có kinh tế khá, giỏi ở địa phương… Hỏi về thu nhập, ông Bình cho biết: Gia đình tôi làm nông nghiệp, với 10 sào đất lúa 2 vụ, 1 năm thu hoạch được trên 3 tấn thóc. Chăn nuôi gà thả vườn ở quy mô nhỏ, 200 con/lứa, 1 năm xuất chuồng 3 lứa, đạt hơn 1 tấn. Chăn nuôi 5 lợn nái, duy trì tổng đàn hơn 60 con/lứa, xuất chuồng 3 lứa/năm, đạt hơn 15 tấn lợn thịt/năm. Tổng thu nhập của gia đình đạt hơn 200 triệu đồng/năm.

Ông Lã Đức Thành, Chủ tịch Hội CCB phường cho biết: Trong 5 năm gần đây, Hội tăng cường chủ động phối hợp với các cấp, ngành liên quan, tổ chức hội, đoàn thể tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi; kỹ năng quản lý vốn, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho hơn 200 lượt cán bộ, hội viên. Cùng với đó, Hội nhận ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội vay vốn ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh cho hội viên, với số vốn duy trì thường xuyên hơn 500 triệu đồng cho hàng chục lượt hội viên vay phát triển kinh tế. Ở gần đó, ông Nguyễn Văn Sắc, Phó Chủ tịch Hội CCB phường góp lời: Hội viên còn chủ động tham gia đóng góp xây dựng chân quỹ, tạo nguồn vốn tại chỗ. Hiện chân quỹ toàn Hội đạt gần 200 triệu đồng. Nhờ nguồn vốn này, nhiều gia đình hội viên có điều kiện đầu tư sản xuất đúng thời vụ, hoặc đầu tư mở rộng cơ sở sản xuất, mở cửa hàng kinh doanh, dịch vụ nâng cao thu nhập cho gia đình.

Chuyện CCB làm giàu, ông Đào Trọng Đạt, Chi hội 5 chia sẻ: Trên mặt trận phát triển kinh tế, nếu không quyết tâm thì sẽ không gặt hái được thành quả như mong đợi. Năm 2017, một số thị trường lớn “quay lưng” với gà thịt, làm nhiều hộ chăn nuôi bị thua lỗ, phải “gác chuồng”. Khi ấy tôi đã suy nghĩ rất nhiều rồi quyết định đầu tư vốn chăn nuôi gà trang trại. Nhiều người can ngăn, nhưng tôi nghĩ: Nếu nhiều người “bỏ chuồng”, chắc chắn trên thị trường sẽ thiếu nguồn cung, giá gà sẽ nhanh chóng tăng trở lại, vì thế tôi đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi gà ở quy mô 10.000 con/lứa, xuất bán 3 lứa/năm, sản lượng cả năm đạt hơn 70 tấn, trừ chi phí đầu tư còn có lãi hơn 300 triệu đồng/năm.

Mỗi người có một cách làm giàu, CCB Hà Mai Phượng, Chi hội 9 và CCB Vũ Xuân Trường, Chi hội 11 mạnh dạn đứng ra đảm nhận với chính quyền địa phương về việc quản lý chợ. Bà Phượng quản lý chợ Tích Lương. Ông Trường quản lý chợ Vó Ngựa. Bà Phượng cho biết: Đứng ra quản lý chợ, ngoài việc thu phí, lệ phí của các hộ kinh doanh buôn bán, chúng tôi còn làm nhiệm vụ vệ sinh môi trường và bảo vệ an toàn cho người dân trong khu vực chợ do chúng tôi quản lý… Hằng năm, sau khi nộp phí khoán cho ngân sách địa phương theo quy định; trả tiền cho lao động tham gia Ban Quản lý chợ, thu nhập của tôi còn hơn 400 triệu đồng/năm. Với CCB Nguyễn Ngọc Chuyển, Chi hội 12 lại gắn bó với nghề mộc. Ông cho biết: Cơ sở mộc của chúng tôi được duy trì từ hơn 20 năm nay. Thợ thuyền có tôi và các đồng chí CCB của T.P Thái Nguyên, có thời điểm cơ sở tạo việc làm cho gần 30 CCB. Trong sản xuất tôi vừa làm chủ, vừa làm thợ, hằng năm trừ chi phí đầu tư và trả lương cho người lao động, tôi còn có dư 250 triệu đồng/năm.

Trên địa bàn phường Tân Thành còn có nhiều gia đình CCB làm kinh tế giỏi. Họ không chỉ làm giàu cho gia đình, mà còn tạo được nhiều việc làm cho người lao động, có đóng góp nhất định cho ngân sách địa phương. Đồng thời, họ là những người tiên phong, gương mẫu trước các phong trào thi đua yêu nước, tích cực giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn vươn lên, ổn định cuộc sống.

Phạm Ngọc Chuẩn

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/cuu-chien-binh-giup-nhau-lam-kinh-te-264884-108.html