Củ nghệ đang được 'thần thánh hóa'?

Tinh chất nghệ được biết đến là có tác dụng tích cực trong việc điều trị các bệnh như Alzheimer, tiểu đường, viêm khớp, hói đầu, khô khan, rối loạn cương dương, tăng nhãn áp, ung thư. D. Craig Hopp, Phó Giám đốc bộ phận nghiên cứu Extramural tại Viện Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ, nói: 'Nó được coi như thuốc chữa bách bệnh.' Nhưng có thực thế không?

Theo CNN, có rất nhiều nghiên cứu hiện chứng minh rằng nghệ có thể giúp kiểm soát cơn đau đầu gối trong các bệnh viêm khớp cũng như giảm khả năng bị đau tim sau phẫu thuật bắc cầu động mạch vành. Củ nghệ cũng được sử dụng trong điều trị các vấn đề sức khỏe như khó thở, thấp khớp, mệt mỏi và cơn đau kéo dài.

Nhưng các nhà khoa học cũng lưu ý cần có sự phân biệt giữa nghệ với tư cách là thực vật và gia vị. Những gì khoa học thường nghiên cứu, đó là chất curcumin, thành phần được chiết xuất trong tinh chất của nghệ. Và thậm chí curcumin cũng không phải là hợp chất duy nhất, mà đi kèm cùng với ba hoặc bốn hợp chất được gọi là curcuminoid nói chung. Theo Viện Y tế quốc gia Mỹ, nhìn chung, củ nghệ chứa tới 5% curcuminoid.

Khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành

Việc trích xuất chất curcumin và chuyển công dụng vào phương pháp điều trị thành công vẫn là thách thức lớn đối với các nhà nghiên cứu. Đã có bằng chứng dịch tễ học rằng việc ăn chế độ giàu nghệ có thể có lợi cho sức khỏe một cách đáng kể. Người ta cho rằng tỷ lệ ung thư thấp ở Ấn Độ chính là nhờ họ có bữa ăn giàu nghệ hàng ngày.

Nhưng chất curcumin có các đặc tính khiến tác dụng của nó không thực sự như được “quảng cáo”: Nó được chuyển hóa nhanh và bài tiết cũng nhanh khiến cho rất ít chất này được hấp thu vào cơ thể. Hay nói cách khác, nó rất khó đến được những nơi nó có thể giúp đỡ.

Do đó, hạt tiêu đen thường được sử dụng cùng với nghệ. Piperine trong hạt tiêu làm tăng tính khả dụng của curcumin.

Tác dụng của củ nghệ với bệnh tăng nhãn áp và bệnh Alzheimer

Trên tạp chí Scientific Reports, các nhà nghiên cứu cho biết curcumin cũng không dễ hòa tan, và phần lớn trong số đó không đi vào mạch máu. Người ta cần phải uống 24 viên nén curcumin 500mg mỗi ngày để có được liều lượng hiệu quả, làm tăng nguy cơ tác dụng phụ đường tiêu hóa như nôn mửa và tiêu chảy.

Giáo sư Francesca Cordeiro của trường Imperial College London và là một trong những tác giả của nghiên cứu cho biết: Món cà ri nhìn chung chỉ có 700mg nghệ. Bạn sẽ cần phải ăn 200 suất cà ri mỗi ngày mới đạt được mức điều trị hiệu quả.

Thay vì chọn viên nang hoặc thức ăn làm phương pháp điều trị, nhóm nghiên cứu của Cordeiro sử dụng thuốc nhỏ mắt với chất ổn định làm tăng độ hòa tan của curcumin trên chuột thí nghiệm hai lần một ngày.

Cordeiro nói: “Chúng tôi đã sử dụng công nghệ nano. Lợi thế của nó là rất nhỏ nên dễ dàng lọt vào mắt. Khi nó đi vào, nó có thể ảnh hưởng đến các tế bào thần kinh ở đó, và hiệu ứng trực tiếp đó có thể dẫn đến việc chúng không chết. Đó là sự thật về những gì chúng ta gọi là bảo vệ thần kinh.”

Ba tuần sau, những con chuột không được điều trị giảm 23% tế bào võng mạc so với nhóm được điều trị. Sự mất mát này đã được ngăn chặn bằng cách điều trị bằng chất curcumin.

Các bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu bao gồm các thử nghiệm lâm sàng và khám phá khả năng sử dụng võng mạc như một “cửa sổ cho não” bằng cách phát triển các giọt để làm nguồn chẩn đoán bệnh Alzheimer.

Cordeiro nói: “Curcumin là huỳnh quang. Nếu bạn đặt đúng bước sóng vào nó, nó sẽ phát huỳnh quang, và nó liên kết với các phần liên quan đến bệnh Alzheimer, amyloid beta”, một trong những chất trong não cho biết dấu hiệu của tình trạng này.

Ngay cả khi những rủi ro của việc dùng nghệ như là thực phẩm bổ sung có vẻ hạn chế, Cordeiro khuyến cáo mọi người nên nói chuyện với bác sĩ, đặc biệt nếu có đang sử dụng thuốc khác, để có bức tranh đầy đủ có nên sử dụng nghệ hay không.

Thanh Lam

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/cu-nghe-dang-duoc-than-thanh-hoa-82492.html