Cùng con vượt qua thất bại

Chia sẻ niềm vui với con trẻ là quan trọng nhưng gần gũi, lắng nghe và cùng con vượt qua nỗi buồn thất bại còn quan trọng hơn.

Học sinh tham dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi trường THPT Việt Đức (Hà Nội). Ảnh: Thế Đại

Kỳ thi vào lớp 10 vừa đi qua, Kỳ thi tốt nghiệp THPT chuẩn bị có kết quả đã và sẽ tiếp tục có học trò đối diện với thất bại. Thất bại vì các em không thể đặt chân vào ngôi trường mình mơ ước lâu nay. Đó cũng có thể chỉ là bởi chưa đạt được số điểm mà bản thân gia đình, thầy cô, bạn bè kỳ vọng. Với nhiều em đó là thất bại đầu đời, cũng có em đó là thất bại mình từng gặp. Nhưng thất bại với bất kỳ lý do, hoàn cảnh ra sao đều khiến các em mang tâm lý phiền muộn, thậm chí chán nản. Do đó, bố mẹ là người hơn ai hết cần đồng hành với các con trong thời điểm khó khăn này.

Gần gũi, lắng nghe

Gia đình là nơi chứa đựng những tình cảm yêu thương mà chúng ta dành cho người thân yêu. Sau những ngày mệt mỏi của cuộc sống, đặc biệt là lần vấp ngã đầu đời, gia đình chính là nơi giúp trẻ nạp đầy năng lượng để tạo nên sức sống mới, tiếp bước con đường vào ngày mai. Do vậy, khi con cái thất bại trong thi cử, bố mẹ phải là người đầu tiên động viên, an ủi, tránh gây thêm áp lực không đáng có.

Thực tế, khi con không vượt qua kỳ thi, một số bố mẹ đã không biết gần gũi để an ủi mà còn tạo thêm áp lực. Có người thì trách cứ con bằng những lời nói so sánh bóng gió như “học kém mà ngoan thì tao còn thương, đằng này…”, “con nhà người ta thì …con mình thì…”… Thậm chí có phụ huynh còn nói lời nặng nề, ví như “uổng công cho tiền ăn học”, “về vốc đất mà ăn…”, “đi đâu thì đi đừng có nhìn mặt bố mẹ nữa…”…Cũng có số ít, bố mẹ dùng cả roi vọt để đánh con sau khi chúng thi hỏng. Hệ quả, sau mỗi kỳ thi, nhiều trẻ đã rơi vào trầm cảm, có không ít vụ việc đau lòng đã xảy ra như tìm đến cái chết. Thay vì, xử sự như trên, chúng ta cần đưa ra những lời động viên nhẹ nhàng, kịp thời. Chúng ta có thể nói “Bố mẹ và các em luôn bên cạnh con! Con đừng xấu hổ vì thi rớt, bởi thất bại lớn nhất của đời người là ngã mà không thể đứng dậy đi tiếp. Con đường phía trước vẫn còn dài và đang đợi con đấy” hay “Con à, bố mẹ biết con đã rất cố gắng. Những đừng buồn quá nhé, con buồn, con khóc là bố mẹ đau lòng lắm. Dù cho thế nào, với chúng ta, con luôn là đứa con ngoan, đừng tự trách bản thân mình nữa nhé!”….

Tâm lý chung của chúng ta khi gặp thất bại là buồn chán và thường nghĩ đến những điều bi quan, tiêu cực. Trong tập mới nhất của loạt phim tài liệu về những tay vợt tennis nổi tiếng “Break Point”, Nick Kyrgios tiết lộ anh đã trải qua khoảng thời gian khó khăn sau thất bại ở Wimbledon 2019 (thua Rafael Nadal ở vòng 2). Tay vợt người Australia chia sẻ: “Tôi đã thực sự cân nhắc xem liệu mình có muốn tự tử hay không. Tôi đã thất bại ở Wimbledon. Tôi tỉnh dậy và thấy bố mình đang ngồi trên giường khóc nức nở. Đó là lời cảnh tỉnh lớn đối với tôi. Tôi tự nghĩ mình không thể tiếp tục làm việc này nữa. Cuối cùng, tôi đến một khu điều trị tâm thần ở London để tìm ra vấn đề của mình”.

Câu chuyện trên cho thấy, động viên con cũng cần tinh tế để tránh gây tổn thương. Thay vì mang tâm lý buồn phiền để khuyên con, bố mẹ hãy vui vẻ dạy con biết chấp nhận thất bại. Chúng ta không bao giờ được dùng thái độ “bề trên” để nói chuyện khi chúng vừa như… rơi xuống vực thẳm. Với trẻ lúc này, đầu tiên bạn phải thay đổi thái độ của mình. Đây chính là cách bạn đặt bản thân vào vị trí của con để thấu hiểu, cảm thông và giải quyết vấn đề hợp lý nhất. Quan trọng là đừng nghĩ “Con còn nhỏ không biết gì!”. Con trẻ rất nhạy cảm, mọi lời bạn nói, mọi thái độ bạn thể hiện đều tạo ra năng lượng trực tiếp mà chúng sẽ cảm nhận.

Học sinh tham dự thi Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại điểm thi Trường THPT Ba Chẽ (Quảng Ninh). Ảnh: Minh Cương

Đối mặt với thất bại

Luôn nhớ rằng, trong cuộc đời ai cũng sẽ có vài lần thất bại, ngay cả khi họ không muốn thì điều này vẫn xảy ra. Thi trượt sẽ là cảm giác đau khổ và buồn bã nhưng không phải là dấu chấm hết. Bằng cách nào đó, bố mẹ cần chia sẻ điều ấy với con, giúp chúng đối diện với thất bại một cách nhẹ nhàng nhất có thể.

Bạn có thể an ủi để chúng thấy rằng, thi rớt, không qua môn là việc bất cứ ai cũng có thể gặp. Đó là điều bình thường trong cuộc sống. Quan trọng là chúng ta có thể vượt qua nó hay không. Sự thất bại khi thi cử này không thể định nghĩa được con người, không thể biến người đó trở nên vô cùng kém cỏi. Hãy chỉ ra rằng, thi rớt hôm nay không thể đồng nghĩa trong tương lai họ không thể thành công. Bố mẹ có thể kể cho con nghe một số câu chuyện về những nhân vật nổi tiếng từng thất bại khi còn đi học. Câu chuyện về Churchill là một trường hợp như thế. Ông từng bị đúp năm lớp 6. Ông cũng bị đánh bại ở tất cả vị trí trong những cơ quan chính phủ mà ông xin vào. Tuy nhiên, tới năm 62 tuổi, Churchill đã trở thành Thủ tướng Anh. Ông tự nhận mình là “một người bi quan luôn thấy sự khó khăn trong mọi cơ hội” và “một người lạc quan luôn tìm thấy cơ hội trong mọi khó khăn”.

Hay câu chuyện của nhà bác học Edison. Thầy giáo của Edison từng mắng ông là “dốt tới mức không thể học được bất cứ cái gì”. Edison đã mang chuyện này kể lại với mẹ. Mẹ ông nghe xong liền nổi giận. Bà đùng đùng dẫn con trai tới trường và bảo với thầy giáo của Edison rằng, “trí óc của nó còn hơn ông đấy. Tôi sẽ giữ nó tại nhà và dạy lấy, vì tôi đã là giáo viên, để ông thấy rằng sau này nó sẽ ra sao!”.

Một ví dụ khác, câu chuyện về tỷ phú xe máy Soichiro Honda cũng là một ví dụ. Soichiro Honda từng tâm sự rằng, “đối với tôi, thành công có thể chỉ đạt được khi đã trải qua nhiều thất bại và nghiền ngẫm. Trên thực tế, trong tất cả việc ta làm, thành công chỉ chiếm 1%, 99% còn lại là thất bại”. Tinh thần làm việc, nghị lực và lòng say mê với khoa học là chìa khóa đưa Honda đến thành công. Soichiro Honda từ biệt thế giới vào năm 1992, nhưng người đời còn nói nhiều về ông, mỗi khi nghĩ tới một điển hình của “thiên tài không bằng cấp”…

Kể những câu chuyện ấy, ít nhất, đó sẽ là những lời an ủi khi thi trượt để giảm bớt suy nghĩ tiêu cực nơi con trẻ.

Để trẻ được nghỉ ngơi

Đồng hành không chỉ bằng những lời động viên an ủi hay giúp con đối diện với thất bại, mà còn phải để cho các con được nghỉ ngơi. Bố mẹ cần dành thời gian thư giãn cùng con trong khoảng thời gian này. Thời gian để bố mẹ thật sự chuyện trò thoải mái, chơi đùa cùng con mới là lúc kết nối sâu sắc nhất giữa bạn và người bạn nhỏ của mình. Điều này nghe có vẻ quá lý tưởng nhưng không nhất thiết bố mẹ phải trò chuyện thật lâu với con, chỉ cần nói những câu thật chất lượng. Nghĩa là, vào những giây phút đó, hãy tận hưởng hoàn toàn cảm giác hòa mình với thế giới yêu thích của con và thật tận tâm khi làm điều đó.

Sau một kỳ thi dù kết quả như thế nào thì cũng cần có thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn. Bởi vì, thi cử luôn là một quá trình học tập đầy áp lực và vất vả. Ai đó đã từng nói “học vấn là chùm rễ đắng cay nhưng hoa quả lại ngọt ngào”. Do đó, đừng cố ép trẻ phải lao đầu vào học ngay lập tức. Như thế là quá tải với đầu óc. Bố mẹ hãy giúp con thư giãn, xả hơi để lấy lại tinh thần, tạo sự thư thái để đưa ra các quyết định sáng suốt hơn cho tương lai. Một chuyến đi chơi ngắn ngày hay cùng con đi ăn, chơi một môn thể thao… yêu thích là những hình thức thư giãn tốt.

Trong thời gian cùng con thư giãn, bố mẹ tuyệt đối không nhắc đến chuyện thi trượt. Hãy tìm cách giúp con quên đi điều ấy bằng những câu chuyện vui, lạc quan ở tương lai như cái cách bà cụ Tứ đã ứng xử với vợ chồng Tràng trong truyện ngắn “Vợ nhặt” của nhà văn Kim Lân. Đó là việc người mẹ nghèo khổ kể đến những điều vui trong tương lai để quên đi cái đói khủng khiếp ở thực tại đang vây bủa quanh đôi vợ chồng trẻ. Bà nói về tương lai với niềm lạc quan “biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời”. Bà bảo ban các con làm ăn: “khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà, ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có đàn gà cho xem”. Chắc chắn rằng, với cái cách ứng xử ấy, người mẹ nghèo về vật chất nhưng giàu ở tình thương, sự cảm thông đã đem đến niềm lạc quan, phấn khởi cho nàng dâu mới. Bố mẹ ứng xử khéo léo với con trong khoảnh khắc con thi hỏng cũng sẽ đem đến niềm lạc quan rất lớn.

Sau kỳ thi, nhận kết quả không như kỳ vọng sẽ khiến trẻ buồn chán và thất vọng. Khi đó, thái độ của gia đình sẽ tác động vô cùng lớn đến tinh thần, niềm tin nơi trẻ. Thay vì bày tỏ sự thất vọng, so sánh hay chê bai, hãy tìm cách để động viên các con khi thi trượt hoặc chưa đạt được điều mình mong muốn. Bố mẹ cần lưu ý, phải biết lắng nghe con bày tỏ nỗi lòng trước khi cho những lời an ủi. Sau đó, bố mẹ tìm cách để con đối mặt với thất bại. Cuối cùng, gia đình phải để các con được nghỉ ngơi, thư giãn thật sự. Làm tốt được những điều ấy, bố mẹ mới thực sự giúp các con bước qua thất bại để hướng đến thành công trong tương lai.

Thái Sơn

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/cung-con-vuot-qua-that-bai-post646087.html