COVID-19 tại ASEAN hết 5/4: 9 quốc gia có ca mắc mới; Các nước siết chặt phòng dịch

Theo trang thống kê worldometers.info, trong ngày 5/4, 9 quốc gia ASEAN ghi nhận 13.483 ca mắc COVID-19 và 165 ca tử vong, nâng tổng số người mắc bệnh tại ASEAN từ đầu dịch lên 2.932.139 ca, trong đó 59.935 người tử vong.

Diễn biến dịch bệnh tại các nước nhiều ca mắc mới nhất ASEAN

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Cảnh sát làm nhiệm vụ tại Manila, Philippines. Ảnh: THX/TTXVN

Philippines có nhiều ca mắc COVID-19 nhất ASEAN trong ngày 5/4. Bộ Y tế nước này (DOH) cho hay số ca mắc mới COVID-19 được phát hiện tại Philippines trong ngày là 8.355 ca, nâng tổng số ca mắc bệnh được xác nhận ở quốc gia Đông Nam Á này lên 803.398 ca.

Theo DOH, tổng số ca tử vong do COVID-19 ở Philippines cũng tăng lên 13.435 ca sau khi có thêm 10 bệnh nhân tử vong trong thời gian trên. Hiện vùng thủ đô Manila (Metro Manila) vẫn là trung tâm bùng phát dịch bệnh với nhiều ca mắc bệnh mới và đang được điều trị nhất.

Đứng thứ hai về số ca mắc COVID-19 trong ngày 5/4 là Indonesia với 3.712 ca. Indonesia đứng đầu ASEAN về số ca tử vong trong ngày với 146 ca.

Theo thông báo của Bộ Y tế Malaysia, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 1.070 ca nhiễm mới COVID-19 - mức thấp nhất kể từ giữa tháng 12/2020. Hiện Malaysia có tổng số 352.029 ca nhiễm, trong đó có 1.295 người không qua khỏi.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Bangkok, Thái Lan, ngày 19/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Trong khi đó, tại Thái Lan, Trung tâm Quản lý tình hình dịch COVID-19 của nước này (CCSA) cho biết số ca mắc mới COVID-19 tại Thái Lan trong cùng ngày đã gia tăng với 194 ca, chủ yếu là do các ổ dịch được phát hiện tại một nhà tù ở tỉnh Narathiwat, phía Nam Thái Lan và tại các quán bar ở thủ đô Bangkok.

Theo người phát ngôn của CCSA Apisamai Srirangsan, trong số các ca mắc mới trên có 182 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 12 ca "nhập khẩu". Trong số các ca lây nhiễm trong cộng đồng, 94 ca được xác nhận tại nhà tù Narathiwat và 46 ca được xác nhận ở Bangkok. Cho đến nay, tại Thái Lan đã phát hiện tổng cộng 29.321 ca mắc COVID-19, trong đó 27.840 bệnh nhân đã hồi phục hoàn toàn và được xuất viện, trong khi 1.386 người khác hiện vẫn đang được điều trị trong bệnh viện và 95 người tử vong.

Kiểm tra thân nhiệt phòng lây nhiễm COVID-19 tại một khu chợ ở Phnom Penh, Cambodia, ngày 17/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Bộ Y tế Campuchia thông báo trong ngày 5/4, nước này đã xác nhận 63 ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng và một ca tử vong mới. Thông báo cho biết trong số các ca mắc mới, 31 ca được phát hiện ở thủ đô Phnom Penh, 22 ca ở tỉnh Svay Rieng, 6 ca ở tỉnh Preah Sihanouk, 2 ca ở tỉnh Kampong Chhnang, trong khi tại các tỉnh Kandal và Prey Veng, mỗi tỉnh có 1 ca.

Kể từ khi bắt đầu xảy ra đại dịch COVID-19 hồi tháng 1 năm ngoái, Campuchia đã chính thức ghi nhận tổng cộng 2.752 ca mắc COVID-19, 21 ca tử vong và 1.747 ca đã khỏi bệnh. Ngày 10/2 vừa qua, nước này đã phát động chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19, theo đó đến ngày 4/4, hơn 581.000 người trong các nhóm đối tượng được ưu tiên đã được tiêm vaccine phòng bệnh.

Malaysia siết chặt lệnh kiểm soát đi lại trước tháng lễ Ramadan

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Kuala Lumpur, Malaysia, ngày 12/3/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Nhà chức trách Malaysia thông báo các cá nhân vi phạm lệnh cấm đi lại sẽ phải chịu mức phạt lên đến 2.400 USD. Thông báo trên được đưa ra trong bối cảnh cuối tuần này Malaysia sẽ bước vào tháng lễ Ramadan - thời điểm nhiều người dân sẽ tranh thủ đi du lịch hoặc trở về quê hương.

Phát biểu trước báo giới sau khi phát động Chương trình “Mỗi chốt một cảnh sát”, Cục trưởng Cục An toàn cộng đồng và Phòng chống tội phạm, ông Zainal Abidin Kasim, cho biết lực lượng chức năng sẽ thực thi các biện pháp kiểm tra nghiêm ngặt hơn tại tất cả các chốt nằm giữa các bang và chỉ những người có giấy phép đi lại liên bang mới được cho qua. Có từ 30-35 rào chắn đã được thiết lập ở các điểm ra, vào những bang giáp ranh trên toàn quốc và những rào chắn này sẽ được lập thêm khi cần thiết.

Chương trình “Mỗi chốt một cảnh sát” sẽ được mở rộng trên toàn quốc, đặc biệt là ở các vùng nông thôn nhằm cung cấp các dịch vụ chất lượng và tăng cường an ninh tại các khu dân cư. Chương trình được kỳ vọng sẽ tạo ra tác động tích cực đến sự an toàn của cộng đồng, qua đó làm giảm tội phạm ở các khu vực bị ảnh hưởng của dịch bệnh.

Lệnh kiểm soát dịch chuyển có điều kiện đang được áp dụng tại nước này là một trong những biện pháp nhằm kiểm soát sự lây lan của dịch COVID-19. Bên cạnh đó, quốc gia Đông Nam Á này cũng đang hoàn tất giai đoạn 1 của Chương trình quốc gia về tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 và sẽ bắt đầu vào giai đoạn 2 từ ngày 19/4 tới. Giai đoạn 2 sẽ được tiến hành, với đối tượng là những người có nguy cơ nhiễm dịch bệnh cao, trong đó có người cao tuổi, người khuyết tật và những người mắc bệnh mãn tính.

Indonesia mở rộng lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân tại Surabaya, Đông Java, Indonesia, ngày 3/4/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Chủ tịch Ủy ban xử lý COVID-19 và Phục hồi kinh tế quốc gia (KPC PEN) của Indonesia, ông Airlangga Hartarto cho biết Lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ (PPKM) đã được mở rộng ra thêm 5 tỉnh và thành phố trên cả nước.

Phát biểu trong buổi họp báo trực tuyến, ông Airlangga – người cũng đang giữ chức Bộ trưởng Điều phối Các vấn đề kinh tế - cho biết Lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ sẽ được kéo dài thêm hai tuần, từ ngày 6-19/4 tới tại 20 tỉnh và thành phố. Trước đó hôm 19/3, Lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ chỉ được áp dụng cho 15 tỉnh, thành. Theo Bộ trưởng Airlangga, việc áp dụng lệnh này đã giúp giảm các ca mắc COVID-19 tại hầu hết các tỉnh, ngoại trừ Banten vốn vừa mới triển khai lệnh này và đang tiến hành xét nghiệm quy mô lớn.

Lệnh hạn chế hoạt động cộng đồng quy mô nhỏ được triển khai lần đầu tiên vào ngày 11/1/2021 và cho đến nay đã được gia hạn và mở rộng quy mô nhiều lần. Trước đó, thủ đô Jakarta và nhiều địa phương khác đã áp dụng và liên tục kéo dài các lệnh hạn chế cộng đồng quy mô lớn dưới nhiều hình thức từ ngày 23/3/2020.

Singapore chấp nhận thẻ thông hành số vào tháng 5

Hành khách tại sân bay quốc tế Changi ở Singapore ngày 15/3/2021. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngày 5/4, cơ quan hàng quản lý hàng không Singapore thông báo nước này sẽ chấp nhận hành khách sử dụng chứng nhận sức khỏe điện tử mang tên "Thẻ thông hành số" (Digital Travel Pass) của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), trở thành một trong những quốc gia đầu tiên thông qua và triển khai sáng kiến này.

Thẻ thông hành số là một ứng dụng di động của IATA nhằm cung cấp chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 và xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2. Các hành khách phải trình kết quả hiển thị trong ứng dụng này cho nhân viên sân bay trước khi làm thủ tục bay và nhập cảnh vào Singapore. Các xét nghiệm phải được tiến hành tại các phòng xét nghiệm được chỉ định.

Trước đó, hãng hàng không Singapore Airlines đã thử nghiệm thành công ứng dụng Thẻ thông hành số, trong khi đó hơn 20 hàng hãng không trong đó có Emirates, Qatar Airways và Malaysia Airlines đang tiến hành thử nghiệm ứng dụng này. Singapore, trung tâm tài chính của châu Á, đã đi đầu trong việc phát triển và sử dụng công nghệ trong thời gian đại dịch và đang nỗ lực trở thành một trong số quốc gia đầu tiên mở cửa trở lại để tổ chức các sự kiện quốc tế.

Trong khi đó, Singapore đã xử phạt hơn 9.600 cá nhân và doanh nghiệp vi phạm các quy định phòng chống dịch COVID-19 trong khoảng thời gian từ tháng 4/2020 đến hết tháng 3/2021. Nhà chức trách cảnh báo sẽ không nới lỏng thực thi các hình phạt, dù tình hình dịch bệnh đã cơ bản được kiểm soát.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/covid19-tai-asean-het-54-9-quoc-gia-co-ca-mac-moi-cac-nuoc-siet-chat-phong-dich-20210405221417752.htm