Cột điện dự ứng lực được sản xuất như thế nào?

Việc hoàn thiện cột điện dự ứng lực cần trải qua nhiều công đoạn từ làm khuôn thép, đổ bê tông, kéo căng thép, quay ly tâm...

Lãnh đạo một công ty tư nhân chuyên sản xuất cột điện tại Quảng Nam cho hay đối với cột điện bê tông dự ứng lực, toàn bộ thép của trụ được nhập từ nước ngoài. Chia sẻ với Zing, vị này cho hay cột điện dự ứng lực đều được làm theo TCVN 5847:2016.

Thép được cuộn tròn, sau đó, công nhân dùng máy cắt thép theo độ dài đã được quy định. "Sau khi thép được nhập về xưởng, công ty tiến hành kiểm tra, thử nghiệm thép có đạt tiêu chuẩn sản xuất thì mới đưa vào sử dụng", vị lãnh đạo công ty nói.

Cắt thép xong, công nhân sẽ thực hiện bước tán hai bên đầu của thanh thép để giúp căng lực. Sau đó, họ dùng máy để căn chỉnh khuôn thép đều và căng lực sơ bộ.

Hoàn thiện khung thép xong, công nhân bắt đầu dùng sắt cấu tạo quấn quanh từ đầu đến cuối trụ và cố định.

Khung sắt được đưa vào khuôn đổ.

Sau khi gia công xong lồng thép, công nhân đưa vào khuôn căng lực sơ bộ rồi mới đổ bê tông.

Sau khi nạp bê tông đầy đủ, công nhân tiến hành đậy nắp khuôn ở phần trên và siết chặt bu lông rồi đưa vào bệ căng lực.

Khi căng lực phải đạt 70% lực của thép chính và siết chặt lại.

"Căng lực xong, trụ bê tông được đưa sang dàn quay ly tâm từ 15-17 phút. Việc quay ly tâm chia làm 3 giai đoạn. Đầu tiên là quay trụ bê tông với tốc độ chậm để rải đều. Giai đoạn 2 có tốc độ quay lớn để bê tông ép vào thành khuôn. Vì vậy ở giữa trụ điện có độ rỗng. Giai đoạn thứ 3 là quay vắt nước với tốc độ khoảng 1.000-1.200 vòng/phút", một kỹ sư làm việc nói.

Khi quá trình quay ly tâm hoàn thành, trụ dự ứng lực được đưa qua bộ phận sấy, hấp hơi trong vòng 4-6 giờ để làm cho bê tông đông kết nhanh.

Sau khi tháo khuôn, công nhân phải đo độ dài, đường kính trụ.

Bê tông được trám phần đáy trụ và đưa ra bãi.

Thanh Đức

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/cot-dien-du-ung-luc-duoc-san-xuat-nhu-the-nao-post1134582.html