'Cuộc đua vắc-xin tăng tốc', nước nào về đích đầu tiên?

Bất chấp nhiều nhà lãnh đạo thế giới kêu gọi vắc-xin trở thành một loại hàng hóa công, phục vụ tất cả mọi người, một số quốc gia vẫn tiến hành thỏa thuận độc quyền với các công ty dược.

Nhân viên giới thiệu mẫu vắc-xin phòng COVID-19 được nghiên cứu tại phòng thí nghiệm ở Burgess Hill, Anh ngày 15/5. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), một vài “ứng viên” vắc-xin ngừa dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn thử nghiệm cuối cùng trên người, song những ai được hưởng đầu tiên một khi vắc-xin sẵn sàng phân phối lại là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.

Trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các chính trị gia như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều nhất trí kêu gọi các loại vắc-xin ngừa COVID-19 nên là hàng hóa công toàn cầu, thì trên thực tế, nhiều quốc gia đã tiến hành thỏa thuận với các công ty dược để đảm bảo họ là những người nhận vắc-xin đầu tiên.

Một trong những loại vắc-xin tiềm năng sắp đạt đến ngưỡng hoàn thiện là vắc-xin do các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Oxford và công ty dược đa quốc gia AstraZeneca phát triển. Vắc-xin này dự kiến sẽ đến tay người dân Anh trong tháng 9 tới. Tháng trước, Chính phủ Anh đã ký một thỏa thuận với đơn vị sáng chế cấp 30 triệu liều đợt đầu tiên, và sau đó là 70 triệu liều cho đợt tiếp theo.

Chính phủ Mỹ cũng hỗ trợ tài chính cho quá trình phát triển sản phẩm này, nên đổi lại, họ sẽ nhận được 300 triệu liều vắc-xin.

Đầu tháng 6, Pháp, Đức, Italy và Hà Lan thành lập Liên minh Vắc-xin toàn diện nhằm thúc đẩy nỗ lực sản xuất vắc-xin và họ muốn các công ty dược phẩm nhất trí sản xuất vắc-xin ở bất kỳ nơi nào có thể tại châu Âu.

Trong khi đó, do chấp nhận là nơi tiến hành thử nghiệm vắc-xin ngừa COVID-19 của Trung Quốc, các nước như Canada, Brazil và Các tiểu Vương Quốc Arab Thống nhất (UAE) có thể cũng được chia phần một khi sản phẩm cuối cùng ra thị trường.

Nghiên cứu vắc-xin phòng COVID-19 tại một phòng thí nghiệm ở London, Anh ngày 10/2. Ảnh: AFP/TTXVN

Tuy nhiên, không phải thỏa thuận hai chiều nào cũng phục vụ lợi ích công toàn cầu.

“Vắc-xin ngừa COVID-19 liên quan tới quy trình phát triển, sản xuất, phân phối và quản lý. Tôi nghĩ điều đầu tiên chúng ta cần ngăn chặn là thứ gọi là chủ nghĩa dân tộc vắc-xin. Nếu như mỗi nước đều tranh nhau ký các thỏa thuận song phương với tất cả các nhà sản xuất cùng lúc, sẽ không tránh khỏi tình huống là những nước không có điều kiện hoặc tài nguyên tốt không thể tiếp cận sớm với vắc-xin”, Zhang Li – Giám đốc về cải tiến chiến lược tại Gavi, đối tác y tế tư nhân toàn cầu do Quỹ Bill & Melinda Gates thành lập – nhận định.

Chuyên gia Zhang nói thêm cũng có nhiều thách thức để vắc-xin được phân phối với giá phải chăng.
“Điều quan trọng nhất hiện nay là làm cách nào để dung hòa nhu cầu của các nước cũng như khả năng sản xuất của các nhà máy, công ty, từ đó thực hiện quá trình phân phối theo tầm vĩ mô, thay vì những thỏa thuận hợp tác song phương, một chiều”.

Li Yinuo – Giám đốc Văn phòng Quỹ Bill & Melinda Gates tại Trung Quốc – cho rằng công nghệ cao sẽ là chìa khóa để giải quyết những xung đột giữa nhu cầu cao từ các nước và quá trình phân phối vắc-xin cho mọi người cùng giá cả hợp lý.

“Không phải ai cũng được tiêm vắc-xin chỉ trong một ngày. Cần phải có các chương trình triển khai theo từng giai đoạn, bắt đầu từ những người có nguy cơ nhất, như người già và nhân viên chăm sóc sức khỏe”, bà kết luận.

Hồng Hạnh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/cuoc-dua-vacxin-tang-toc-nuoc-nao-ve-dich-dau-tien-20200626105455254.htm