'Cuộc chiến' ngân sách

Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan hành pháp của Liên minh châu Âu (EU), vừa đưa ra lời cảnh báo về khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Italy như một phương sách cuối cùng nếu Rome không đạt được một thỏa thuận về ngân sách trước hạn chót ngày 13-11.

Trong bối cảnh EU vẫn đang lúng túng trước viễn cảnh Anh rời khỏi Liên minh (còn gọi là Brexit), “cuộc chiến” ngân sách giữa quốc gia hình chiếc ủng và ngôi nhà chung EU tiếp tục là một hồi chuông cảnh báo về mối đe dọa của chủ nghĩa dân túy đối với sự đoàn kết và thống nhất trong EU...

Lời tuyên chiến

Phát súng mở màn cho “cuộc chiến” nổ ra khi Chính phủ Italy đưa ra kế hoạch ngân sách cho năm 2019, theo đó gia tăng chi tiêu cũng như nâng chỉ tiêu thâm hụt ngân sách lên 2,4%, gấp 3 lần so với mức chỉ tiêu của chính phủ tiền nhiệm. Thực tế thì chỉ tiêu thâm hụt ngân sách 2,4% của Italy vẫn còn thấp hơn nhiều so với mức trần 3% của EU và Italy cũng không phải trường hợp đầu tiên phá vỡ quy định ngân sách của EU. Tuy nhiên, Italy hiện lại có mức nợ công cao thứ hai trong EU, sau Hy Lạp, và là một trong những nước có tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm nhất. Vì vậy, EC lo ngại chỉ tiêu thâm hụt ngân sách này có thể làm gia tăng nợ công của Italy, hiện đã ở mức tương đương 131% tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini khẳng định nước này sẽ vẫn xúc tiến kế hoạch ngân sách của mình. Ảnh: EPA.

Bài học từ cuộc khủng hoảng nợ công từng khiến cả châu Âu phải lao đao không cho phép EU lơ là trước bất kỳ một nguy cơ nào. EU đã ngay lập tức bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy và ấn định thời hạn trong vòng 3 tuần (tức đến ngày 13-11) nước này phải có một số điều chỉnh nhằm giảm bớt nợ công đang ở con số 2.300 tỷ euro. Nếu không, Italy sẽ đối mặt với khả năng bị áp dụng các hình phạt do vi phạm quy định của Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Song, các quan chức EC cũng khẳng định họ sẽ không vội vã áp đặt các biện pháp trừng phạt lên chính quyền Rome, tránh tác động tiêu cực lên các thị trường tài chính vốn đang hoang mang và tạo áp lực không tốt đối với nền kinh tế yếu ớt của nước này.

Về phần mình, chính phủ dân túy, cực hữu ở Italy vẫn giữ quan điểm sẽ không thay đổi kế hoạch ngân sách năm 2019, bất chấp những chỉ trích cùng lời đe dọa ngày càng gia tăng từ phía EU. Giới chức Rome lập luận, kế hoạch trên sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tăng thu nhập và cho phép nợ công giảm khoảng 1% GDP. Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ Italy Matteo Salvini còn khẳng định, nếu EU bác bỏ kế hoạch ngân sách của Italy thì nước này sẽ vẫn cứ xúc tiến kế hoạch của mình.

Với quyết tâm này, ngày 5-11 vừa qua, đảng dân túy Phong trào 5 Sao (M5S) thuộc liên minh cầm quyền ở Italy tuyên bố, sẽ tiếp tục thúc đẩy chương trình trợ cấp nhằm nâng mức thu nhập cơ bản cho người dân vào đầu năm tới. Đảng M5S cho biết, chương trình trợ cấp nhằm nâng mức thu nhập lên tới 780 euro (889 USD)/tháng cho 4,5 triệu người dân có thu nhập thấp ở Italy sẽ được khởi động trong 3 tháng đầu năm 2019. Chương trình trợ cấp nói trên vốn là một cam kết quan trọng của đảng M5S trong thời gian vận động tranh cử trước đây. Tuy nhiên, đối với EU, giới phân tích đánh giá nó chẳng khác gì “một lời tuyên chiến” mà Rome gửi tới Brussels.

Kế hoạch nguy hiểm

Dù “cuộc chiến” ngân sách giữa quốc gia hình chiếc ủng và ngôi nhà chung châu Âu vẫn chưa ngã ngũ, nhưng những cảnh báo về nguy cơ một cuộc khủng hoảng tài chính khác ở châu Âu thì đã xuất hiện. Ông Lorenzo Codogno, chuyên gia kinh tế đồng thời là một cựu quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Italy cho rằng, Italy có nguy cơ gây ra cuộc khủng hoảng tài chính khác nếu Rome không sửa đổi kế hoạch ngân sách năm 2019 của mình theo hướng ôn hòa hơn. Các thị trường tài chính sắp tới có thể sẽ đẩy tỷ lệ lãi suất lên cao hơn, và điều này không sớm thì muộn sẽ làm leo thang cuộc khủng hoảng.

Trong khi đó, các hãng xếp hạng tín nhiệm cũng đã phát đi những tín hiệu cảnh báo. Mới đây nhất, cuối tháng 10 vừa qua, hãng xếp hạng tín nhiệm S&P đã hạ mức triển vọng nợ chính phủ của Italy, cảnh báo chính sách tài khóa mới của Rome sẽ đe dọa năng lực của các ngân hàng cấp vốn cho hoạt động kinh tế Italy. S&P cho rằng, triển vọng tiêu cực phản ánh nguy cơ quyết định tăng nợ công trong tương lai của chính phủ nước này sẽ không chỉ làm cho tình hình ngân sách quốc gia thêm ảm đạm mà còn dập tắt những triển vọng hồi phục ngành sản xuất tư nhân vốn đã mong manh tại quốc gia này. Trước đó, hãng xếp hạng tín nhiệm Moody's cũng đã giảm mức xếp hạng tín dụng của nước này.

Bên cạnh những lo ngại về một cuộc khủng hoảng nợ công khác tại châu Âu, “cuộc chiến” ngân sách giữa Italy và EU còn cho thấy rõ nét sự lớn mạnh của chủ nghĩa dân túy ở châu Âu-thứ mà cách đây hơn 2 năm đã khiến cả thế giới sửng sốt khi Anh chọn rời khỏi EU. Tờ The New York Times cho rằng, trong khi cuộc khủng hoảng nợ công chỉ là giả thuyết thì chủ nghĩa dân túy lại là mối đe dọa hiện hữu tác động trực tiếp đến sự đoàn kết và phát triển của EU.

HÙNG HÀ

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/cuoc-chien-ngan-sach-553998