Cuộc chạy đua với thời gian tìm kiếm 2 phu vàng bị nước cuốn trong hang sâu

'Những giờ đầu tiên khi nhận được nhiệm vụ điều động cán bộ chiến sĩ (CBCS) đến hiện trường để cứu nạn nhân bị nước cuốn sâu vào trong hang Cột Cờ, chúng tôi đã triển khai đội hình nhanh nhất có thể. Với hy vọng chạy đua từng giây để tiếp cận được đưa nạn nhân ra ngoài. Ngày thứ nhất, ngày thứ hai và cứ thế chúng tôi cứ hy vọng điều kỳ diệu sẽ đến với hai người bị nước cuốn trôi. Nhưng cuộc tìm kiếm đã phải diễn ra 11 ngày ròng rã vất vả, ăn ở dưới nước' - Trung tá Phạm Tuấn Linh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH), Công an tỉnh Hòa Bình nhớ lại.

Lực lượng PCCC-CNCH Công an tỉnh Hòa Bình tham gia cứu nạn nhân bị nước cuốn sâu vào hang Cột Cờ

Ròng rã 11 ngày đêm không nghỉ

Khi tôi ngồi viết những bài về sự gian nan vất vả của lực lượng CNCH trong vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra ở xã Thanh Nông, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình vào rạng sáng 4-11 đã khiến 2 người bị vùi lấp trong hang Cột Cờ thì chiến sĩ Trịnh Hoàng Phú (SN 1996), thuộc lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Hòa Bình vẫn đang điều trị vết thương tại bệnh viện.

Trong đêm đó, Phú nhận được nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn tại hang Cột Cờ cùng đồng đội. Công tác triển khai đội hình đã được chỉ huy phân công rõ ràng, chi tiết. Khi bắt tay vào cuộc tìm kiếm, tất cả dụng cụ, phương tiện bảo hộ được trang bị đầy đủ. Thế nhưng, do mải mê chạy đua với thời gian, Phú đã bị trượt chân, ngã xuống hang bị thương khâu 15 mũi trên đầu. “Hang toàn bùn nhão ngập sâu hàng mét, cùng với đó là nước chảy, làm nhiệm vụ trong điều kiện ánh sáng yếu ớt anh em đã luôn bảo nhau hết sức thận trọng song do miệt mài tìm kiếm nên đã xảy ra sự cố khiến tôi bị thương” - Trịnh Hoàng Phú chia sẻ.

Cùng với lực lượng CNCH thuộc Công an tỉnh còn có các lực lượng khác như Quân đội, dân quân được huy động quân số để bằng mọi cách cứu người. Mặc dù chỉ 2 người bị mắc kẹt trong hang nhưng hàng trăm người đã thay phiên nhau để nỗ lực tìm kiếm, đào bới, đập đá, phá núi, bơm nước. Trung tá Quách Mạnh Dần, Chính trị viên, Phó Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Lạc Thủy - người thường xuyên có mặt trực tiếp cùng CBCS các lực lượng Công an, Quân đội và nhân dân tham gia công tác CNCH chia sẻ: “Khi làm nhiệm vụ, anh em chúng tôi chỉ nghĩ làm sao có thể nhanh chóng tiếp cận được vị trí nạn nhân gặp nạn để kết thúc chiến dịch, bởi thời gian tìm kiếm càng kéo dài càng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn đối với CBCS. Nơi nước chảy cuồn cuộn, bùn đất ngập sâu, khu vực làm nhiệm vụ khó khăn thì không lo không được” - Trung tá Quách Mạnh Dần cho biết.

“Dù mỗi vụ việc có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau. Nhưng so với công tác CNCH các vụ việc đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh thì quy trình tìm kiếm các nạn nhân trong hang Cột Cờ là vụ việc mà các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm làm việc vất vả nhất với sự tập trung cao độ nhất để chạy đua với thời gian do xác định hang sâu và ngập nước”.

Trung tá Phạm Tuấn Linh (Phó trưởng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh Hòa Bình)

Có thể nói, những ngày diễn ra công tác tìm kiếm cứu nạn 2 nạn nhân tại hang khai thác vàng trái phép tại thôn Lộng, xã Thanh Nông thực sự là một “chiến dịch” lớn với sự tham gia của hàng trăm CBCS các lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh, Ban CHQS huyện, Công an huyện, lực lượng dân quân cơ động các xã Thanh Nông, thị trấn Thanh Hà, nhân dân địa phương...; và các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn huyện cùng hàng chục phương tiện máy móc kỹ thuật được huy động tối đa.

Ông Bùi Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy, Trưởng Ban Chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn ở hang Cột Cờ thông tin: “Hoạt động công tác cứu nạn được huyện tổ chức với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Công tác cứu nạn luôn được thực hiện một cách khẩn trương nhất, nỗ lực cao nhất. Trong đó, lực lượng tham gia công tác cứu nạn được huy động thường xuyên là 170 người gồm lực lượng Công an huyện, Ban CHQS huyện, Kiểm lâm huyện, lực lượng dân quân tại chỗ và các xã lân cận. Cùng với đó là lực lượng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Hòa Bình cùng các y, bác sĩ, nhân dân địa phương và các đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn”.

Về phương tiện máy móc, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác CNCH, các đơn vị đã huy động 10 máy xúc, 7 máy bơm công suất lớn từ 200-300 mã lực, 2 máy bơm khí, 2 máy phát điện... làm việc liên tục suốt ngày, đêm.

Do điều kiện về địa hình tổ chức công tác CNCH chật hẹp, khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, để đảm bảo công tác cứu nạn được diễn ra thường xuyên, liên tục với cường độ, mức độ cao nhất Ban Chỉ huy tìm kiếm cứu nạn đã phân công lực lượng thành 4 ca/ngày, mỗi ca có từ 30-40 người chia làm nhiều tổ để vận chuyển, bơm hút bùn ra ngoài... Với sự cố gắng, nỗ lực, quyết tâm cao nhất chỉ trong thời gian ngắn lực lượng tìm kiếm cứu nạn đã bơm hút, vận chuyển và đưa ra khỏi hang hàng chục nghìn mét khối nước, bùn, đất đá. Từng bước tiếp cận vị trí người bị nạn dưới hàng chục nghìn mét khối bùn đất và đưa các nạn nhân ra khỏi hang.

Ban Giám đốc Công an tỉnh Hòa Bình đến thăm chiến sĩ Trịnh Hoàng Phú bị thương khi tham gia cứu nạn

Lòng quyết tâm của những người lính

Trong quá trình thực hiện công tác CNCH, có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, đồng chí Nguyễn Văn Quang, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của các lực lượng CNCH trong công tác phối hợp, hiệp đồng xây dựng, triển khai và tổ chức thực hiện các phương án tìm kiếm cứu nạn phù hợp với điều kiện thực tế tại hiện trường, đạt hiệu quả cao của các lực lượng tham gia CNCH.

Trung tá Phạm Tuấn Linh, Phó trưởng Phòng Cảnh sát PCCC-CNCH, Công an tỉnh Hòa Bình là người đã từng trực tiếp tham gia công tác CNCH nhiều vụ tai nạn xảy ra trên địa hình nguy hiểm cho biết: “Dù mỗi vụ việc có tính chất, mức độ nguy hiểm khác nhau. Nhưng so với công tác CNCH các vụ việc đã từng xảy ra trên địa bàn tỉnh thì quy trình tìm kiếm các nạn nhân trong hang Cột Cờ là vụ việc mà các lực lượng tham gia công tác tìm kiếm làm việc vất vả nhất với sự tập trung cao độ nhất để chạy đua với thời gian do xác định hang sâu và ngập nước”.

Dù trong hoàn cảnh khó khăn là vậy, nhưng với những người lính làm nhiệm vụ CNCH thì vụ việc vừa qua thêm một lần nữa họ được rèn luyện bản lĩnh, năng lực hiệp đồng phối hợp tổ chức công tác CNCH giữa các lực lượng. Trung tá Bùi Công Nguyên, Phó Chỉ huy trưởng, Tham mưu trưởng Ban CHQS huyện Lạc Thủy, thành viên Ban Chỉ huy công tác CNCH tại hang Cột Cờ cho biết: “Sự việc vừa qua tại hang Cột Cờ xã Thanh Nông được chúng tôi coi như là một cuộc huy động thực binh. Qua đây, cũng đã giúp cho anh em CBCS tham gia thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong công tác quản lý cũng như công tác phối hợp, hiệp đồng huy động, tổ chức lực lượng làm công tác CNCH cũng như rèn luyện bản lĩnh, ý chí và quyết tâm phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao của mỗi người lính”.

Sau 11 ngày đêm liên tục tìm kiếm, cứu nạn, các nạn nhân đã được lực lượng chức năng tìm thấy và bàn giao cho gia đình.

Lâm Giang

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/doi-song/cuoc-chay-dua-voi-thoi-gian-tim-kiem-2-phu-vang-bi-nuoc-cuon-trong-hang-sau/791095.antd