Cuộc trùng phùng của những người lính Gạc Ma

Sau trận hải chiến Gạc Ma bi hùng trên biển năm 1988, dù sống sót dưới họng súng quân thù nhưng vì mưu sinh, một cựu binh Gạc Ma đã mất liên lạc với đồng đội hơn 30 năm có lẻ. Nay, số phận run rủi cho họ có cơ hội gặp lại nhau. Những người cựu binh trong cuộc trùng phùng đó không giấu được những giọt nước mắt mừng tủi...

Ở Quảng Trị, ngoài gia đình 2 liệt sĩ Gạc Ma là Hoàng Ánh Đông và Tống Sỹ Bái, 3 cựu binh còn sống sót khá nổi tiếng gồm ông Trần Thiện Phụng (55 tuổi), sống ở TP.Đông Hà, Trần Quang Dũng (52 tuổi) và Trần Xuân Bình (52 tuổi), cùng sống ở xã Gio Việt, huyện Gio Linh. Bởi với nhiều người, họ là những anh hùng trở về từ cõi chết. Và dẫu chỉ có chừng ấy cá nhân nhưng họ cũng thành lập Ban liện lạc gia đình liệt sĩ và cựu binh Gạc Ma tỉnh Quảng Trị hẳn hoi. Bất ngờ, chiều 11/2/2020, Trưởng ban liên lạc Trần Thiện Phụng thông báo với tôi rằng: “Năm nay, chúng tôi vừa kết nạp thành viên mới. Người từng cùng chúng tôi bước lên con tàu HQ 604 ra đảo Gạc Ma, nhưng hơn 30 năm chưa hề gặp lại”.

Phút giây trùng phùng của những cựu binh Gạc Ma trong dịp 14/3/2020 (ông Võ Văn Hùng ở giữa). Ảnh: Nguyễn Phúc

30 năm thèm một lần gọi tên đồng đội

Người cựu binh đó là ông Võ Văn Hùng (54 tuổi), quê xã Cam An, huyện Cam Lộ. Năm 1987, ông Hùng lên đường gia nhập lực lượng Hải quân Việt Nam. Sau 1 năm huấn luyện, ông cùng 5 chàng trai trẻ quê Quảng Trị và nhiều đồng đội thuộc Trung đoàn E83 (Bộ Tư lệnh Hải quân) bước lên con tàu HQ 604 nhắm thẳng đảo Gạc Ma mà đi. Sáng 14/3, ông Hùng cùng đồng đội vốn là lính công binh nhảy xuống xuồng, vận chuyển sắt, thép, xi măng lên đảo... “Tôi còn nhớ khi mặt trời vừa ló dạng, Trung Quốc đã bao vây Gạc Ma và tàu HQ 604. Chúng nổ súng đánh chìm tàu. Còn chúng tôi, những người đã lên đảo chỉ biết nằm bẹp người xuống đất né đạn, ứa nước mắt nhìn tàu HQ 604 cùng đồng đội chìm dần”, ông Hùng kể lại, giọng run run.

Cũng theo lời kể của người cựu binh này thì sau vài chục phút, Trung Quốc rút đi, những người lính Việt Nam nào còn sống thì lên xuồng, chèo ra giữa biển. “Chúng tôi cứ thả trôi như vậy từ 8 giờ sáng đến khoảng 4 giờ chiều cùng ngày thì mới được tàu HQ 505 vớt lên. Tối đó, chúng tôi được đưa về đảo Sinh Tồn, được cho ăn uống, nghỉ ngơi khi trên người chỉ còn độc một chiếc quần đùi”, ông Hùng nói.

Sau khi chứng kiến cuộc xả súng tàn khốc làm 64 đồng đội hy sinh đó, ông Hùng vẫn ở lại phục vụ Hải quân thêm 2 năm nữa, vẫn vào ra các đảo vài tháng 1 chuyến để xây dựng đảo, mãi cho đến tháng 3/1990 mới ra quân.

Trở về Quảng Trị, ông lấy vợ năm 1992, cũng vào năm đó do cảnh sống ở quê nhà quá khó khăn, người lính hải quân xuất ngũ đã dắt díu vợ và đứa con đầu lòng sang Lào để mưu sinh. Gia đình ông sống chủ yếu ở huyện Sê Pôn, tỉnh Savannakhet. Để nuôi gia đình, vốn được “bổ sung” tận 4 đứa con, lần lượt ra đời sau đó, ông Hùng đã làm đủ thứ nghề, từ bốc gỗ, lái xe, cưa xẻ... Điểm chung của tất cả các công việc là ông luôn làm thuê, chứ chưa được làm chủ bao giờ. “Cuộc sống của tôi khá vất vả nhưng tôi chưa bao giờ quên đồng đội, quên trận chiến Gạc Ma. Không có điều kiện lập gian thờ, cứ đến ngày 14/3 hằng năm, tôi thắp hương bái vọng trời đất, cầu cho vong linh những đồng đội ngã xuống được bình yên... Nhiều lúc kỷ niệm cứ ùa về, tôi thèm kêu tên đồng đội đến quay quắt. Chỉ mong gặp lại bất kỳ một người nào đó để ngồi lại ôn chuyện ngày xưa”, ông Hùng nói.

Tìm thấy nhau vì luôn nghĩ về nhau

Sau một vài lần trở về thăm quê, năm 2018, gia đình ông Hùng mới về sống hẳn ở xã Cam An, huyện Cam Lộ. Điều đầu tiên mà vị cựu binh này nghĩ đến, ấy chính là đi tìm đồng đội. “Tôi đã đánh tiếng với nhiều đồng đội từng nhập ngũ vào năm 1987, rằng tôi muốn tìm lại những người bạn từng lên tàu HQ 604 ra Gạc Ma năm đó. Bởi thời đó lên đường, chỉ biết với nhau là quê Quảng Trị chứ có biết nhà cửa, cha mẹ ở đâu”, ông Hùng nói.

Cựu binh Gạc Ma kết bè hoa tưởng niệm 64 đồng đội đã hy sinh. Ảnh: Nguyễn Phúc

Và lần này, cuộc tìm kiếm của ông Hùng có kết quả khi liên lạc với Trưởng ban liên lạc Trần Thiện Phụng. “Khi vụ nổ súng 1988 xảy ra, tôi vẫn ở trên tàu HQ 604. Tàu chìm, tôi vớ được khúc gỗ trôi trên biển. Sau gần nữa ngày, khi đã mệt lử thì tàu Trung Quốc mới vớt tôi lên, đưa về “giam lỏng” ở bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc). Ngày 2/9/1991, tôi được trở về Việt Nam qua Hữu Nghị quan. Nhiều năm qua, khi thành lập ban liên lạc lính Gạc Ma Quảng Trị, tôi cứ đau đáu mãi một việc là phải tìm cho ra một người lính Gạc Ma nữa quê ở Quảng Trị trên chuyến tàu năm ấy”, ông Phụng nói.

Ký ức đời lính từng sống chết với nhau trên biển đã thôi thúc họ đi tìm nhau và cuộc trùng phùng ấy đã đến vào một dịp không thể đặc biệt hơn: 14/3/2018. “Khi ấy tôi nghe người ta nói có một cuộc gặp gỡ lính Gạc Ma ở TP.Đông Hà, nên lập tức xin nghỉ việc, phóng xe máy 41 km từ chỗ làm về địa điểm mà tôi nghe nói là mọi người đang ở đó. Tôi đã không hoài công, vì đó là lần đầu tiên tôi gặp lại anh Trần Thiện Phụng, anh Trần Quang Dũng, Trần Xuân Bình... sau 30 năm”, ông Hùng nói, mắt vẫn còn nhòe đi vì xúc động.

Những người chứng kiến cuộc trùng phùng của những người cựu binh Gạc Ma hôm đó hẳn sẽ không bao giờ quên cảnh những người đàn ông đều bước qua ngũ tuần, tóc đã muối tiêu, ôm chầm lấy nhau, hết khóc rồi cười, hết cười rồi khóc... hệt như những đứa trẻ. Câu chuyện bắt đầu từ những câu hỏi: “Mi chừ ở mô? Mi chừ mần chi? Vợ con mi răng rồi?” cuối cùng cũng dẫn dắt họ về với quá khứ của năm 1988, giữa biển trời Gạc Ma.

Lính đảo về với đời

Khi về với cuộc sống đời thường, những cựu binh Gạc Ma ở Quảng Trị có đời sống khá bình dị, có người vẫn còn vất vả. Như ông Hùng sau mấy chục năm mưu sinh nơi đất khách, trở về quê không có gì ngoài bàn tay trắng. 54 tuổi, ông vẫn đi lái máy múc cho một công ty xây dựng cách nhà 41 km với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhờ chương trình Nhịp cầu Hoàng Sa tặng 300 triệu nên đầu năm 2020 ông mới cất được căn nhà. Còn Trưởng ban liên lạc Trần Thiện Phụng, dù rất ít ốm đau nhưng mắc chứng mất ngủ kinh niên. Việc chính của anh từ nhiều năm nay là phụ vợ bán bún vào buổi sáng, thời gian còn lại anh chỉ quanh quẩn trong nhà, chơi với cháu con. Khỏe mạnh và ăn to nói lớn nhất trong nhóm là cựu binh Trần Quang Dũng. Ông từng là thuyền trưởng tàu cá chuyên đánh bắt ở ngư trường Hoàng Sa- Trường Sa. Nhưng cách đây hơn 1 năm, vợ mất vì ung thư, ông bán tàu, trở về phụ em gái bán cơm bình dân ở thị trấn Cửa Việt. “Tôi bây giờ là đầu bếp chính. Mỗi ngày nấu 120 lon gạo, kho 15 kg thịt gà, 10 kg thịt heo, xào 15 kg rau và 80 lít nước canh... phục vụ cho khoảng 150 suất cơm bình dân. Lương em gái tôi trả tháng 5 triệu đồng. Hằng ngày tôi vẫn dậy sớm tập thể dục, tối lỡ có làm chén rượu thì về nhà vẫn ăn hết cả lon gạo”, ông Dũng nói rành mạch.

Cuối cùng, chỉ còn cựu binh Trần Xuân Bình là còn giữ công việc gắn liền với biển, ông vẫn là ngư dân, vẫn đều đặn dong thuyền ra khơi kiếm cá tôm mang về đất liền. Thi thoảng ông vẫn đi qua Gạc Ma...

Theo ông Phụng, những năm gần đây, cứ đến dịp 14/3, những người lính và thân nhân liệt sĩ Gạc Ma lại về biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), quê của cựu binh Lê Hữu Thảo để tổ chức lễ tưởng niệm và ăn với nhau một bữa cơm. Năm nay, tình hình COVID-19 diễn biến phức tạp khiến các cựu binh tỉnh nào tổ chức tỉnh đó. Sáng 12/3/2020, 4 cựu binh Gạc Ma sống sót ở Quảng Trị đã kết bè hoa mang về biển Cửa Việt. Cùng với những lời nguyện cầu, họ chắp tay nhìn bè hoa nghi ngút khói hương, trôi dập dềnh ra xa dần. Mới hay, dẫu cửa biển này rất xa Gạc Ma, có thể đến vài trăm hoặc cả ngàn hải lý, nhưng một phần ký ức của những người cựu binh đang đứng ở đây đã nằm lại ở hòn đảo đó. Hòn đảo thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam!

Nguyễn Phúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=148705