Cuộc đời binh nghiệp tướng Lê Văn Tri

Trung tướng Lê Văn Tri từng là Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, đề xuất và thực thi kế hoạch đánh pháo đài bay B.52 của Mỹ trên bầu trời Hà Nội trong Chiến dịch 'Điện Biên Phủ trên không' năm 1972.

Ông cũng là người trực tiếp phất cờ lệnh và chỉ huy trận không kích sân bay Tân Sơn Nhất, phát tín hiệu mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975. Ông cũng trực tiếp cầm quân giành thắng lợi ở Cổng Trời vùng biên giới Việt- Lào cách đây tròn 70 năm.

Trận đánh đầu tiên ở Cha Lo - Cổng Trời

Trung tướng Lê Văn Tri tên thật là Lê Chiêu Nghi sinh ngày 13-9-1920 ở làng Cao Hạ, xã Hạ Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Thuở nhỏ ông theo anh trai vào Sài Gòn kiếm sống, lên Biên Hòa tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Quân Pháp tái xâm lược, ông trở về quê hương Quảng Bình gia nhập quân đội. Cuối năm 1948, cuộc kháng chiến chống Pháp tái xâm lược ngày càng quyết liệt. Tình hình chiến trường biên giới Việt - Lào nguy cấp. Quân Pháp ở thế mạnh, từ Lào vượt biên giới qua vùng núi đá hiểm trở Cha Lo - Cổng Trời để tấn công xuống tỉnh Quảng Bình cũng như Khu 4 - phía Bắc miền Trung…

Cha Lo - Cổng Trời (nay thuộc xã Dân Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình, vốn nằm trong hệ thống đường mòn Hồ Chí Minh) là vùng núi non hùng vĩ, có địa thế hiểm yếu, vách đá cheo leo, vực sâu hun hút, sương mù lạnh lẽo bao phủ quanh năm. Vị trí quan trọng này khi ấy do Lê Văn Tri nắm quyền chỉ huy 1 tiểu đoàn trấn thủ, canh giữ cả mặt trận đường 12. Ông là Tỉnh đội phó Quảng Bình được Bộ Tư lệnh Khu 4 do Thiếu tướng Lê Thiết Hùng làm tư lệnh điều lên chỉ huy bộ đội chủ lực ở biên giới. Nhận tin cấp báo quân Pháp chuẩn bị tấn công vượt qua Cổng Trời, nhưng vì trấn thủ ở vùng biên xa xôi, Lê Văn Tri không cách nào liên lạc nhanh xin ý kiến cấp trên. Giữa sương mù lạnh giá mà người ông nóng như lửa đốt. Cả đêm không ngủ. Âm thanh núi rừng quê hương thân yêu như tiếp thêm sức mạnh cho vị chỉ huy trẻ tuổi.

Tư lệnh Lê Văn Tri (đứng) trình bày với Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũngvề kế hoạch tác chiến Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm 1972.

Hừng đông. Núi rừng vẫn còn ngái ngủ. Lê Văn Tri cho liên lạc triệu tập cuộc họp khẩn toàn ban chỉ huy tiểu đoàn. Sau khi bàn bạc và thống nhất ý kiến, Lê Văn Tri quyết định chủ động “ra đòn” trước. Khi nghe lệnh từ Chỉ huy trưởng Lê Văn Tri, cả đơn vị phấn khởi hạ quyết tâm trận đầu nhất định thắng. Mặt trận đường 12 rền vang tiếng súng. Lửa đạn và bụi mù bao phủ núi rừng. Tuyến đường huyết mạch vùng biên Cha Lo hoàn toàn bị đánh phá. Bước tiến của quân Pháp bị chặn lại và đẩy lùi về phía bên kia biên giới Việt - Lào. Trận đầu Lê Văn Tri trực tiếp cầm quân trên chiến trường đã giành được thắng lợi.

Án lệnh và bức điện khẩn

Tuy nhiên, điều Lê Văn Tri và cả đơn vị không chờ đợi đã bất ngờ ập đến. Khi trận đánh vừa kết thúc trong niềm phấn khích của bộ đội, có quân lệnh của Thiếu tướng Tư lệnh Lê Thiết Hùng: Bắt Lê Văn Tri giải thẳng về Bộ Tư lệnh Khu 4. Nghe hung tin, cả tiểu đoàn bàng hoàng. Vì sao trận đánh thắng lợi chỉ huy trưởng lại bị bắt? Theo thông báo của Bộ Tư lệnh Khu 4, Lê Văn Tri đã vi phạm quân pháp, tự ý chỉ huy bộ đội đánh phá đường 12 Cha Lo - Cổng Trời khi chưa được phép của cấp trên. Điều đó có nghĩa Lê Văn Tri sẽ bị đưa ra tòa án binh để xét xử, có thể đối mặt với bản án nặng nhất là tử hình.

Trên đường quân pháp áp giải “tội đồ” Lê Văn Tri về Bộ Tư lệnh Khu 4, Thiếu tướng Tư lệnh Lê Thiết Hùng nhận được bức điện khẩn từ Bộ Tổng tư lệnh do Đại tướng Võ Nguyên Giáp ký: Nhanh chóng đưa 1 tiểu đoàn công binh lên phá đường 12. Cầm bức điện khẩn trong tay, tướng Lê Thiết Hùng nhanh chóng hiểu rằng cấp dưới của mình đã làm đúng khi chủ động đi trước một bước để bảo vệ an toàn cho biên giới. Ông cũng thấy sự sáng suốt, nhạy bén trong việc chỉ đạo từ xa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Bộ Tổng tư lệnh. Thiếu tướng Lê Thiết Hùng vội ra lệnh thả ngay Lê Văn Tri và cho xe đưa vị chỉ huy trẻ tuổi trở về gấp đơn vị để tiếp tục chỉ huy bộ đội chặn bước tiến của quân Pháp.

Chỉ huy những trận đánh lịch sử

Năm 1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, Hiệp định Geneva được ký kết, nửa đất nước được giải phóng. Trung ương quyết định từng bước chính quy hóa, hiện đại hóa quân đội. Riêng quân chủng phòng không xây dựng lực lượng phòng không dã chiến, bảo vệ các yếu điểm chiến lược quốc gia. Từ đó, E367 được nâng thành Đại đoàn 367 trực thuộc Bộ Tư lệnh Binh chủng Pháo binh, sau trực thuộc Bộ Quốc phòng. Bộ chỉ huy Đại đoàn 367 gồm các ông: Hoàng Kiện làm Đại đoàn trưởng, Đoàn Phùng làm Chính ủy, Lê Văn Tri làm Đại đoàn phó. Nghĩa là từ bộ binh Lê Văn Tri đã chuyển sang chỉ huy pháo binh. Một thời gian sau, Lê Văn Tri rời Đại đoàn 367 xuống Kiến An, Hải Phòng học văn hóa nâng cao và học tiếng Trung Quốc. Đầu tháng 8-1956, ông quay về Hà Nội để sang tu nghiệp ở Học viện Pháo binh Leningrad tại Liên Xô. Một chân trời mới mở ra cho vị tướng tương lai.

Vào thời điểm ấy, đoàn học viên quân sự Việt Nam gồm 50 người sang học tại nhiều viện quân sự khác nhau của nước bạn, do các ông Đàm Quang Trung làm đoàn trưởng, Lê Tự Đồng làm đoàn phó phụ trách chính trị, Lê Văn Tri làm đoàn phó hậu cần. Trước khi đoàn lên đường, Đại tướng Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Nguyễn Chí Thanh đến thăm và giao nhiệm vụ. Ngày 20-8-1956 đoàn rời Hà Nội, đi xe lửa qua Bắc Kinh, Mãn Châu Lý rồi sang Moskva. Tại đây, đại diện các học viện của Liên Xô ra đón học viên Việt Nam. Ai về trường nấy. Lê Văn Tri cùng một số học viên về thành phố Leningrad. Ông nhớ lại: “Chúng tôi học tập rất vất vả, nhất là phải nghe, đọc, viết và nói hoàn toàn bằng tiếng Nga. Mãi đến năm thứ hai mới có thể tiếp thu tương đối hoàn chỉnh”.

Học tập 4 năm, trở về nước ông được điều làm Cục phó Cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu, rồi chuyển sang làm Phó tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân. Khi Tư lệnh kiêm Chính ủy Đặng Tính chuyển vào làm Chính ủy Bộ đội Trường Sơn 559, ông được đề bạt làm Tư lệnh. Kể từ đây, với tư cách một trong những sĩ quan cao cấp quan trọng của quân đội, Lê Văn Tri trực tiếp tham gia nhiều sự kiện trọng đại của đất nước trong cuộc chiến tranh cứu nước, đặc biệt ông trực tiếp chỉ huy Chiến dịch “Điện Biên Phủ trên không” ở Hà Nội năm 1972 và trận tấn công sân bay Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn, phát tín hiệu mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân 1975.

Sinh trưởng ở Quảng Bình nhưng Lê Văn Tri có nhiều duyên nợ với Sài Gòn - TPHCM. Thời trai trẻ ông lang bạt kiếm sống rồi tham gia cách mạng ở Sài Gòn. Mùa xuân 1975, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Lê Văn Tri là người chỉ huy tấn công sân bay Tân Sơn Nhất. Cuối đời, sau khi rời chức vụ Chủ nhiệm Tổng cục Kỹ thuật của Bộ Quốc phòng, vị tướng phòng không dạn dày trận mạc này lại về gắn bó với thành phố phương Nam.

Sau những năm tháng bệnh tật, Trung tướng Lê Văn Tri trút hơi thở cuối cùng ngày 29-5-2006 tại TPHCM. Ông ra đi trong niềm đau đớn tiếc thương của người thân, đồng đội. Lão tướng về trời kết thúc cuộc đời chiến binh quả cảm và tài trí đi từ tầm vông vạt nhọn những ngày đầu đánh Pháp đến máy bay tên lửa hiện đại chống Mỹ sau này.

Phan Hoàng

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/van-hoa-doi-song/cuoc-doi-binh-nghiep-tuong-le-van-tri-64293.html