Cùng đồng lòng chống dịch

Thực hiện yêu cầu của UBND thành phố Hà Nội về việc tạm dừng hoạt động tất cả các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu như quán cà phê, nhà hàng, quán bar, karaoke, quán bia hơi… đến hết ngày 5-4, từ chiều tối 25-3 đến ngày 26-3, các địa phương trên địa bàn Thủ đô đã tích cực vào cuộc triển khai.

Nhờ việc tuyên truyền, nhắc nhở sâu sát, kịp thời của lực lượng chức năng, nhiều chủ cửa hàng đã chấp hành việc dừng kinh doanh. Rút kinh nghiệm từ thực tế, để bảo đảm toàn dân đồng lòng chống dịch hiệu quả, chính quyền các địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giám sát đối với những cơ sở chưa thực hiện triệt để.

Cửa hàng cà phê Trung Nguyên trên phố Lý Quốc Sư thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.

Cơ bản đã thực hiện nghiêm

Là một trong những khu vực tập trung rất nhiều nhà hàng, quán cà phê, quán bar, karaoke…, nhưng, theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànôịmới trong ngày 26-3, nhiều hàng quán trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã chấp hành nghiêm chủ trương của thành phố để phòng, chống dịch Covid-19. Tại quán Trà Chanh số 26 phố Nhà Thờ và quán cà phê Cộng số 2 phố Nhà Chung (quận Hoàn Kiếm), hằng ngày vẫn thu hút đông khách nhưng từ sáng 26-3 đã thực hiện đóng cửa. Tại trung tâm khu vực phố cổ thuộc địa bàn phường Hàng Đào, Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Trống (quận Hoàn Kiếm) đến 15h ngày 26-3, về cơ bản các hộ kinh doanh cà phê, giải khát, karaoke, quầy bán quà lưu niệm… đều đã tạm dừng hoạt động.

Trao đổi với phóng viên, Trung tá Vũ Thế Cường, Trưởng Công an phường Hàng Trống thông tin: “Từ cuối giờ chiều 25-3, sau khi tiếp nhận chỉ đạo của cấp có thẩm quyền, lực lượng công an phường đã trực tiếp đến các quán ăn, nhà hàng, quán giải khát tuyên truyền, yêu cầu các hộ ký cam kết tạm dừng kinh doanh. Nhìn chung, nhân dân rất đồng tình ủng hộ”.

Tìm hiểu trên địa bàn các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy… phóng viên cũng nhận thấy rất nhiều cửa hàng đã đồng loạt đóng cửa, các tuyến phố hằng ngày kinh doanh sầm uất. Điển hình như trên các trục “phố cà phê” nổi tiếng ở quận Hai Bà Trưng như: Triệu Việt Vương, Tuệ Tĩnh, Phố Huế... dễ dàng bắt gặp hình ảnh “cửa đóng then cài”. Vào khoảng 12h ngày 26-3, trước cửa quán An Coffe (quận Đống Đa) đã dựng một tấm biển thông báo: “Theo chủ trương của Chính phủ, quán xin phép đóng cửa từ ngày 27-3 đến 5-4-2020”. Đặc biệt, nhiều quán cà phê, bánh mì trên phố Tô Hiến Thành, Tuệ Tĩnh, Hòa Mã (quận Hai Bà Trưng) hay Phạm Ngọc Thạch (Đống Đa) đã “sáng tạo” treo biển: “Bán hàng cho khách mang về” hoặc "cửa hàng chỉ bán theo đơn hàng online" mà không tiếp khách trực tiếp.

Chia sẻ với phóng viên, hầu hết các chủ hàng cho biết, dù chịu nhiều thiệt hại về kinh tế, nhưng trước diễn biến ngày càng nguy hiểm, khó lường của dịch Covid-19, họ sẵn sàng chia sẻ, đồng lòng cùng thành phố quyết ngăn chặn, không để dịch bệnh lây lan. Anh Lê Văn Vương, quản lý cửa hàng cà phê Kafa trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm) nói: “Dù có mở cửa thời gian ngắn buổi sáng, nhưng sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền đã thực hiện nghiêm việc đóng cửa hàng ngay trong ngày 26-3. Biết sẽ thiệt hại về kinh tế, nhưng vì mục tiêu chống dịch nên tôi đã chấp hành nghiêm yêu cầu của thành phố”.

Đáng chú ý, tại phường Quỳnh Lôi (quận Hai Bà Trưng), có nhiều quán hàng chỉ mở cửa hàng đầu giờ sáng, sau khi được lực lượng chức năng tuyên truyền đã tạm dừng kinh doanh như quán bún cá Lê Thị Thanh, số 129 Hồng Mai; cửa hàng giải khát, đồ ăn nhanh Nguyễn Vân Anh số 209 Hồng Mai… Ông Nguyễn Ngọc Bình, công chức phụ trách lĩnh vực quản lý thị trường UBND phường Quỳnh Lôi cho biết, đến tối 26-3, các cửa hàng trên địa bàn phường cơ bản tạm dừng hoạt động.

Một địa bàn sầm uất khác là tại phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy), về cơ bản, các nhà hàng, quán ăn tập trung đông người trên địa bàn đều đã đóng cửa. Ông Nguyễn Quang Thắng, Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu khẳng định: “Còn một số quán ăn trong các ngõ phố, chúng tôi sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh hiểu và chấp hành”.

Ở khu vực ngoại thành, chính quyền địa phương cùng người dân cũng khẩn trương vào cuộc thực hiện chủ trương của thành phố để phòng, chống dịch bệnh. Theo Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thanh Oai Trần Văn Lợi, đến nay, 266 di tích, 54 quán cà phê, 67 quán internet trên địa bàn huyện đã tạm dừng hoạt động. Ông Mai Linh - chủ cửa hàng ăn uống Linh Trung ở thị trấn Kim Bài nói: “Không đợi đến khi khi chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động, cách đây một tuần khi dịch Covid-19 có nhiều diễn biến mới, tôi đã chủ động cho nhân viên tổng vệ sinh và đóng cửa hàng để bảo vệ sức khỏe của gia đình, người thân và cộng đồng”.

Tại huyện Hoài Đức, thị trấn Trạm Trôi là khu vực tập trung nhiều nhất cửa hàng, quán ăn trên địa bàn, cũng được lực lượng chức năng tuyên truyền và người dân đồng thuận thực hiện dừng kinh doanh. Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn Trạm Trôi cho biết, đến sáng 26-3, 100% các cơ sở này đã ngừng hoạt động.

Vẫn còn cửa hàng mở cửa nhưng vắng khách

Trong khi quán cà phê số 9 ngõ Thái Hà đóng cửa, quán cà phê số 7 kế bên vẫn mở cửa phục vụ khách (ảnh chụp lúc 17h30 ngày 26-3). Ảnh: Quang Thái

Bên cạnh những nơi hưởng ứng tích cực, trong ngày 26-3, phóng viên Báo Hànôịmới vẫn ghi nhận ở một số tuyến đường, phố còn tình trạng cửa hàng mở cửa, tuy nhiên khách khá thưa vắng. Hình ảnh này có thể kể đến như ở “phố cà phê” tại ngõ 28 phố Nguyên Hồng (quận Đống Đa). Tại đây, nhiều quán vẫn hoạt động tuy lượng khách có giảm so với trước. Đáng nói, theo ghi nhận đến chiều tối 26-3, trong khi các cửa hàng bên cạnh đã đóng cửa thì quán cà phê Quân Quân ở số 7, ngõ Thái Hà (quận Đống Đa) vẫn mở cửa.

Tương tự, tại quận Hà Đông, những quán như Xuân Lộc Coffee 41 Lê Lợi hay quán bún ốc 24 Lê Lợi, thường ngày rất đông khách thì nay vẫn hoạt động. Trong khi đó, quán cà phê Highlands Coffee tòa nhà Hoàng Gia, đường Tô Hiệu vẫn mở cửa nhưng lượng khách ít hơn…

Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên trong ngày 26-3, nhiều siêu thị điện máy trên địa bàn thành phố như Nguyễn Kim, Media Mart, cửa hàng điện thoại… vẫn mở cửa kinh doanh nhưng khách khá vắng. Tại Trung tâm siêu thị điện máy Nguyễn Kim Ba Đình (địa chỉ số 17-19 Nguyễn Chí Thanh, quận Ba Đình), các mặt hàng nhu yếu phẩm như gạo, đường, dầu ăn, muối, bột ngọt, sữa, mì gói, thực phẩm đóng hộp, nước rửa tay, nước xịt phòng, giấy vệ sinh... được sắp xếp bày bán trên tầng 2 tại khu đồ gia dụng của trung tâm. Trao đổi về việc này, bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị Nguyễn Kim) cho biết, những mặt hàng nhu yếu phẩm được Nguyễn Kim kinh doanh theo đúng giấy phép kinh doanh của doanh nghiệp. Trong khi đó, điểm siêu thị điện máy Nguyễn Kim trên phố Tràng Thi (quận Hoàn Kiếm) đã thực hiện đóng cửa...

Trung tâm siêu thị điện máy Media Mart (18 Nguyễn Chí Thanh, 335 Cầu Giấy), cũng vẫn mở cửa hoạt động. Theo ông Phạm Hoàng Hạnh, Giám đốc phụ trách siêu thị Media Mart Cầu Giấy, thời điểm này, khách đến các trung tâm điện máy rất vắng, các siêu thị vẫn hoạt động để phục vụ việc bảo hành, bảo dưỡng sản phẩm cho khách hàng.

Tiếp tục tích cực, kiên trì tuyên truyền, vận động

Để tiếp tục thực hiện nghiêm chỉ đạo tạm dừng hoạt động các cửa hàng, dịch vụ không thiết yếu của thành phố, hiện các địa phương đang tập trung tuyên truyền để nhân dân đồng lòng thực hiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Đinh Hồng Phong, quận sẽ giám sát chặt chẽ và Chủ tịch UBND 18 phường phải chịu trách nhiệm trước lãnh đạo quận nếu không thực hiện đúng theo chỉ đạo của quận và thành phố trong thực hiện phòng, chống dịch Covid-19, trong đó có việc tạm dừng hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.

Tại quận Ba Đình, hiện lực lượng chức năng của 14 phường đang tập trung cao độ để tuyên truyền, nhắc nhở các chủ cửa hàng tạm dừng việc kinh doanh. Chủ tịch UBND quận Ba Đình Tạ Nam Chiến nêu, quận đã chỉ đạo các phường tiếp tục kiểm tra, nhắc nhở các trung tâm thương mại, cơ sở kinh doanh dịch vụ tạm thời dừng mọi hoạt động kinh doanh vì cộng đồng.

Trong khi đó, theo Phó Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Trần Thanh Long, từ ngày 13-3, quận đã ra văn bản chỉ đạo các phường quyết liệt thực hiện việc đóng cửa, tạm dừng kinh doanh tại các nhà hàng, tạm dừng đón khách tại các địa điểm di tích lịch sử. Công an quận và Phòng Văn hóa - Thông tin quận được giao nhiệm vụ nắm tình hình thực tế hằng ngày để nhắc nhở và báo cáo lãnh đạo quận có biện pháp xử lý nếu vi phạm.

“Ngay tối 25-3, quận đã họp quán triệt và giao 14 phường trên địa bàn, trong đó lực lượng công an chịu trách nhiệm chính trong việc kiểm tra, nhắc nhở chủ cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu thực hiện nghiêm chỉ đạo của UBND thành phố. Thời gian tới, bên cạnh đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, lực lượng chức năng của quận sẽ tập trung giám sát việc thực hiện”, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Trần Quý Thái nêu rõ các giải pháp quận đang triển khai.

Còn với địa bàn ngoại thành như huyện Quốc Oai, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đức Phương, huyện sẽ tập trung tuyên truyền để tạm dừng triệt để hoạt động kinh doanh của các cửa hàng; đồng thời hạn chế tối đa việc tập trung đông người tại các đám hiếu, hỷ, giỗ, liên hoan sinh nhật, gặp mặt đông người…

Chỉ sau thời gian ngắn thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, việc thực hiện đóng cửa các cửa hàng dịch vụ kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu trên địa bàn thành phố đã có diễn biến tích cực, thể hiện rõ sự đồng lòng của các doanh nghiệp, người dân với chủ trương của chính quyền cũng như trách nhiệm với cộng đồng. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, vì vậy, mỗi người dân, các cấp, ngành cần đồng lòng, tiếp tục kiên trì các giải pháp thành phố đã đề ra, để sớm đẩy lùi được dịch bệnh.

Nhóm phóng viên

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/962405/cung-dong-long-chong-dich