Cốt lõi tinh thần đoàn kết toàn dân tộc

Trên thế giới hiếm có dân tộc nào như dân tộc Việt Nam chúng ta có chung một ngày Giỗ Tổ: Mồng Mười Tháng Ba (âm lịch).

Đối với những kiều bào Việt Nam sống xa Tổ quốc hoặc những người dân ta đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài, cứ vào dịp Giỗ Tổ Hùng Vương mới cảm nhận hết, mới nhớ nhung, thấm thía và thèm khát quê hương - đất nước khi đọc câu tục ngữ: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba/Khắp miền truyền mãi câu ca/ Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.

Lễ hội Đền Hùng. Ảnh: Quang Vinh.

Người Việt Nam dù ở phương trời nào đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Cội nguồn: xã Hy Cương, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây chính là điểm hội tụ văn hóa tâm linh của dân tộc Việt Nam. Từ ngàn đời nay Đền Hùng là nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng, là hạt nhân, biểu tượng của khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam.

Vào dịp Giỗ Tổ, nhân dân ta từ khắp mọi nơi trên đất nước lại về dâng hương lên các đấng Tổ tiên với một tấm lòng thành kính, biết ơn cha Rồng, mẹ Tiên và mười tám đời Vua Hùng. Đối với đồng bào không có điều kiện về Giỗ Tổ thì cùng nhau đến dâng hương tại những đền Vua Hùng được dựng ở khắp nơi trên cả nước, từ Bắc đến Nam, từ miền xuôi đến miền ngược. Còn đối với những người con dòng dõi của Rồng, Tiên ở xa đất nước, khi lập làng ở đâu cũng thường xây đền thờ Tổ và cúng giỗ Tổ nơi đó để cùng tri ân công đức Tổ tiên với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”.

Nếu không có dịp về trong dịp Giỗ Tổ mà vào dịp khác, đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài mỗi khi có dịp trở về quê cha đất Tổ cũng đều về thăm đền thờ Vua Hùng, thắp nén hương bày tỏ tấm lòng thành kính nhớ về cội nguồn và cũng là để báo cáo với Quốc Tổ về tình hình của con cháu khi sống xa Tổ quốc. Có những người còn trân trọng “thỉnh” chân hương từ Đền Hùng rồi mang về nơi mình sinh sống thờ cúng, để luôn nhớ về cội nguồn và nhắc nhở mình phải sống làm sao cho xứng đáng với công đức của Tổ tiên. Những người không có điều kiện nữa thì với lòng thành luôn hướng về đất Tổ quê cha để cầu mong cho quốc thái dân an, đồng bào hạnh phúc, yên vui…

Có một sự trùng hợp ngẫu nhiên nhưng vô cùng thú vị rằng, Giỗ Tổ Hùng Vương, sự kiện trọng đại của đất nước, dân tộc, lại trùng lặp với dịp thanh minh (thanh minh trong tiết tháng ba). Vào ngày này, các dòng họ, các gia đình lại một lần nữa đều hội tụ, thắp hương hướng về những ông tổ của dòng họ, những thành hoàng làng, những anh hùng, liệt sĩ của dân tộc, những bậc tiền nhân đã sinh ra, nuôi dưỡng, rèn rũa các thế hệ con cháu trưởng thành. Ngoài ra, mỗi dịp giỗ chạp cũng lại là lúc những người trong gia đình, dòng họ có điều kiện để gặp gỡ thăm hỏi nhau, tạo thêm sự thân thiết đoàn kết, gắn bó mật thiết với nhau.

Đây là một sự cộng hưởng, một sự kết nối, đoàn kết kép của cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà không phải ở đâu trên thế giới này cũng có được. Như vậy trong tâm khảm tâm linh của mỗi người con đất Việt có một chuỗi thống nhất những giá trị tinh thần liên quan đến phong tục thờ cúng tổ tiên: trước hết là thờ cúng những đấng Tổ tiên của cả đất nước, kế đến là Tổ tiên của các dòng họ và sau đó là Tổ của các gia đình. Đây thật sự là “chất keo” tinh thần kết dính các dân tộc anh em với nhau, các dòng họ với nhau và các thành viên trong gia đình với nhau làm nên một khối thống nhất người Việt Nam nhờ có chung một đạo: Đạo thờ cúng tổ tiên.

Tín ngưỡng có chung ngày Giỗ Tổ và thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam từ Tổ quốc, các dòng họ, gia đình đã không ngừng được giữ gìn bảo tồn qua các bước thăng trầm của lịch sử, bất chấp mọi mưu đồ, xâm lược đồng hóa của giặc ngoại xâm. Truyền thống quý báu thờ cúng tổ tiên, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”- yếu tố cốt lõi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc có được cả hàng nghìn năm qua chính là nhờ sự chung tay giữ gìn, kế thừa, nhân lên sức mạnh các giá trị truyền thống của các thế hệ về sau. Truyền thuyết Hùng Vương đã được lưu truyền trong dân gian qua nhiều thế hệ từ rất lâu trước khi vào cuối thế kỷ thứ XIV, nhà sử học Ngô Sĩ Liên biên soạn Ðại Việt Sử ký toàn thư (hoàn thành năm 1479) chính thức vinh danh các đời vua Hùng Vương trong Quốc sử, ghi nhận các đời vua Hùng Vương có công dựng nước.

Và Ðền Hùng Vương ở Lâm Thao, Phú Thọ được xây từ 250 năm trước Công nguyên. Đến đời vua Lê Thánh Tôn chọn ngày 11 và 12 tháng Ba âm lịch làm ngày Giỗ Tổ Hùng Vương. Đến Triều Nguyễn, vào năm Khải Định thứ 2, nhà Vua đã chính thức chọn ngày Mồng Mười tháng Ba âm lịch làm ngày giỗ Tổ Hùng Vương. Từ đó đến nay, cả dân tộc Việt Nam lấy ngày này làm ngày truyền thống Giỗ Tổ Hùng Vương, tồn tại đồng thời với truyền thống thờ cúng Tổ tiên, ông bà , cha mẹ và các bậc tiền bối, anh hùng, có công với đất nước, địa phương, làng bản.

Ngày 2/9/1945, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời, đánh dấu bước ngoặt lịch sử mới của dân tộc ta. Kế thừa truyền thống cao đẹp “uống nước nhớ nguồn” của ông cha ta, ngày Giỗ Tổ Hùng Vương năm 1946 cũng là ngày đầu tiên Chính phủ của nước Việt Nam Dân chù Cộng hòa thắp hương báo cáo lên các đấng sinh thành đất nước.

Ngay sau khi Chính phủ mới được thành lập, cụ Huỳnh Thúc Kháng, Phó Chủ tịch nước, đã thay mặt Chính phủ làm lễ dâng hương tại Đền Hùng. Cụ mặc áo the, khăn xếp, khấn vái theo lễ tục cổ truyền. Cụ còn trang trọng dâng lên bàn thờ tấm bản đồ Việt Nam và thanh kiếm là hai vật báu nói lên ý chí của Chính phủ và nhân dân ta trước họa xâm lăng đang đe dọa trở lại. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, do chiến tranh ác liệt nên việc đèn hương nơi mộ Tổ do nhân dân vùng quanh Đền Hùng đảm nhiệm.

Đối với lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, trong các tác phẩm báo chí, lời kêu gọi, bài phát biểu, thư từ, điện tín... Người thường dùng hai chữ “đồng bào” mỗi khi nói về nhân dân ta. Từ xưa đến nay, nhất là trong các thời kỳ Việt Nam bị chia cắt bởi thực dân, đế quốc, người Việt Nam dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn sống với nhau có tình có nghĩa, có thủy có chung, có sau có trước, có trên có dưới, có xóm có làng, có nước có nhà, có tổ có tông, sống khoan dung, đoàn kết các dân tộc, các tôn giáo, các thành phần xã hội, cùng nhau chín bỏ làm mười... thể hiện một lối sống có văn hóa và mang tính cộng đồng.

Sau chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954), cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, ngày 19/9/1954, tại Đền Hùng, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của người đứng đầu đất nước, dân tộc đã được thực hiện vào mùa Xuân 1975, thực hiện trọn vẹn nguyện ước: Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào. Từ giá trị cốt lõi của tinh thần đoàn kết toàn dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết chân lý: “Đoàn kết đoàn kết, đại đoàn kết! Thành công thành công, đại thành công!”. Và cũng trong thời đại Hồ Chí Minh, giá trị tinh thần và chân lý này của dân tộc Việt Nam đã được nâng lên thành giá trị quý báu của nhân loại.

Ngày 6/12/2012, tại Paris, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Từ đây truyền thống đoàn kết toàn dân tộc mà cốt lõi là truyền thống thờ cúng Hùng Vương đã, đang và sẽ mãi mãi là sức mạnh tinh thần, là động lực to lớn góp phần đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam thúc đẩy đất nước ngày một phát triển bền vững.

* Trong tâm khảm tâm linh của mỗi người con đất Việt có một chuỗi thống nhất những giá trị tinh thần liên quan đến phong tục thờ cúng tổ tiên: trước hết là thờ cúng những đấng Tổ tiên của cả đất nước, kế đến là Tổ tiên của các dòng họ và sau đó là Tổ tiên của các gia đình. Đây thật sự là “chất keo” tinh thần kết dính các dân tộc anh em với nhau, các dòng họ với nhau và các thành viên trong gia đình với nhau làm nên một khối thống nhất người Việt Nam nhờ có chung một đạo: Đạo thờ cúng tổ tiên.

Vũ Lân

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/chinh-tri/cot-loi-tinh-than-doan-ket-toan-dan-toc-tintuc434541